Những ngôi chùa cổ trước biến đổi khí hậu

08:01, 10/01/2020

Theo các nghiên cứu khoa học, tỉnh ta nằm trong khu vực hạ lưu sông Hồng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động đới bờ biển và dòng chảy sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo; trong đó có các ngôi cổ tự, tiêu biểu như: Chùa Nghĩa Xá (còn gọi là Viên Quang Tự), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Viên Quang Như (Nam Trực), quần thể đền Chùa Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng)…

Năm 1991 Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.
Năm 1991 Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) thờ Thiền sư Giác Hải. Theo nội dung tấm bia “Viên Quang tự bi minh tính tự” soạn năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1122) thì Chùa Nghĩa Xá được bắt đầu xây dựng từ năm 1121 đến năm 1122 hoàn thành, nằm bên bờ Nam của nhánh sông Hồng thuộc hương Giao Thủy xưa. Khi sông đổi dòng, chùa có nguy cơ bị lở nên đã được nhân dân dời về Bát Dương (2 xã Vũ Phong, Vũ Hợp, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đến đời Vua Tự Đức năm thứ 19 (1866), chùa được chuyển về xây dựng tại làng Hộ Xá (tức làng Nghĩa Xá hiện nay). Điều này phù hợp với nội dung một tấm bia khác của chùa được dựng muộn hơn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Cả hai tấm bia còn lưu giữ tại Chùa Nghĩa Xá đều ghi chép khá đầy đủ về nguyên nhân những lần di dời chùa minh chứng những tác động của sự chuyển đổi dòng chảy sông Hồng đến lịch sử tồn tại của chùa. Trong số các ngôi cổ tự chịu sự dịch chuyển bởi biến đổi khí hậu, đặc sắc nhất là di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Chùa Keo Hành Thiện là tên gọi chung cho cả 2 ngôi chùa, gồm: Chùa Keo trong tên chữ là “Thần Quang tự”, Chùa Keo ngoài tên chữ là “Đĩnh Lan tự”. Chùa Thần Quang có lịch sử khởi dựng từ thời Lý, ban đầu có tên là Chùa Nghiêm Quang, do Đức Thánh tổ Dương Không Lộ cho xây dựng vào năm Tân Sửu (1061) trên đất Giao Thủy, phủ Hải Thanh. Tháng 3 năm Đinh Hợi, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) đời Vua Lý Anh Tông, Chùa Nghiêm Quang đổi tên thành Chùa Thần Quang. Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, nước sông Hồng dâng cao gây vỡ đê, lở đất, cuốn trôi Chùa Thần Quang. Sau sự kiện đó, dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi tạo lập làng mới. Một bộ phận chuyển về mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hồng lập nên làng Hành Cung, đời Minh Mệnh (1820-1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Một bộ phận sang tả ngạn sông Hồng về phía Đông Bắc lập làng Dũng Nhuệ, đời Tự Đức (1848-1883) đổi thành Dũng Mỹ, đời Thành Thái (1889-1907) đổi là Hành Mỹ, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sau khi định cư, dân làng 2 nơi đều kiến thiết xây dựng ngôi chùa mới kiểu “nội công, ngoại quốc”, có chung phong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh” cùng thờ Thiền sư Dương Không Lộ. Năm 2016, khu di tích lịch sử - văn hóa Chùa Keo Hành Thiện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ở xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), quần thể Đền - Chùa Hạ Kỳ theo sử liệu để lại ban đầu được xây dựng ở khu vực giáp chợ Trạng Vĩnh (nay thuộc xã Yên Phúc, huyện Ý Yên). Đến thế kỷ XVII, toàn bộ vùng đất khu vực đền chùa bị lở xuống sông nên nhân dân đã chuyển đền - chùa về vị trí ngày nay, đồng thời đổi tên chùa từ Kim Khánh tự thành Diên Khánh tự. Những ghi chép đầy đủ về sự dịch chuyển của Đền - Chùa Hạ Kỳ đã giúp các nhà khoa học, địa chất hiểu thêm về bối cảnh lịch sử hình thành địa lý của vùng đất Nghĩa Thịnh xưa và nay.

Để lý giải tác động của biến đổi khí hậu tới sự dịch chuyển những ngôi cổ tự, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, Hội Trầm tích Việt Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Khoa Địa chất, Viện Địa chất, Học viện Thủy Lợi, Liên đoàn Địa chất khoáng sản biển đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Biến động đới bờ biển và dòng chảy sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng”.  Dưới góc nhìn khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nghi, Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam cho biết, Nam Định nằm trong khu vực hạ lưu sông Hồng, chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động đới bờ biển và dòng chảy sông qua nhiều thế kỷ. Nếu tính 1.000 năm trước đến nay, lịch sử tiến hóa của đới bờ đồng bằng châu thổ sông Hồng được đánh dấu bởi 4 giai đoạn hình thành: giai đoạn 1 từ năm 1018-1518, giai đoạn 2 từ năm 1518 đến 1787, giai đoạn 3 từ năm 1787 đến 1960, giai đoạn 4 (1960 đến nay). Điều đó trùng khớp với lịch sử thay đổi vị trí của những ngôi cổ tự. Bên cạnh đó, các luận cứ khoa học nêu tại Hội thảo đã chứng minh các di sản văn hóa Phật giáo và sự dịch chuyển vị trí hình thái của các dòng sông có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo, các cơ quan chuyên môn có căn cứ triển khai những biện pháp bảo vệ đường bờ biển, bảo vệ môi trường và gìn giữ những di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa nói chung. Nhà nghiên cứu di sản Phật giáo Lê Doãn Thăng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Phật giáo cho biết: Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, Hội Trầm tích Việt Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Khoa Địa chất, Viện Địa chất, Học viện Thủy Lợi, Liên đoàn Địa chất khoáng sản biển sẽ tiếp tục phối hợp thám sát tại các địa phương vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, trong đó tập trung nghiên cứu các ngôi chùa cổ ở Nam Định để củng cố các tài liệu, lý giải sự dịch chuyển vị trí làm sáng tỏ những truyền thuyết dân gian gắn với các công trình - di sản này./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com