Khắc phục khó khăn thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước

08:09, 18/09/2019

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong trao đổi văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, thúc đẩy cải cách hành chính, từ tháng 6-2019, UBND tỉnh đã thí điểm triển khai ứng dụng chứng thư số, chữ ký số tại các sở, ngành chức năng. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để đảm bảo tính xác thực, an toàn, bảo mật, toàn vẹn dữ liệu đối với văn bản điện tử và các giao dịch điện tử, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử. Tuy nhiên, khi triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thư số ra diện rộng, đặc biệt tới các xã, phường, thị trấn thì gặp nhiều khó khăn cần khắc phục về kỹ thuật, thói quen sử dụng và hạ tầng công nghệ thông tin…

Giao dịch hành chính trên trục liên thông điện tử tại Trung tâm hành chính một cửa huyện Trực Ninh.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Giao dịch hành chính trên trục liên thông điện tử tại Trung tâm hành chính một cửa huyện Trực Ninh.

Chữ ký số và chứng thư số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí và xác thực. Kết thúc giai đoạn 1 toàn tỉnh đã cấp, bàn giao, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 94 tổ chức, 336 cá nhân tại các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 25 xã, phường thuộc thành phố Nam Định. Kết quả giai đoạn đầu, tất cả các sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố đã gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông của tỉnh và trên trục liên thông văn bản quốc gia. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2, tỉnh phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho 291 tổ chức và 647 cá nhân là các đơn vị trực thuộc của các sở, ngành của tỉnh, các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố và 204 UBND các xã, thị trấn còn lại. Tất cả chữ ký số, chứng thư số đã được tích hợp vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả mức độ sử dụng chứng thư số trong các cơ quan, đơn vị chưa cao, chưa đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh và mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Hạn chế này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, có nguyên nhân do việc đồng loạt sử dụng chữ ký số ở cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong điều kiện hệ thống máy móc thiết bị của Ban Cơ yếu Chính phủ chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến tình trạng mạng quá tải, nhiều đơn vị thao tác đăng nhập bị đẩy ra không tương thích. Ngoài ra vẫn còn hiện tượng Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số trùng lắp cho một vài đơn vị xã trên địa bàn tỉnh có tên địa danh gần giống nhau nên việc vận hành chưa thông suốt. Tình trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh để ứng dụng chữ ký số vẫn còn tồn tại ở nhiều xã trong tỉnh. Cá biệt có xã chỉ có một hoặc hai máy tính đủ năng lực chạy phần mềm sử dụng chữ ký số, các máy còn lại đều không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, không ít cơ quan, đơn vị và địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo hoặc còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; cán bộ, công chức sau khi được tập huấn, hướng dẫn sử dụng chứng thư số tập thể chưa chủ động tham mưu với lãnh đạo để triển khai thực hiện, dẫn tới việc chứng thư số tập thể sau khi được cấp nhưng không phát huy tác dụng; một số cán bộ, công chức do tuổi cao đã quá quen với việc dùng chữ ký và con dấu truyền thống nên việc ứng dụng chưa nhanh và kỹ năng quản lý chữ ký số, chứng thư số chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thông tin; nhiều cán bộ cấp xã không nỗ lực tìm hiểu, sử dụng chữ ký số và ngại ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý… Những hạn chế trên nếu không nhanh chóng được khắc phục sẽ là trở ngại lớn đối với tiến độ ứng dụng chữ ký số vào công việc quản lý Nhà nước cấp cơ sở.

Để đảm bảo lộ trình mục tiêu đến năm 2020: 100% các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền được cấp chữ ký số và ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước; 80% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử và được xác thực chữ ký số, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân về các quy định pháp luật trong việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử; chỉ đạo triển khai đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống mạng hoạt động ổn định, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu; tập huấn sử dụng chữ ký số đến sở, ngành, địa phương; hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho quá trình ứng dụng chữ ký số. Tập trung trang bị kiến thức cho các cán bộ, công chức về ứng dụng và sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử; tổng quan về hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, các ứng dụng của chữ ký số trong giao dịch điện tử; hướng dẫn cấu hình, cài đặt phần mềm ký số; hướng dẫn ký số trên văn bản điện tử; thực hành ký số, chứng thực chữ ký số vào văn bản điện tử thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh và tình hình mất an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay… Các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới; người sử dụng phải thay đổi nhận thức và thói quen ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành công việc. Đặc biệt các địa phương lưu ý việc bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có khả năng hỗ trợ người dùng tại đơn vị cũng như ban hành các quy định nội bộ về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số, từng bước hòa nhập vào lộ trình xây dựng chính quyền điện tử chung của toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com