Đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Nam Định

04:01, 14/01/2017

Trong hệ thống kịch mục của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh ta, các vở diễn về đề tài lịch sử chiếm số lượng khá lớn. Với đặc thù là loại hình kịch hát dân tộc, Nhà hát Chèo Nam Định và Đoàn Cải lương Nam Định đã xây dựng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều vở diễn về đề tài lịch sử của Nhà hát Chèo Nam Định đã tạo danh tiếng cho “Chiếng chèo Nam” như: “Trần Quốc Toản ra quân”, “Trạng lường Lương Thế Vinh”, “Tấm vóc đại hồng”, “Soi bóng người xưa”, “Thần đồng Đất Việt”, “Trần Anh Tông”… Vở chèo “Trần Anh Tông” (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Trịnh Quang Khanh) đặt ra nhiều vấn đề về bài học thực tiễn, có tính thời sự trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay. Vở diễn đã tái hiện sinh động những chiến công hiển hách về võ công, văn trị thời Trần trong lịch sử dân tộc; trong đó có công lao to lớn của Hoàng đế, Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Là người lãnh đạo tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2, lần thứ 3 thế kỷ XIII, Vua Trần Nhân Tông đã tiến hành một loạt các kế sách để nâng cao tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước nhằm đối phó với kẻ thù. Về giá trị nghệ thuật, vở diễn “Trần Anh Tông” được “cấu trúc” bởi nhiều làn điệu chèo nguyên thể mang đậm sắc thái của chiếng chèo Nam; các tích chèo được khai thác có chọn lọc, bố cục hợp lý. Các nhân vật chính đều do các nghệ sĩ, diễn viên có kinh nghiệm đảm nhận như: NSƯT Bích Thục (vai Hoàng Thái hậu), NSƯT Đăng Khoa (vai Trần Nhân Tông), NSƯT Diệu Hằng (vai Hoàng hậu), NSƯT Ngọc Hùng (vai Trần Anh Tông)… lột tả được cái hay, cái đẹp tính cách nhân vật. Năm 2000, vở diễn “Trần Anh Tông” đã gây tiếng vang với khán giả cả nước giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; vinh dự được chọn biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tháng 4-2001. Năm 2008, tại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra tại Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Nhà hát Chèo Nam Định vinh dự là đơn vị nghệ thuật chèo duy nhất của cả nước được Ban tổ chức chọn tham gia biểu diễn. Vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” là vở chèo có đề tài lịch sử, đã tái hiện sinh động những chiến công hiển hách về võ công, văn trị của nước Đại Việt thời đại vương triều Trần, đạt giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, vừa mang tính nhân văn, vừa có tính thời sự, tiêu biểu nhất của các thế hệ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Nam Hà (nay là Nhà hát Chèo Nam Định) trong thời kỳ chống Mỹ. Các nhân vật của vở chèo có tích truyện lịch sử là Trần Quốc Toản và Thế Tử do diễn viên Kim Liên và Thuý Ngân thể hiện mãi in sâu trong tâm trí những người yêu chèo. Năm 2016, Nhà hát Chèo Nam Định dựng lại vở “Trần Quốc Toản ra quân” (kịch bản: Hoài Giao; đạo diễn NSND Lê Hùng) là 1 trong 2 vở tham dự cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Ban tổ chức cuộc thi và khán giả đánh giá cao dàn nghệ sĩ trẻ tài năng: Văn Minh (vai Trần Quốc Toản), Xuân La (vai Lão Mộc), Thành Lâm (vai Thế Tử), Thu Phương (vai cô gái làng Vân), Minh Phương (vai Hề đồng). Thể hiện tốt các vai diễn trên đòi hỏi các diễn viên phải có giọng hát khoẻ, sáng, đài từ đẹp, lối diễn sáng tạo, linh hoạt nhằm lột tả tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của vở diễn. Kết thúc cuộc thi, nhiều diễn viên trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã giành kết quả ấn tượng: Diễn viên Văn Minh giành HCV cá nhân và giải diễn viên xuất sắc, 3 HCB được trao cho các diễn viên: Xuân La, Thu Phương, Thành Lâm.

Một cảnh trong vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” của Nhà hát Chèo Nam Định.
Một cảnh trong vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” của Nhà hát Chèo Nam Định.

Đoàn Cải lương Nam Định đã thành công trong việc dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử như: “Ngô Quyền dựng nước” (đạo diễn Quang Chí), “Trần Hưng Đạo” (tác giả Ngọc Quang, đạo diễn Trần Tính); “Trần Bình Trọng” (tác giả Hồng Vũ, đạo diễn Ngọc Phương); “Linh hồn Đại Việt” (tác giả và đạo diễn Doãn Hoàng Giang); “Tình sử vương triều” (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Mạnh Tưởng); “Tiếng trống Mê Linh” (đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai)… Vở diễn “Tình sử vương triều” là vở diễn về vị vua đầu tiên của nhà Trần. Vở diễn với điểm nhấn là mối tình đặc biệt của Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Năm 2009, tham gia Hội thi sân khấu Cải lương toàn quốc vở diễn đã được đồng nghiệp đánh giá cao, được Ban tổ chức Hội thi tặng 2 HCV cá nhân cho NSND Quang Chí (vai Trần Thủ Độ), và NSƯT Thanh Hằng (vai Lý Chiêu Hoàng). NSND Quang Chí cho biết: Vở diễn “Tình sử vương triều” vẫn giữ được trình thức vũ đạo, trình thức biểu diễn của loại hình kịch hát dân tộc đồng thời đưa hơi thở thời đại để người xem dễ dàng tiếp cận. Vở diễn “Linh hồn Đại Việt” tái hiện trên sân khấu hình tượng cao đẹp về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã xây dựng hệ thống nhân vật và hướng chủ đề vở diễn mang hơi thở thời đại: Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo biết gạt bỏ những hiềm khích riêng tư trong quá khứ để gìn giữ sự đoàn kết, tất cả vì “đại cuộc” là bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Vở diễn thành công bởi sự hài hoà giữa nội dung và nghệ thuật. Ở đó người xem thấy được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố nghệ thuật từ xử lý tiết tấu, tình huống kịch của đạo diễn đến sự công phu của khâu thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa. Đầu năm 2016, vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” được Đoàn Cải lương Nam Định dàn dựng với một dàn nghệ sĩ trẻ xuân sắc và lối diễn xuất hiện đại, tiêu biểu như: Huyền Thương (vai Trưng Trắc), Việt Chi (vai Trưng Nhị), Công Thắng (vai Thi Sách), Gia Huy (vai tướng Tàu). Lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vở diễn là bài ca bất diệt về truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ gìn bờ cõi của cha ông. “Tiếng trống Mê Linh” có kết cấu cổ điển dẫn dắt sự kiện, tình tiết theo tuần tự thời gian. Các lớp diễn cô đọng và sắp xếp hợp lý. Tuy xuất hiện nhiều nhân vật nhưng mỗi người đều có đất diễn với tâm lý tròn đầy cùng những trường đoạn khai thác sâu nội tâm. Sự đặc sắc của vở diễn không nằm ở cốt truyện mà ở những lớp diễn hòa quyện chất tự sự với trữ tình. Ở đó, tình nhà bên nợ nước, niềm riêng hòa cái chung trong đêm Mê Linh khi Trưng Trắc tiễn chân chồng là Thi Sách ra đi chuẩn bị khởi nghĩa. Không dồn dập kịch tính nhưng chỉ một điểm nhấn được đẩy lên cao trào đỉnh điểm: Trưng Trắc “tế sống” chồng và nổi trống tiến quân đã đủ để “Tiếng trống Mê Linh” được khán giả nhớ mãi. Lớp diễn không chỉ đúc kết chủ đề tư tưởng “vị quốc vong thân”, “nợ nước trên tình nhà” mà trên hết là kết tinh đặc trưng nghệ thuật ca kịch cải lương: bi kịch và hùng ca.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự bùng nổ và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật nhưng các vở diễn về đề tài lịch sử của Đoàn Cải lương Nam Định, Nhà hát chèo Nam Định vẫn hút khán giả. Từ nhiều năm nay, Đoàn Cải lương đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn các đề tài lịch sử cho học sinh để các em hiểu hơn về các nhân vật, các sự kiện lịch sử. Trong năm 2016, các trích đoạn trong vở “Tiếng trống Mê Linh” đã được biểu diễn ở 22 trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Đoàn Cải lương Nam Định tiếp tục dàn dựng những vở mới về đề tài lịch sử như: “Bà chúa Liễu Hạnh”, “Nguyễn Trãi”. Với Nhà hát Chèo Nam Định, các vở diễn về đề tài lịch sử có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Ngay dịp cuối năm, Nhà hát đã kín lịch biểu diễn các lễ hội mùa xuân. Cùng với màn biểu diễn trống hội, các giá đồng, những vở diễn như: “Thần đồng đất Việt”, “Trạng lường Lương Thế Vinh”… luôn hút lượng lớn khán giả đến xem. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho biết: Hiện nay, đối tượng xem các vở chèo lịch sử không chỉ dừng lại ở lớp người cao tuổi mà nhiều khán giả trẻ cũng quan tâm theo dõi như một cách để bổ sung thêm các kiến thức lịch sử trong sách vở.

Các vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Nam Định đã thể hiện sống động hình tượng các nhân vật lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào cho thế hệ trẻ. Sự thành công khi khai thác các vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Nam Định cho thấy sức sống lâu bền của các nhân vật lịch sử có công lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong lòng khán giả hôm nay./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com