Nam Cường - Vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa

07:03, 04/03/2017
Xã Nam Cường (Nam Trực) là vùng đất cổ với đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; tiêu biểu như: Đền, chùa, phủ, động thôn Thanh Khê, đình Tứ Giáp, đền Bơ, chùa Hai Giáp...
 
Đình Tứ Giáp ở xóm Đông, thôn Gia Hòa được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Đình thờ Huấn Quận Công, từng giữ chức quan đô đốc triều Lê - Trịnh và là người có công chiêu dân, lập lại làng Cà (thôn Gia Hòa ngày nay). Sau khi Huấn Quận Công mất, nhân dân 4 giáp đã xây dựng ngôi đình thờ gọi là đình Tứ Giáp trên khu vực nhà cũ của ông. Đình được xây theo kiểu chữ “đinh”. Nghi môn gồm 3 cửa; một cổng chính giữa và 2 cửa cạnh giả. Cổng đình là 2 cột đồng trụ cạnh vuông; ba mặt của các cột đắp câu đối ca ngợi cảnh đẹp của đình và công đức của Huấn Quận Công, trên đỉnh cột đắp nghê chầu. Tòa tiền đường có 5 gian, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam, trên đại bờ kìm nóc đắp họa tiết rồng chầu mặt nguyệt. Tòa tiền đường được chia làm 2 phần: phần hiên và phần nội thất; 2 tiền đường có 2 hàng cột được đặt trên tảng đá xanh. Trên các cột là 6 bộ vì nách đỡ mái hiên. Vì nách thứ nhất và thứ 6 làm theo kiểu “kẻ cổ ngỗng”; vì nách thứ 2, 3, 4, 5 làm theo kiểu “chồng rường - cột trốn”. Phần nội thất tiền đường có 3 hàng cột: cột cái, cột quân và hàng cột sát tường hậu. Gian giữa ở các đầu xà, đầu cột đều chạm khắc các họa tiết hoa văn lá lật tạo dáng mềm mại. Năm 1999, địa phương tu bổ đình, xây thêm cung cấm tiếp giáp với gian giữa và tiền đường, hiện là nơi đặt ngai thờ và bài vị Huấn Quận Công. 
 
Khu di tích đền, chùa, phủ, động thôn Thanh Khê là một tổng thể công trình đặc sắc có quy mô rộng lớn. Đền Thanh Khê thờ bản cảnh thành hoàng Chiêu Minh Viện phi Công chúa thời Lý. Hệ thống nghi môn đền được xây kiểu cách đơn giản gồm chính giữa là hệ thống đồng trụ, đỉnh trụ đắp nghê chầu, thân trụ tạo viền khoét lòng nhấn câu đối. Ngôi đền xây theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Tòa tiền đường gồm 5 gian lợp ngói nam, giữa đường bờ nóc đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Bộ cửa tiền đường làm bằng gỗ lim, gồm 5 ô: ô cửa giữa gia công theo kiểu “thượng song hạ bàn”, 4 ô còn lại lắp theo kiểu “bức bàn”. Bộ khung tiền đường làm theo kiểu “giá chiên chồng rường bẩy tiền bẩy hậu”. Nghệ thuật trang trí tiền đường tập trung vào gian chính giữa. Bên cạnh các hoạ tiết được đục chạm trên các con rường, đầu xà đinh theo đề tài lá lật, tại ván bưng của gian giữa còn có bức chạm lộng nổi bật đề tài tứ linh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Qua sân sau là nơi thờ chính xây theo kiểu chữ “đinh” gồm: trung đường 5 gian, cung cấm 3 gian. Toàn bộ trung đường lợp ngói nam, bộ khung làm theo kiểu “mê cốn bẩy tiền trốn cột”. Cung cấm của đền có ba gian được xây nối với trung đường theo kiểu chảy gắn ngói nam, là nơi đặt khám và tượng thờ bà Chiêu Minh Viện phi Công chúa. Nằm phía sau đền Thanh Khê là ngôi phủ thờ Công chúa Liễu Hạnh được xây theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”; trung đường 3 gian, cung cấm 1 gian xây theo kiểu “hai tầng tám mái”. Công trình tuân theo các giá trị kiến trúc truyền thống với bộ mái lợp ngói nam, vì kèo làm giả kiểu quá giang mê cốn. Chùa Thanh Khê (Hinh Lan Tự) ngoài thờ Phật còn thờ thiền sư Bùi Huệ Tộ (1557-1641). Theo các nguồn tài liệu lịch sử, thiền sư Bùi Huệ Tộ là người có công xây dựng 18 ngôi chùa trong và ngoài huyện Nam Trực. Ở mỗi nơi đến xây chùa, ông đều quan tâm giúp đỡ người nghèo, mua ruộng cho dân canh tác. Trong quá trình tu hành, tìm hiểu đạo pháp, thiền sư Bùi Huệ Tộ đã phát triển tác phẩm “Khóa hư lục” của Vua Trần Thái Tông thành “Kế hư lục” với trên 40 chương nhằm tuyên truyền những tư tưởng tích cực của đạo Phật về tính thống nhất, độc lập của Phật giáo Việt Nam. Động Thanh Am được xây dựng cách đền Thanh Khê khoảng 400m về phía bắc. Theo thuyết phong thủy, di tích được xây trên thế “long xà” với những ngòi nước nhỏ uốn lượn. Động Thanh Am xây theo kiểu chữ “đinh” gồm 2 tòa: Tiền đường và hậu cung.
Động Thanh Am cùng đền, chùa, phủ thôn Thanh Khê, xã Nam Cường được công nhận là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.  Bài và ảnh: viết dư
Động Thanh Am cùng đền, chùa, phủ thôn Thanh Khê, xã Nam Cường được công nhận là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005. 
Toàn bộ công trình có 4 vì với 12 cột. 4 vì nóc của tiền đường đều chạm khắc phong phú đề tài hoa, lá cách điệu theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Tòa cung cấm nằm cách tiền đường một khoảng sân nhỏ. Đây là nơi thờ chính gồm 3 gian dựng theo kiểu “tiền đao hậu đốc”. Ngăn cách gian ngoài với gian trong là một “bức thuận” vừa mang tính trang trí, vừa đảm bảo trang nghiêm nơi thờ tự. Trên “bức thuận” chạm khắc đề tài “long cuốn thủy”, “lưỡng long chầu nguyệt”. Khoảng giữa của vách nhấn 3 chữ Hán “Thanh Am Động”. Qua “vách thuận” tới cung cấm là nơi đặt khám và tượng thờ Đại Thánh thiền sư. 
 
Những năm qua, cùng với nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích của tỉnh, xã Nam Cường đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của nhân dân để trùng tu, tôn tạo các di tích. Năm 2011, động Thanh Am được sửa lại hậu cung với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 150 triệu đồng. Năm 2012, đình Tứ Giáp được trùng tu, tôn tạo mái, xây khuôn viên với kinh phí hàng trăm triệu đồng do nhân dân đóng góp. Năm 2013, đền Thanh Khê được trùng tu hậu cung, thay cửa gỗ 3 gian tiền đường với kinh phí 250 triệu đồng, trong đó nhân dân địa phương và du khách thập phương đóng góp 200 triệu đồng. Năm 2015, chùa Thanh Khê được xây mới lầu Phật bà Quan âm và kè ao chùa với kinh phí 700 triệu đồng do nhân dân và khách thập phương công đức… Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn xã được thực hiện đúng quy định. Tại di tích đình Tứ Giáp, từ mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch diễn ra lễ hội kỷ niệm ngày Đô đốc Huấn Quận Công về chiêu dân lập lại làng xã. Ngày khai mạc lễ hội có tục rước kiệu và tế lễ. Trong ngày này, Ban tổ chức đọc tiểu sử đình Tứ Giáp, ôn lại công lao của Đô đốc Quận Công. Ngày chính hội 6-3, nhân dân và du khách thập phương dâng hương hoa, lễ vật lên vị phúc thần cầu cho làng xóm yên vui và diễn ra các trò chơi dân gian “bắt vịt - thổi cơm thi” ở sân đình. Tại di tích Đền Bơ, lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11 tháng Giêng nhằm tưởng niệm tướng quân Đinh Bắc và cầu phúc đầu năm mới cho nhân dân. Trong 3 ngày hội ngoài các nghi thức lễ, tế được tổ chức trang nghiêm còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian phong phú như: thả thuyền nến, vật võ, leo cầu phao, cờ người…
 
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của quê hương, thời gian tới xã Nam Cường tiếp tục tuyên truyền Luật Di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa - thể thao dân gian lành mạnh nhằm khai thác giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com