Hải Thanh phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

07:12, 12/12/2015
Trong không gian tràn ngập tiếng đàn, sáo, ông Nguyễn Văn Tơn (63 tuổi), xóm Nguyễn Chẩm, xã Hải Thanh (Hải Hậu) say sưa hướng dẫn những người có niềm đam mê hát chèo, hát văn sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Từ năm 2000, ông đã đứng ra mở lớp với mong muốn thế hệ trẻ có thêm hiểu biết, đam mê và gìn giữ những làn điệu dân ca truyền thống. Buổi đầu mở lớp, do ít người biết đến nên các học viên chủ yếu là người trung tuổi ở địa phương. Đến nay, mỗi lớp học của ông thu hút hàng chục người ở đủ lứa tuổi, ngành nghề. Còn ở xóm Nguyễn Hoằng, xã Hải Thanh, lớp học nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn do ông Phạm Thanh Hoài (63 tuổi) “đứng lớp” cũng thu hút hàng chục người. Từng là nhạc công Đoàn văn công 351 cùng các đồng đội vượt qua “mưa bom, bão đạn” đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ, động viên bộ đội chiến đấu chống kẻ thù, năm 1976, trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 46%, ông đã mở lớp dạy đàn, hát dân ca cho những người có niềm đam mê. Hàng chục lứa học trò của ông đã trở thành hạt nhân văn nghệ ở các địa phương trong và ngoài huyện.
Đội văn nghệ quần chúng xã Hải Thanh thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị ở địa phương. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Đội văn nghệ quần chúng xã Hải Thanh thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị ở địa phương. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Hiện nay, ngoài đội văn nghệ và CLB thơ, ca người cao tuổi (NCT), cả 13 xóm của xã Hải Thanh đều thành lập đội văn nghệ hoạt động theo hình thức xã hội hóa; biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết. Các đơn vị có phong trào văn nghệ mạnh là: Trường Mầm non Hải Thanh, xóm Nguyễn Hoằng, xóm Thức Tới, xóm Xướng Cau, xóm Vĩnh Hiệp, xóm Nguyễn My, xóm Xướng Chử. Từ những năm 1965-1975, đội văn nghệ của xã gồm 17 người đã đem lời ca, tiếng hát của mình động viên nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ kháng chiến. Trải qua nhiều thập kỷ, lúc sôi nổi, lúc trầm lắng song phong trào vẫn có sức sống tiềm tàng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Năm 1995, đội văn nghệ của xã được tái lập, đến nay có gần 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Đội đã dựng được nhiều vở chèo có nội dung sâu sắc với các “hạt nhân” văn nghệ được nhiều người biết đến như: Bác Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Tươi, cô Kim Thêu, Hồng Hạnh, chị Trần Huệ, anh Văn Tuyến… Với một “dàn” kịch mục dày dặn gồm các vở: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển” và các hoạt cảnh chèo đề tài hiện đại, phản ánh đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn…, đội văn nghệ của xã đã tham gia các hội thi, hội diễn của huyện và giành nhiều giải A. Ngoài ra, nhiều thành viên trong đội văn nghệ xã đã thể hiện nhuần nhuyễn bài hát văn như: “Nam Định quê tôi”, “Hội làng”… với giai điệu vui tươi, trong sáng, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, cổ vũ toàn dân hăng say lao động sản xuất. CLB thơ - ca NCT hiện có trên 50 hội viên, thường xuyên duy trì sinh hoạt vào dịp cuối tuần và tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ hằng tháng. Các tác phẩm thơ của các hội viên trong CLB tuy giản dị, mộc mạc nhưng luôn sâu lắng tình người, tình đời, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; trong đó có nhiều bài khẳng định tình yêu biển, đảo của Tổ quốc… Với những hội viên là CCB, ký ức về một thời chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc được gửi gắm vào những vần thơ đầy xúc cảm. Từ khi hoạt động, CLB trở thành sân chơi bổ ích đối với những người yêu thơ. Mặt khác, các thành viên CLB thơ ca quần chúng là những hạt nhân quan trọng trong sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh sân khấu... cho các tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn” của các đội văn nghệ ở địa phương. Ở xóm Thức Tới, đội văn nghệ được thành lập gồm 30 thành viên đã dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ biểu diễn vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân và dịp lễ hội của địa phương… Ở xóm Nguyễn My, từ năm 2005 đã thành lập đội văn nghệ xóm gồm 25 thành viên. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân và nơi luyện tập cho đội văn nghệ xóm, vừa qua, xóm đã vận động nhân dân đóng góp 130 triệu đồng nâng cấp NVH xóm trên khuôn viên 1.800m2. Đồng chí Nguyễn Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển bền vững phong trào văn nghệ quần chúng, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo huy động các nguồn lực cải tạo, xây dựng hệ thống NVH. Đến nay, NVH xã được xây dựng trên diện tích 6.000m2, hội trường 650 chỗ ngồi; cả 13 xóm đều có NVH và khu thể thao đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể thao của người dân. Để các CLB, đội văn nghệ duy trì hoạt động hiệu quả, bền vững, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của xã, thành viên các đội văn nghệ tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cho việc tập luyện, dàn dựng chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhờ vậy, xã Hải Thanh luôn giữ vững là đơn vị có phong trào văn nghệ đứng “tốp” đầu của huyện.
 
Phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Hải Thanh phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
 
Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com