Trực Ninh thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2018-2020

05:11, 27/11/2020

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Trực Ninh có 11 xã, thị trấn đăng ký thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu về đích giai đoạn 2018-2020, gồm các xã: Trung Đông, Trực Chính, Trực Nội, Trực Mỹ, Trực Tuấn, Việt Hùng, Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thái, thị trấn Ninh Cường, thị trấn Cát Thành. Đây là những địa phương đi đầu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện.

Thi bơi chải trong lễ hội Chùa Cổ Lễ.
Thi bơi chải trong lễ hội Chùa Cổ Lễ.

Các địa phương này đã ban hành các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; từ đó, lập kế hoạch, chương trình hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; huy động các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ sở vật chất văn hóa. Hiện nay cả 21 xã, thị trấn của huyện đều đã xây dựng được Trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT), cả 391 thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) có nhà văn hóa (NVH), địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Tổng diện tích đất quy hoạch của Trung tâm VH-TT các xã, thị trấn đạt chuẩn theo Quyết định 48/2016/QĐ-UBND ngày 21-11-2016 của UBND tỉnh. 100% NVH thôn, xóm, TDP có diện tích quy hoạch từ 200-300m2, sức chứa trên 100 chỗ ngồi; khu thể thao thôn, xóm, TDP rộng trên 500m2, có đầy đủ các trang thiết bị khánh tiết và các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà kho, cây xanh bóng mát, đèn cao áp… Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất văn hóa theo chuẩn NTM, các địa phương trong huyện đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Giai đoạn 2018-2020, các thư viện, phòng truyền thống, nhà lưu niệm ở các xã, thị trấn thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí, hàng trăm tài liệu, hiện vật. Các thư viện, phòng truyền thống, nhà lưu niệm mở cửa 3 buổi/tuần vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7, thu hút trên 1.000 lượt người với các đối tượng là học sinh, nông dân, người cao tuổi đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Nhiều NVH thôn, xóm, TDP được trang bị tủ sách, đồng thời phát huy vai trò của thiết chế văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Một số CLB, đội văn nghệ được thành lập như luồng sinh khí mới, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển. Tiêu biểu như: CLB chèo xã Liêm Hải, thị trấn Cát Thành; CLB hát văn thôn Cống Giáp, xã Trực Thuận; CLB đàn hát dân ca làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn; CLB thơ Sông Ninh, xã Phương Định; CLB thơ Hương văn, thị trấn Cổ Lễ… Trung tâm VH-TT các xã, thị trấn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và các nhà trường đã tổ chức 8 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng thường niên thu hút trên 30% người dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa. Số lượng người tham gia các hoạt động TDTT ngày càng nhiều, gồm các môn: đi bộ, chạy bộ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, dưỡng sinh, yoga, gym... Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của huyện chiếm tỷ lệ 45%. Vào các dịp lễ, tết hàng năm Trung tâm VH-TT các xã, thị trấn tổ chức từ 7-9 giải giao lưu, thi đấu TDTT, tiêu biểu như: Giải vật đầu xuân, giải bóng đá dịp hè và các giải cờ vua, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn.

Thực hiện các chỉ tiêu về văn hoá trong xây dựng NTM nâng cao, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, từ năm 2017 UBND huyện Trực Ninh đã phê duyệt 348 hương ước, quy ước nếp sống văn hóa cho 391 thôn, xóm, TDP (đạt tỷ lệ 100%). Các hương ước, quy ước được xây dựng theo phương châm “Lấy sức dân cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân”, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ đối với việc tuyên truyền, giáo dục con cháu. Nội dung của các hương ước, quy ước đảm bảo “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”, bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương, tập trung vào mọi lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em. Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng dân cư, khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp của làng xóm, dòng họ thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Số lượng, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng lên, hàng năm Phòng VH-TT tin phối hợp với Uỷ ban MTTQ huyện triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp với Hội Phụ nữ huyện hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động: Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình văn hóa NTM. Các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình, làng xóm. Năm 2019, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm 95%. Đầu năm 2019, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa NTM” theo Nghị định 122/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo cụ thể hoá và vận dụng các nội dung tiêu chí phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Năm 2019, toàn huyện có 390/391 thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 99,7%; trong đó trên 60% đơn vị đạt danh hiệu văn hóa nhiều năm liên tục.

Kinh nghiệm triển khai thực hiện tiêu chí về văn hóa ở các xã, thị trấn trong xây dựng NTM nâng cao, giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện Trực Ninh là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao từ xã đến các xóm đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ và thống nhất qua các chủ trương, nghị quyết về các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy tinh thần dân chủ, nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân, tính chủ động sáng tạo cơ sở trong xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa - thể thao. Quán triệt các đơn vị thôn, xóm, TDP giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, sáng - xanh - sạch - đẹp, hạ tầng nông thôn đồng bộ - hiện đại - kiên cố; tiếp thu những giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa làng truyền thống. Các ngành, đoàn thể cụ thể hoá các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com