Nhận xét thay cho chấm điểm học sinh tiểu học: Còn nhiều băn khoăn!

06:12, 06/12/2014

Đến nay đã hơn 3 tháng, các trường tiểu học trong toàn quốc thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT về chủ trương giáo viên ghi lời nhận xét thay cho chấm điểm học sinh. Theo đa số ý kiến của các nhà quản lý giáo dục thì đây là một phương án đổi mới nhằm giảm áp lực về điểm số cho học sinh tiểu học, tạo cho các em tâm lý thoải mái, đồng thời các em sẽ được các thầy, cô quan tâm nhiều hơn. Bởi để có được những lời nhận xét chính xác, khách quan, giáo viên cần sát sao, theo dõi kỹ từng học sinh và khi đánh giá bằng nhận xét thì những học sinh có học lực trung bình sẽ cảm thấy thích thú vì các em được động viên, khích lệ chứ không chịu nhiều áp lực khi bị điểm thấp như trước đây!

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn xung quanh chủ trương hết sức mới mẻ này, nhất là từ phía phụ huynh và học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng Thông tư 30 giúp cho những học sinh có học lực trung bình cảm thấy thích thú vì không chịu nhiều áp lực nhưng đối với một số học sinh khá giỏi ở những năm học trước đây cảm thấy hụt hẫng, học hành có phần lơ là hơn vì trước đây điểm cao có tác dụng động viên tinh thần rất lớn đối với các em! Và với những lời nhận xét chung chung như : “Học được” hay “Con cần cố gắng”, phụ huynh cũng chẳng thể biết được tình hình học tập của con em mình như thế nào! Bên cạnh đó, để có thể nhận xét hết 45-50 học sinh trong một lớp, giáo viên cần mất một khoảng thời gian không nhỏ, vì vậy cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian dạy và học của cô, trò. Chưa kể việc đối với học sinh mới bước vào lớp 1, các em mới chỉ đang học vần, chưa đọc rành chữ nên chưa thể hiểu hết những lời cô giáo đã nhận xét. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều trường tiểu học ở nhiều địa phương đã có “sáng kiến” khắc dấu ghi  nhận xét của cô với những lời nhận xét hết sức ngắn gọn như “Cô khen”, “Hay quá!” hay “Chưa chăm”… kèm theo hình mặt cười hoặc mặt mếu! Có trường còn chi cả chục triệu đồng cho việc khắc dấu và trong cặp sách lên lớp của các thầy, cô, ngoài những quyển giáo án như truyền thống bây giờ lại rủng rỉnh thêm hàng chục con dấu ghi nhận xét các loại!

Dù cả một học kỳ, các em không có điểm số nào ngoài những lời nhận xét nhưng đến nay, khi học kỳ I của năm học 2014-2015 sắp kết thúc, một số trường tiểu học lại có chủ trương tổ chức chấm điểm khi thi hết học kỳ I và khi kết thúc năm học. Nhiều giáo viên và phụ huynh băn khoăn, liệu chỉ với 1 điểm thi hết học kỳ hay thi cuối năm có đủ đánh giá chất lượng, trình độ của học sinh trong cả một quá trình học? Vì vậy bên cạnh việc tổ chức triển khai, tập huấn cho giáo viên tiểu học về cách nhận xét thay cho chấm điểm, ngành GD và ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư 30 để nắm bắt kịp thời những vướng mắc và có biện pháp giải quyết, tháo gỡ, đồng thời có sự chỉ đạo nhất quán giữa tất cả các trường tiểu học trên địa bàn với mục tiêu đổi mới song vẫn giữ vững và nâng cao được chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh tiểu học - thế hệ mầm non tương lai của đất nước./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com