Bảo tồn nghệ thuật truyền thống qua “Sân khấu học đường”

06:03, 11/03/2011

Dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc tổ chức nhằm giáo dục về đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh THCS, thông qua các hình tượng nghệ thuật sân khấu. Dự án giúp học sinh cảm thụ về giá trị sân khấu truyền thống, tác dụng của nghệ thuật sân khấu đối với đời sống xã hội; bồi đắp cho thế hệ trẻ ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Tại tỉnh ta, đơn vị được chọn thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” là Đoàn Cải lương Nam Định, chịu trách nhiệm hướng dẫn, dàn dựng các tích diễn thuộc kịch nghệ thuật cải lương cho 3 trường THCS: Lương Thế Vinh, Trần Bích San, Hàn Thuyên, với hơn 100 học sinh tham gia tập luyện trong 3 tháng. Theo chương trình, học sinh được học và biểu diễn các làn điệu nghệ thuật cải lương (Thu hồ, Lý con sáo, Dạ cổ hoài lang, Lý cây bông, Lý vãn trài, Lý tòng quân, Lý trăng soi) và hai trích đoạn trong các vở diễn tích cổ và đề tài hiện đại như: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Mùa xuân có bão”. Em Phạm Thu Trang, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: “Trước khi tham gia Dự án, em cũng như các bạn trong đội thích nghe nhạc trẻ, các ca khúc sôi động. Nhưng từ khi tham gia tập luyện bộ môn nghệ thuật cải lương, được các cô chú Đoàn Cải lương Nam Định hướng dẫn dạy hát, dạy vũ đạo, em ngày càng yêu thích và trân trọng những giá trị của loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc. Các tích diễn và vai mẫu tuy khó, nhưng tất cả các bạn trong đội đều nhiệt tình, tích cực tập luyện”. Qua 3 tháng tham gia, các em được “phổ cập” các nội dung cơ bản như: Khái quát sự hình thành và phát triển, những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu cải lương; ý nghĩa và các mẫu nhân vật điển hình trong các tích diễn; nét đặc trưng của các loại nhạc cụ, các điệu hát cơ bản của nghệ thuật cải lương. TS. NSND Phạm Thị Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc tâm sự: “Thật xúc động khi chứng kiến các em học sinh các trường THCS tham gia dự án, tuy nhỏ tuổi, nhưng đã vào vai và biểu diễn thuần thục các trích đoạn mẫu trong sân khấu truyền thống như: Thoại Khanh, Tống Trân, Cúc Hoa, Công chúa, Xích Phàm, Dương Xứ, Tống mẫu, Trưởng giả… Qua đó, đã phát hiện những mầm non năng khiếu về nghệ thuật truyền thống, là lớp diễn viên kế cận trong tương lai, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống”.

 

Tiết mục biểu diễn của khối học sinh tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2010.
Tiết mục biểu diễn của khối học sinh tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2010.

Qua 10 năm thực hiện Dự án sân khấu học đường, đến nay có hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 2.000 học sinh của 100 trường THCS tham gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Dự án sân khấu học đường cũng còn nhiều bất cập. Thực tế, do mang tính đặc trưng của từng vùng miền, nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng, cải lương với những tích diễn và nhân vật điển hình mang nét khái quát hóa và điển hình hóa cao về một thời đại lịch sử cũng như về một hình mẫu trong thời đại nhất định. Không ít người xem vẫn thấy phản cảm khi chứng kiến các em học sinh từ 12 đến 14 tuổi đối đáp với nhau bằng những ngôn từ hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi trong các trích đoạn Tống Trân - Cúc Hoa, Xã trưởng, mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa… Những ngôn ngữ lời thoại của nhân vật trong các trích đoạn sẽ ảnh hưởng không ít đến tâm tư, tình cảm của các em. Về góc độ nghệ thuật, những nghệ sỹ trực tiếp tham gia giảng dạy cho rằng, thời gian tập luyện quá ngắn (từ 3 đến 4 tháng) mới chỉ giúp các em tiếp cận bước đầu với nghệ thuật sân khấu truyền thống, chưa có kỹ năng và khái niệm về biểu diễn. Vì thế, khi đem “nhân rộng”, vô tình sẽ đem đến một cách nhìn chưa đầy đủ về những nét độc đáo, tinh hoa của nghệ thuật dân tộc.

Để Dự án sân khấu học đường phát huy hiệu quả, cần triển khai một cách khoa học, đồng bộ, với sự quan tâm tham gia tích cực của các ngành hữu quan và cả xã hội. Đưa sân khấu vào học đường cần phải tổ chức đào tạo đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo án, hệ thống hóa và tiêu chuẩn hoá các chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống, tổ chức các cuộc thi có quy mô lớn trong giới học đường về sân khấu dân tộc. Hơn nữa cần có những kịch bản sân khấu phù hợp với lứa tuổi của các em, khuyến khích các vở diễn, trích đoạn có chủ đề và nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, truyền thống nhân văn cao đẹp, ca ngợi quê hương, tình bạn trong sáng, biểu dương những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong lao động và học tập…

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com