Cổng Làng nét đẹp hồn quê

12:02, 02/02/2022

“Lũy tre thấp thoáng đằng xa/ Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng/ Trong lòng bỗng thấy xốn xang/ Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời”. Trong thẳm sâu nỗi nhớ của những người con từng sinh ra từ làng, cổng làng cùng với cây đa, giếng nước, mái đình đã trở thành biểu tượng của không gian văn hóa làng quê, là hình ảnh thiêng liêng mà gần gũi, nhắc nhớ con người về quê hương, nguồn cội.

 

Cổng làng Khang Thọ, xã Yên Lương (Ý Yên).  Ảnh: Khánh Dũng

Cổng làng Khang Thọ, xã Yên Lương (Ý Yên).

Ảnh: Khánh Dũng

Khi tôi còn lẫm chẫm bước đi đã được ông tôi dắt ra chơi ngoài cổng làng. Trong trí nhớ non nớt của tôi ngày ấy, cổng làng thật đẹp đẽ và uy nghi. Ông kể rằng, ban đầu, cổng làng chỉ đơn giản là hai gốc ruối cổ thụ đan vòm vào nhau. Mỗi mùa hè, những quả ruối chín vàng ngọt lịm, thơm phức, căng mọng như những hạt ngô ẩn hiện trong vòm lá xanh biếc, cho chim chóc và lũ trẻ sớm chiều ríu rít. Về sau, khi nhiều người trong làng làm ăn khấm khá đã góp tiền của, mời các tay thợ tài hoa về dựng chiếc cổng bằng gạch vững chãi, bề thế. Cổng làng tôi có mái uốn vòm cong, chạm trổ đầu rồng bốn góc như đang vươn mình bay lên bầu trời xanh thẳm. Qua mưa nắng thời gian, cổng làng ngày càng mang vẻ đẹp rêu phong, cổ kính. Từ các kẽ nứt trên tường rủ mềm những bụi cây dương xỉ lòa xòa. Dòng chữ đắp nổi tên làng được sơn màu son đỏ. Đôi câu đối bên trụ cổng gửi gắm ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình. Ngay cạnh cổng làng là cây gạo cổ thụ, gốc nổi lên những u bướu như lưng lạc đà. Tháng Ba, trong sắc xuân tràn ngập đất trời, cây gạo bên cổng làng lại bung nở những chùm hoa rực rỡ. Mỗi lúc gió mạnh ào qua, những bông hoa đỏ thắm lìa cành và rụng êm xuống thảm cỏ ven đường. Tôi nhiều lần về quê vào mùa hoa gạo nở, đứng lặng dưới gốc cây, lại nhớ những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng:

“Xanh rêu tay vịn cổng làng
Tóc chiều mây trắng mênh mang lưng trời
Nỗi gì sâu thế, mẹ ơi
Mà hun hút ngõ quê vời vợi xưa”.

Nép bên cổng làng là một cái quán nhỏ của bà cụ có khuôn mặt hiền hậu, mái tóc bạc phơ như bà tiên trong truyện cổ, bày bán vài thứ đơn sơ: một hũ kẹo vừng giòn tan ủ trong bột nếp, nải chuối tiêu trứng cuốc thơm lừng, tích nước chè xanh nóng hổi đựng trong giỏ tre lót vải bông, vài thanh quế cay thơm nồng, ấm áp, cho trẻ con nhấm nháp những ngày đông lạnh giá. Khách đi xa, về gần, ghé vào quán bà cụ, chuyện nước chuyện làng cứ râm ran không dứt. Phía sau cổng làng ngày trước là con đường lát gạch nghiêng đỏ sậm màu son. Các cụ vẫn thường gọi đó là “con đường hạnh phúc”, bởi trước đây mỗi cặp trai gái khi nên duyên chồng vợ thường tự nguyện góp cho làng vài trăm gạch lát đường. Vào những ngày chợ phiên, dọc hai bên đường, người bán người mua và hàng hóa đủ loại của mấy xã lân cận tụ họp về, làm cho khu vực cổng làng thật đông vui, sầm uất. Bước chân qua vòm cổng vào làng là được trở về với không gian văn hóa làng quê đậm đà bản sắc, với những gì thân thuộc, gắn bó máu thịt nhất với mỗi người. Vẫn còn đây ngôi chùa thơm ngát hương hoa đại, hoa mộc, ngào ngạt mùi thị chín những ngày mùa thu. Vẫn còn đây ngôi đình cổ kính nằm trầm mặc dưới bóng muỗm sum suê, mát rượi. Mái đình lợp ngói hình vảy cá, bốn đầu đao gắn rồng, phượng. Giếng làng hình bán nguyệt kè đá xung quanh, hoa súng nở tím hồng mặt nước, có ba bậc đá lên xuống, nơi trước đây bà con thường ngồi đãi đỗ, rửa lá dong mỗi dịp lễ tết, hội hè. Vẳng nghe tiếng trống hội làng thì thùng vọng về, gợi nhớ những đêm hội mùa xuân chen chân trong đám hát chèo dưới màn mưa bụi. Phía sau cổng làng còn là sự gắn kết mật thiết tình cảm gia đình, anh em, họ mạc, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. 

Đối với những người dân quê, cổng làng gắn với bao kỷ niệm, với tuổi thơ trong sáng hồn nhiên chưa vướng bận lo toan. Cổng làng như nhân chứng của lịch sử, sẻ chia nỗi niềm của bao người mẹ, người vợ bịn rịn tiễn chồng, con lên đường đánh giặc, chứng kiến niềm vui vỡ òa ngày trở về và cả những nỗi đau khi biết người lính vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Bên cổng làng, có nỗi khắc khoải ngóng trông của những đứa trẻ khi mẹ đi chợ xa về muộn, có nỗi rưng rưng nghẹn ngào của người con trở về sau bao năm bôn ba, bươn chải mưu sinh ở xứ người… Chợt thấy đồng cảm với nỗi niềm da diết mà nhà thơ Đỗ Xuân Thu nói hộ bao người: “Bao năm biền biệt xa quê/ Chiều ba mươi Tết nẻo về xốn xang/ Ngẩn ngơ trước cánh cổng làng/ Giật mình thấy bóng thời gian sẫm màu!/ Chỗ này nơi đón đưa nhau/ Em còn nép cánh cổng sau hú òa?/ Chỗ này bánh đúc, bánh đa/ Bế em mong mẹ, ngóng bà chợ trưa/ Cổng làng mở rộng ước mơ/ Doanh nhân, tướng sĩ, nhà thơ, anh hùng.../ Cả ai xui xẻo đường cùng/ Về quê một lối đi chung - cổng làng”.

Dù ngày nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều cổng làng cổ xưa không còn nữa. Những cổng làng mới được xây dựng bề thế, khang trang phù hợp với diện mạo đổi thay của nông thôn mới. Nhưng trong tâm thức của những người con xa xứ, cổng làng vẫn là hình ảnh đẹp đẽ, thân thương nhất của quê hương mỗi lúc nhớ về./.

Lam Hồng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com