Những giáo cụ trực quan trên không

07:08, 26/08/2017

Nghe kể về những buổi diễn tập máy bay quân sự từ lâu nhưng giờ chúng tôi mới có dịp tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay mô hình tự chế nhào lộn, uốn lượn trên không. Những chiếc máy bay với đủ màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ và chủng loại thi nhau “thả dáng” trên nền trời xanh ngắt cũng chính là những giáo cụ trực quan trên không phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của LLVT.

Năm 2014, sáng chế máy bay mô hình với tên gọi SUKHOI SU-37 của anh Bùi Văn Toản, nhân viên quân lực Ban CHQS huyện Hải Hậu được Sở KH và CN cấp Bằng sáng chế. Năm 2015, sáng chế của anh tiếp tục được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng công nhận. Sau đó, Bộ CHQS tỉnh cấp phép sử dụng sáng chế mô hình bay SU-37 trong huấn luyện phòng không và diễn tập khu vực phòng thủ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó đến nay, anh Toản và đồng đội cùng với các thành viên trong CLB máy bay mô hình huyện Hải Hậu không ngừng sáng tạo, nghiên cứu làm ra những mô hình máy bay mô phỏng máy bay thật thuộc nhiều chủng loại với các công dụng khác nhau phục vụ nhiệm vụ huấn luyện của LLVT. Từ những sáng chế ban đầu của anh Toản đã lan tỏa niềm đam mê sang nhiều người. CLB máy bay mô hình được thành lập và những giáo cụ trực quan cũng ngày càng đa dạng. Các mô hình bay cũng được cải tiến, lắp ghép thêm các chi tiết như: truyền đơn, khói màu (tượng trưng cho chất độc hóa học), bom nổ, tên lửa, dù... để có thể tạo ra những giáo cụ trực quan sinh động và thật nhất.

Anh Bùi Văn Toản kiểm tra máy bay trước khi bay thử.
Anh Bùi Văn Toản kiểm tra máy bay trước khi bay thử.

Theo chân anh Toản, cùng những thành viên của CLB máy bay mô hình Hải Hậu đến buổi bay thử ở khu đất trống thuộc Thị trấn Yên Định, chúng tôi được biết, cứ mỗi cuối tuần là “đội quân” máy bay lại “dàn trận” ở đây. Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo mà đây còn là dịp để những “phi công mặt đất” trao đổi kinh nghiệm, tái hiện và diễn tập những trận chiến trên không, phục vụ cho những buổi diễn tập quân sự. Không phân biệt tuổi tác hay nghề nghiệp, họ đều là những người có chung niềm đam mê, hứng thú với động cơ tự chế, thích sáng tạo và lắp ghép từng bộ phận của máy bay. Từ thiết bị bay gồm cánh quạt và mô tơ quay đến trục và bộ khung máy bay đều được tự chế bằng cách tận dụng đồ cũ, đôi khi còn tận dụng cả tấm xốp, vỏ chai nhựa để chế tác thành các bộ phận của máy bay. Mô phỏng theo những mẫu máy bay thật như Su 30, F22, Casa... mỗi chiếc máy bay là một sản phẩm của sự sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa niềm đam mê và sự khéo léo của những người thích chinh phục độ cao.

Không chỉ đơn thuần là đam mê sáng tạo máy bay mô hình như một thú chơi, anh Bùi Văn Toản còn thường xuyên tham gia những lần diễn tập quân sự trong và ngoài tỉnh. Sau khi được cấp Bằng công nhận sáng chế, năm 2015, mô hình máy bay của anh Toản đã tham gia diễn tập ở Sư đoàn 395 tại Núi Voi, huyện Lão An (Hải Phòng); năm 2016, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định tại huyện Trực Ninh; năm 2017, bay diễn tập Sở NN và PTNT và Sở Y tế tỉnh Nam Định. Tháng 8-2017, bay diễn tập cho Bệnh viện Quân y 7 tại tỉnh Hải Dương... Máy bay mô hình cũng là giáo cụ trực quan sinh động để các chiến sĩ trẻ có thể quan sát và thực hành ngắm bắn. Những năm trước, do không có mô hình bay hoặc không có đủ kinh phí để thuê tàu lượn chuyên nghiệp nên công tác tạo giả tình huống địch tiến công đường không trong huấn luyện phòng không và diễn tập chiến đấu trị an cấp xã thường được các đơn vị thuyết minh thông qua hình ảnh mà các chiến sĩ thường gọi vui là “học chay”. Trong công tác huấn luyện dân quân tự vệ phòng không, do không có mô hình bay nên việc triển khai huấn luyện khẩu đội thực hành động tác bắt, bám mục tiêu thường dùng mô hình máy bay đặt trên sào, chất lượng huấn luyện không cao.

Những ngày này, anh Toản cùng đồng đội và các thành viên trong CLB đang tập luyện để tham gia diễn tập khu vực phòng thủ huyện Xuân Trường. Vừa lắp cánh quạt cho máy bay, anh Toản vừa chia sẻ: “Bay thử cũng vất vả lắm, chưa kể thời tiết ủng hộ thì không sao chứ trời mưa nắng thất thường, tuy là thực địa chiến đấu không kể mưa gió nhưng cũng có những hạn chế vì đều là động cơ tự tạo cả. Có lần phơi mưa nhiều, về phải làm khô máy và chạy lại động cơ không hôm sau là chết máy. Thông thường, để phục vụ một lần diễn tập, chúng tôi mất đến cả chục lần bay thử và tập các chiến thuật cũng như lên các kế hoạch quân sự”.

Gắn đam mê của riêng mình với công việc hằng ngày, không ngừng khám phá, sáng tạo, dường như, với những “phi công mặt đất” lúc nào họ cũng mang trong mình sự lạc quan, vươn cao, vươn xa chinh phục bầu trời bao la./.

Bài và ảnh: Bùi Huế

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com