Gìn giữ nét đẹp cổ truyền ngày Tết

04:01, 09/01/2020

 

Cho chữ đầu Xuân tại Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (ảnh trên); Hội làng (ảnh dưới).  Ảnh: Viết Dư
Cho chữ đầu Xuân tại Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư

Quê tôi là vùng đất cổ hiện còn lưu giữ được nhiều nét đẹp cổ truyền trong những ngày Tết. Từ giữa tháng Chạp,  không khí chuẩn bị Tết đã tưng bừng khắp làng trên xóm dưới. Những người con làm ăn xa quê háo hức trở về. Nhà nhà tát ao bắt cá, chọn những con to nhất để dành làm cỗ trong 3 ngày Tết. Bọn trẻ con bất chấp cái lạnh tái tê của mưa phùn, gió bấc, rủ nhau đi “hôi” cá. Phiên chợ cuối năm, dòng người từ khắp nơi đổ về đông như trẩy hội. Từng chuyến đò chở hoa từ làng bãi ven sông mang đến chợ những chậu hoa cúc, thược dược, trường sinh đủ sắc màu. Chen chân giữa những lối đi bày kín hàng hóa, mẹ tôi tất bật sắm sửa gạo nếp, đỗ xanh và những vật dụng thiết yếu cho một cái Tết đủ đầy. Những ngày giáp Tết, không khí trong mỗi gia đình càng thêm náo nhiệt. Bố tôi theo lệ thường lại tỉ mẩn cắt tỉa hàng rào dâm bụt, quét vôi tường hoa, các gốc cây và vẽ vòng cung bằng vôi ngoài ngõ. Mẹ và các con trang hoàng nhà cửa, quét dọn sạch sẽ sân, vườn. Khi việc nhà đã xong xuôi, mấy ông cháu thảnh thơi đi chợ hoa họp dưới dốc đê. Thú chơi hoa Tết bao năm rồi vẫn được ông tôi gìn giữ. Giữa muôn hồng ngàn tía, năm nào, ông cũng chọn mua một cành đào phai về cắm lọ lục bình và hai chậu cúc đại đóa vàng rực rỡ đặt trước hiên nhà. Chiều 30 Tết, con cháu sum vầy sửa soạn bữa cơm cúng Tất niên. Đĩa gà luộc vàng óng, bát thịt đông vàng nâu, trong vắt như hổ phách, điểm xuyết bông hoa xinh xắn tỉa bằng cà rốt. Bát canh măng nấu móng giò xanh mướt cọng hành tươi. Khoanh giò xào thơm nồng vị tiêu bên đĩa nem thái tay bì mỏng tang, trong vắt. Trong gian bếp ấm áp, bà tôi chụm những gộc nhãn khô giòn, bắt đầu nổi lửa nấu bánh chưng. Đám trẻ con giở bộ bài tam cúc ra chơi trong lúc chờ vớt bánh.

Cho chữ đầu Xuân tại Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (ảnh trên); Hội làng (ảnh dưới). Ảnh: Viết Dư
 Hội làng.
Ảnh:
Viết Dư

Sáng mồng một Tết, chúng tôi dậy sớm hơn ngày thường, rửa mặt sạch sẽ bằng chậu nước lá mùi già thơm ngát mẹ đã chuẩn bị sẵn, xúng xính khoác lên người bộ quần áo mới, ra chúc thọ ông bà. Ông bà tôi mặc áo chùng, đầu vấn khăn nâu, ngồi trên chiếc chõng tre, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc nhìn con cháu quây quần đông đủ. Trong hương trầm thơm ngát, ông tôi lần lượt phát phong bao lì xì cho con cháu, mong cả nhà sức khỏe, bình an. Gần trưa, ông tôi biện lễ ra đền dâng thánh, không quên dắt các cháu đi xin chữ cụ đồ. Từ cuối tháng Chạp, bên cổng đền rêu phong cổ kính, dưới bóng muỗm sum suê đang trổ hoa nâu vàng, cụ đồ đã đặt ngay ngắn chiếc bàn trải lụa, bày giấy đỏ, mực tàu, bút lông, sẵn sàng phục vụ người đi lễ. Chúng tôi đứng xúm xít quanh chiếc bàn, chờ ông tôi trịnh trọng xin cụ đồ mấy chữ để năm mới gia đình sung túc, các cháu học hành tấn tới. Chiều mồng một Tết, chúng tôi theo bà đi lễ chùa. Chùa làng tọa lạc gần cánh đồng lúa đang thì con gái mướt xanh, tỏa hương dìu dịu. Men theo con đường thẳng tắp hai hàng cau, chầm chậm bước qua khoảng sân gạch đỏ rơi êm những đóa hoa đại vàng tươi, thơm ngát, chúng tôi thành kính chắp tay lễ Phật. Tiếng chuông điểm từng nhịp thánh thót giữa không gian thoang thoảng hương nguyệt quế gợi cảm giác thật bình yên, tĩnh tại.

Sau ba ngày Tết vèo trôi với những hoạt động thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, làng xóm, mọi người lại nô nức trảy hội mùa xuân. Tháng giêng, nắng xuân ửng vàng trên vòm cây mơn mởn lá nõn chồi non. Hoa xoan tím phớt bắt đầu bung nụ. Gió xuân phấp phới tung bay cờ hội. Trong tiếng trống thì thùng giục giã, đường làng dập dìu bước chân người đi lễ hội đầu năm. Sau phiên chợ Viềng mồng 8 cầu may, chúng tôi lại hòa vào dòng người men theo đê hữu sông Hồng về vùng đất Vị Khê (Nam Trực) dự lễ hội hoa, cây cảnh. Giữa thiên nhiên khoáng đạt, chiêm ngưỡng các tác phẩm hoa, cây cảnh độc đáo được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thấy sắc xuân thật tràn đầy, viên mãn.

Qua bao biến thiên của thời gian, những nét đẹp của ngày Tết cổ truyền vẫn được mỗi gia đình, xóm làng bảo lưu, gìn giữ. Để mỗi năm Tết đến, Xuân về, lại thấy xốn xang với những điều xưa cũ./. 

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com