Nam Trực tăng cường công tác quản lý lễ hội

08:02, 29/02/2016
Huyện Nam Trực là vùng đất cổ, với hệ thống di tích lịch sử - văn hoá độc đáo cùng hàng chục lễ hội mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Trong đó phần lớn các lễ hội được diễn ra vào mùa xuân với không khí tưng bừng, náo nhiệt. Những năm qua, huyện đã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng các quy định của Nhà nước đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Lễ hội chợ Viềng, Thị trấn Nam Giang.
Lễ hội chợ Viềng, Thị trấn Nam Giang.
Qua 3 năm triển khai Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Nam Trực được thực hiện nghiêm túc, đã bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Các địa phương có di tích gắn với lễ hội đều thành lập Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết kịch bản lễ hội theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các quy định về môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội. Tại các di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, Ban tổ chức lễ hội yêu cầu bố trí, sắp xếp khu vực đốt hương, hóa sớ; các điểm đặt hòm công đức ở nơi thờ tự được bố trí hợp lý, phân công người thường trực thu gom hương, tiền đặt lễ vào đúng nơi quy định; từng bước hạn chế tình trạng hành khất, bán hàng rong, nạn cờ bạc, các cơ sở kinh doanh nâng giá, bắt chẹt du khách tại các lễ hội và điểm du lịch văn hóa tâm linh. Thị trấn Nam Giang có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là: Chùa Đại Bi; Đền Giáp Ba và Đền Am. Được tổ chức vào dịp mùa xuân, các lễ hội: lễ hội chùa Đại Bi (từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng), lễ hội Đền Am (từ mùng 8 đến 10 tháng Giêng) diễn ra trên địa bàn thị trấn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công khai hoang, mở đất, đấu tranh với thiên tai và chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương. Hằng năm, các lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật… UBND thị trấn thành lập Ban quản lý di tích, có quy chế, tổ chức và hoạt động theo Luật Di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan hiểu giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hằng năm của Nhà nước và tiến cúng của người dân, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được kiến trúc gốc. Xã Nam Hùng có 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là Đền, chùa Thọ Tung và 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Chùa Cổ Ra và Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Trong dịp lễ hội đầu xuân, xã làm tốt công tác đảm bảo an ninh, tổ chức, sắp xếp các hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện, hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh, đổi tiền, kinh doanh trò chơi biến tướng sang đánh bạc trong lễ hội. Trước lễ hội, chính quyền và nhân dân thôn Thọ Tung dọn vệ sinh môi trường tại di tích, đường thôn, xóm phong quang. Trong phần hội có nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian như: Chọi gà, leo cầu phao cướp giải, hát chèo, ca trù… Những năm gần đây, lễ hội còn tổ chức thi đấu một số các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông…, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Xã Hồng Quang là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống hội tụ nét đẹp văn hóa dân gian. Lễ hội làng Bàn Thạch được tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thần Hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Hằng năm, Ban tổ chức lễ hội và Ban quản lý di tích ở địa phương tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của từng lễ hội. Do đó, thời gian gần đây trong lễ hội đã hạn chế các hiện tượng đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, rải tiền nơi thờ tự, chèo kéo khách, ăn xin dọc đường, hàng quán được bày bán đúng nơi quy định. Các bãi trông giữ phương tiện được bố trí hợp lý nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ đã được giải quyết. Trong lễ hội, ngoài các tiết mục múa rối nước đặc sắc do các nghệ nhân của làng biểu diễn, còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: Đấu gậy, múa sư tử, cờ người… thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Lễ hội đền Đông, xã Tân Thịnh được tổ chức vào 21-3 âm lịch hằng năm kỷ niệm ngày mất của Tiến sĩ Đặng Phi Hiển. Trong ngày hội có tổ chức hát chèo, hát ca trù và nhiều trò chơi dân gian như cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, bịt mắt bắt dê. Lễ hội đền Đá được tổ chức vào ngày mùng 3-3 âm lịch. Vào ngày mở hội diễn ra nhiều cuộc thi: Làm oản, làm bánh để lễ Thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và các trò chơi dân gian như múa gậy, múa rồng, đấu vật, kéo co, đấu roi… Ban tổ chức lễ hội còn làm tốt công tác tuyên truyền các giá trị của di tích, ý nghĩa của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh của người tham gia lễ hội. Các hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện giao thông được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho nhân dân, không để ùn tắc, lộn xộn, mất vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong lễ hội.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa xuân ở Nam Trực vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng đặt nhiều hòm công đức trong khu vực di tích; các dịch vụ, hàng quán bày bán tràn lan, nạn hành khất; hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn… Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội đầu Xuân Bính Thân 2016, huyện Nam Trực đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đảm bảo VSATTP, ATGT trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội, bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp xử lý các hoạt động mê tín dị đoan, bày bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành, dùng loa phóng thanh quảng cáo gây mất trật tự công cộng, gây phản cảm tại các lễ hội. Phòng VH-TT huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhất là nơi có di tích và lễ hội thực hiện đăng ký, niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, hạn chế các hàng quán kinh doanh vàng mã và đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, không để hiện tượng đổi tiền lẻ diễn ra trong khu di tích, lễ hội, xây dựng và quảng bá hình ảnh đẹp đối với du khách, góp phần phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com