Nợ quê!

09:02, 06/02/2015

Thấy chú Giáp ở nhà bên tất bật chuẩn bị bánh, mứt, kẹo các loại để đem về tết bố mẹ, chú bác, họ hàng ở quê, tôi cũng thấy lòng chộn rộn, bèn sang góp chuyện:

- Chú thật chu đáo với quê hương! Mà sao tôi thấy chú mua toàn bánh kẹo “nội”. Quê bây giờ khác xưa, cuộc sống của nhiều người đã khá giả rồi. Mình ở xa về, cũng nên mua các loại bánh kẹo sang sang một chút để họ trân trọng (!).

Giáp cười hồn hậu:

- Bác nói cũng đúng. Nhưng em là công chức, lương “ba cọc ba đồng”, mà họ hàng lại đông nên không có điều kiện. Vả lại, người quê em vốn trọng tình, cư xử với nhau cốt ở tấm lòng. “Của cho không bằng cách cho” mà bác!

Nghe vậy, tôi suýt bật cười: “Chú này trẻ mà bảo thủ. Thời buổi nào rồi mà chú vẫn lý thuyết “tình cảm” với “tấm lòng” trong khi xã hội bây giờ, nhiều người trọng của hơn trọng công. Mà trong cơ chế kinh tế thị trường, thước đo sự thành đạt của mỗi người là sự giàu sang, phú quý!".

Nhưng rồi trong câu chuyện với chú Giáp, tôi nhận ra suy nghĩ của mình thật nông nổi, phiến diện. Giáp tâm sự: Em được như hôm nay, một phần là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của anh em, họ hàng và những người dân quê. Trước đây, cuộc sống khó khăn, đi học về, bụng đói, chưa có cơm, em sang vườn nhà hàng xóm, vặt mấy quả ổi, quả sung ăn tạm là ấm bụng rồi. Còn hồi em học đại học, cứ mỗi đợt nghỉ hè hoặc nghỉ tết, chú bác, cô dì hai bên nội ngoại mặc dù đều nghèo khó nhưng vẫn lần lượt làm cơm mời cháu đến ăn: Trong con mắt của những người dân quê, những người đi học đại học, đi bộ đội, công nhân, nói chung là đi “thoát ly” đều là những người thành đạt. Bởi vậy, việc làm cơm mời cháu đến ăn như là bổn phận, trách nhiệm của bậc cha chú, vừa thể hiện tình cảm, vừa thể hiện sự tôn vinh. Em nhớ có lần về nghỉ hè, nhà bác em nghèo, trong nhà chỉ còn mỗi con gà mái đang ấp dở, cũng đem mổ thịt để làm cơm cho cháu ăn… Chính sự hy sinh, độ lượng, đùm bọc vô tư hết lòng của những người dân quê đã tiếp thêm nghị lực cho thế hệ con cháu đi thoát ly rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành. Giờ đây, trước lối sống vị kỷ, toan tính và hẹp hòi của một số người trong xã hội, em luôn nhớ lại những tình cảm của những người dân quê đã dành cho mình và cảm thấy mình mắc nợ với những người thân ở quê.

Trước thềm xuân mới, nghe tâm sự của Giáp, tôi bỗng giật mình: Còn có bao nhiêu người không biết rằng, mình đang mắc nợ quê hương(?)./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com