Bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa tứ linh trong các hoạt động văn hoá cộng đồng ở Vụ Bản

05:01, 04/01/2019

Vụ Bản là vùng đất cổ hiện còn bảo lưu được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, múa tứ linh là loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian độc đáo luôn được các địa phương bảo tồn, kế thừa và phát huy trong các hoạt động văn hoá cộng đồng.

Múa rồng trong lễ hội Phủ Dầy năm 2018.
Múa rồng trong lễ hội Phủ Dầy năm 2018.

Xã Thành Lợi có 3 thôn: Quả Linh, Mỹ Trung và Bách Cốc. Thôn Quả Linh (làng Gạo) là địa bàn có đông cư dân sinh sống và hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá độc đáo. Đã thành lệ, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ mùng 5 đến 19-3 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội Thái Bình xướng ca tưởng nhớ Vua Trần đánh thắng quân Nguyên - Mông. Hội làng có hơn 20 hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, các môn thể thao truyền thống như: hát trống quân, đánh cờ đèn dưới nước, tổ tôm điếm, múa lân - rồng, chơi đu, múa kiếm, múa roi, vật võ…; trong đó, múa rồng là loại hình nghệ thuật được người dân nơi đây yêu thích. Trò chuyện với các bậc cao niên trong xã, chúng tôi được biết: Nghệ thuật múa rồng xuất hiện ở xóm Bến, cách đây chừng 100 năm. Ngày trước, cứ vào khoảng mùng 10-8 âm lịch hằng năm, các nghệ nhân cao tuổi trong xóm lại tập trung làm rồng mây để biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp lễ hội làng vào các ngày 13, 14, 15-8 âm lịch. Trải qua bao thăng trầm, đội rồng xóm Bến ngày nay có hơn 70 người, biểu diễn 2 con rồng màu vàng và màu xanh. Các thành viên trong đội gồm những người dày dặn kinh nghiệm và lớp trẻ kế cận. Không ngừng học hỏi, đội rồng xóm Bến thường xuyên tự “làm mới” mình bằng nhiều tiết mục phong phú. Đội biểu diễn được nhiều điệu múa khó như: rồng phun lửa, rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… Ngoài lễ hội làng, đội rồng xóm Bến còn nhiều lần tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa - thể thao của xã, của huyện, lễ hội Phủ Dầy và các hội chợ, triển lãm ở khu vực phía Bắc và một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Xã Đại Thắng có nhiều đội múa tứ linh nhất huyện. Nghệ thuật múa tứ linh ở xã Đại Thắng có từ lâu, bắt nguồn từ làng Thi Liệu (gồm các xóm: Thanh Ý, Đồng Hòa, Thái Hưng, Tiên). Đây là nơi có nhiều đình, đền, chùa thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ - võ tướng nổi tiếng dưới triều Ngô - Đinh. Vào ngày 16-11 âm lịch hằng năm, làng Thi Liệu tổ chức hội làng với nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống, trong đó có nghệ thuật múa tứ linh. Từ làng Thi Liệu, múa tứ linh hiện vẫn đang được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, kế thừa và phát huy. Cả 17 thôn, xóm trong xã đều đã thành lập được các đội múa tứ linh. Thôn Thanh Ý có đội múa tứ linh phát triển mạnh nhất với gần 30 thành viên. Đội được thành lập đến nay đã 25 năm. Điều đặc biệt là các linh vật như: long, ly, quy, phụng đều được các thành viên trong đội dày công sáng tạo. Con rồng của đội gồm 9 khúc, dài gần 30m đã lột tả rõ nét thần uy của con vật đứng đầu tứ linh trong tín ngưỡng dân gian. Các linh vật khác như: kỳ lân, rùa và phượng dù chế tạo đơn giản hơn nhưng mang nét đẹp đặc sắc riêng. Hằng năm đội tứ linh thôn Thanh Ý tổ chức biểu diễn trong các dịp: Yến lão đầu Xuân, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, khánh thành nhà thờ các dòng họ, hội làng… Ngoài hội làng Thanh Ý, các hội làng khác trong xã như: hội làng Thi Liệu, hội làng Thiện An, hội làng Thượng Linh, hội làng Đông Linh…, hình ảnh “rồng bay, phượng múa” kết hợp với thanh la, não bạt, cờ ngũ sắc đi trước kiệu thờ Thành hoàng làng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với người dân nơi đây. Ở xã Vĩnh Hào, nghệ thuật múa lân - sư - rồng được duy trì và phát triển rộng khắp trong các thôn: Vĩnh Lại, Cựu Hào, Đại Lại, Tiên Hào, Hồ Sen. Thành viên trong các đội có từ 15-30 người, bao gồm các thành phần như: thanh, thiếu niên trong làng, công chức nghỉ hưu đến những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Đội lân - sư - rồng thôn Vĩnh Lại có nhiều điệu múa hay kết hợp nhiều thế võ độc đáo như: “Ngũ Phúc Lâm môn”, “Tứ Quý Hưng Long”… đã trở thành “đặc sản” trong các hội thi, hội diễn tại địa phương. Hằng năm, đội lân - sư - rồng thôn Vĩnh Lại biểu diễn ở dịp khai hội Phủ Quảng Cung (Ý Yên), Phủ Dầy (Vụ Bản)… Lễ hội Đền - Chùa Vĩnh Lại tổ chức dịp đầu Xuân để tri ân các tổ mở đất, tụ dân. Ngày mồng 2 tháng Giêng có lệ làm cỗ mừng chức sắc, cao niên trong làng. Ngày này, dân làng chọn 12 người đủ 18 tuổi làm cỗ cúng ở đền gọi là nghi thức “mừng nhòng”, cầu cho làng “đa đinh giàu của”. Ngày rằm tháng Giêng làm lễ giỗ tổ. Lễ hội chính được tổ chức từ mùng 10 đến ngày 12-2 âm lịch. Lễ hội có tế lễ và cầu kinh tại chùa, rước kiệu tại đền; các giáp thi thả diều sáo, múa gậy, múa đao, đấu vật. Đặc biệt là cuộc thi múa lân - sư - rồng của các làng trong xã. Trong ngày hội, hình ảnh con rồng vàng cùng đôi sư tử, kỳ lân hoạt náo hoà cùng tiếng trống, tiếng chiêng và sự cổ vũ, hò reo của hàng trăm người làm rộn ràng cả một vùng quê mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Là vùng đất đậm đặc di tích lịch sử - văn hoá nên cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, ở khắp các làng quê của huyện Vụ Bản lại tưng bừng mở hội. Lễ hội Phủ Dầy hằng năm (từ mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch) là lễ hội lớn có quy mô vùng. Trong ngày hội, cùng với phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra sôi nổi các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân đủ các lứa tuổi tham gia. Phần tế, lễ bao gồm: rước thỉnh kinh, rước đuốc… Phần hội diễn ra với các loại hình văn hoá, thể thao dân gian như: hát chèo, chầu văn, cờ người, đấu vật, hoa trượng hội, thả rồng bay… Lễ rước thỉnh kinh trong lễ hội có sự tham gia của 3-5 đội múa lân - sư - rồng ở các xã trong huyện. Ngoài đội múa rồng, những người múa lân - sư còn diễn nhiều vai như: ông Địa, thằng hề, thằng ngô, người múa sênh tiền, người cầm đèn màu, cờ ngũ sắc khăn áo chỉnh tề hoà cùng kiệu Thánh Mẫu rước qua các di tích: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Thánh Mẫu, Công Đồng từ, Linh Sơn tự… Tuỳ theo không gian rộng, hẹp của các di tích, múa lân - sư - rồng có những bài bản khác nhau, nhiều lúc biểu diễn riêng rẽ, đôi khi cũng có sự phối hợp tạo thành tiết mục hấp dẫn người xem. Tất cả những uốn lượn tạo hình vô cùng sinh động của điệu múa lân - sư - rồng đã tạo cho không khí ngày xuân thêm vui tươi, phấn khởi, gửi gắm ước nguyện cầu mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp.

Trong cuộc sống hôm nay, không chỉ biểu diễn phục vụ các dịp lễ, tết, các đội múa tứ linh ở Vụ Bản còn thường xuyên được mời biểu diễn tại các hội thi, khai trương cửa hàng… Sự phát triển của nghệ thuật múa tứ linh ở huyện Vụ Bản là thành quả công tác xã hội hóa, huy động nhân dân khôi phục, kế thừa và phát triển các loại hình văn hoá truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com