Những người “gỡ mối tơ vò” ở địa bàn dân cư

05:01, 19/01/2013

Trong cơ chế kinh tế thị trường, cùng với việc tạo động lực cho phát triển kinh tế, những mâu thuẫn về quan điểm tư tưởng, tình cảm, về lợi ích kinh tế giữa những người dân trong cộng đồng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ cũng nảy sinh. Để giải quyết tình trạng này, thành viên trong các tổ hòa giải tại địa bàn dân cư đã kịp thời can thiệp, dàn xếp, hóa giải những mâu thuẫn để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.

Những ngày giáp Tết, không khí trong nhà ông Trần Văn Xuân, xã Nam Vân (TP Nam Định) như chộn rộn hơn. Riêng ông cảm thấy thanh thản đón một mùa xuân mới viên mãn cho tuổi xế chiều bởi ông đã vượt qua được cái "tham, sân, si" của bản thân để hàn gắn tình cảm anh em trong gia đình, tạo dựng phúc đức cho con cháu. Cách đây ít lâu, mâu thuẫn giữa hai anh em ông Xuân xảy ra vì việc phân chia tài sản cha mẹ để lại. Khi bố mẹ mất, có để lại cho ông Xuân và ông Phát 5 gian nhà ngói và khu đất xung quanh. Khi chia tài sản, hai anh em thỏa thuận chia hai phần đất bằng nhau, trong đó ông Xuân là anh nên nhận nửa phần đất có 4 gian nhà ngói là nơi có bàn thờ để duy trì việc thờ cúng tổ tiên; ông Phát nhận phần đất có 1 gian nhà ngói. Do nhu cầu về chỗ ở nên ông Phát tiến hành làm nhà, dỡ bỏ gian nhà ngói đã được chia. Tuy nhiên trong quá trình xây nhà, do bực tức với em nên ông Xuân luôn gây cản trở việc thi công, yêu cầu ông Phát phải xây lại tường và không được xây nhà sát đất nhà mình. Ông Phát không nghe nên hai anh em đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. Khi phát hiện sự việc, các thành viên trong tổ hòa giải thôn đã có mặt can ngăn. Sau khi hai bên đã bớt căng thẳng, tổ hòa giải mời anh em ông Xuân, cùng ngồi lại trình bày sự việc. Các thành viên trong tổ hòa giải cùng ông trưởng họ đã dùng lời lẽ giải thích, khuyên hai người hãy vì tình cảm anh em, uy tín dòng họ và không để ảnh hưởng đến hương ước của thôn, bỏ qua những việc nhỏ nhặt để giữ hòa khí trong gia đình… Anh em ông Xuân sau khi được nghe phân tích, tình cảm máu mủ ruột rà như trỗi dậy, họ bắt đầu nhỏ nhẹ với nhau và chấp thuận hướng giải quyết của tổ hòa giải… Trong tâm trạng lâng lâng, ông Xuân dự định trong bữa cơm tất niên năm nay, sẽ mời vợ chồng người em cùng các cháu đến ăn, gọi là bữa cơm hàn gắn tình cảm gia đình. Trong thời khắc thiêng liêng nhất của đất trời, khi năm cũ qua đi, năm mới đến, các thành viên gia đình sẽ cùng kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ gia tiên và cùng chúc cho nhau một mùa xuân mới đoàn kết, sum họp.

Các hòa giải viên thôn Trang Nghiêm Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản), trao đổi, thống nhất phương án hòa giải vụ việc mâu thuẫn tại địa phương.
Các hòa giải viên thôn Trang Nghiêm Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản), trao đổi, thống nhất phương án hòa giải vụ việc mâu thuẫn tại địa phương.

Chuyện hòa giải ở cơ sở có khi chỉ là những vụ việc nhỏ nhặt như cãi nhau, tranh chấp đất đai, không tuân thủ các "hợp đồng miệng" giữa các cá nhân trong quan hệ gia đình, xóm giềng… nhưng số lượng nhiều và diễn ra hằng ngày. Công tác hòa giải là lĩnh vực tế nhị, thành viên hòa giải phải “tùy cơ ứng biến” tìm ra giải pháp tối ưu để đem lại kết quả tốt nhất cho mỗi người dân. Có những vụ việc chỉ là chuyện riêng gia đình, người ngoài khó can thiệp nhưng nếu người hòa giải tận tâm, tận lực thì cũng hàn gắn ổn thỏa… Có trường hợp chồng làm nông nghiệp, vợ làm công chức nhà nước, ăn mặc chỉnh chu và thường xuyên phải đi công tác dài ngày, nghe mọi người trong lối xóm rèm pha, đặt điều nói xấu vợ không quan tâm tới gia đình và có mối quan hệ nam nữ không bình thường với người khác, anh chồng "tức khí" bỏ bê việc đồng áng, lao vào rượu chè, đánh chửi vợ con và viết đơn đòi ly hôn. Người vợ vừa uất ức vì bị oan, vừa thương chồng phải chịu “điều ong, tiếng ve” đành đem chuyện nhà mình đến tổ hòa giải của xóm nhờ giải thích. Nắm được bản chất sự việc, tổ hòa giải của xóm đã gặp trực tiếp cả hai vợ chồng, dùng lời lẽ giải thích, khuyên can. Sau một thời gian, người chồng đã rút đơn và sống hòa thuận với vợ, chăm chỉ làm ăn. Quan trọng hơn, họ đã nhận được một bài học quý báu trong ứng xử vợ chồng.

Toàn tỉnh hiện có 3.773 tổ hòa giải với 22.676 hòa giải viên. Các hòa giải viên chủ yếu là cán bộ hưu trí, tổ trưởng dân phố, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kiến thức pháp luật, có bề dày về thực tiễn đời sống... Với họ, những mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người trong cộng đồng, trong gia đình cũng ví như những "mối tơ vò" trong tâm hồn, việc cần làm là làm sao gỡ được ra để lòng thanh thản (!). Từ quan niệm ấy, họ tham gia hoạt động hòa giải với tinh thần trách nhiệm giữa những con người sống trong cộng đồng chứ không phải là "công cụ" nên không hề đòi hỏi phụ cấp hay tiền bồi dưỡng. Từ khi tổ hòa giải được thành lập ở các cụm dân cư, các tranh chấp phát sinh trong nhân dân giảm đáng kể, những xích mích thường nhật trong gia đình, làng xóm được các tổ hòa giải giải quyết ổn thỏa, giữ gìn đoàn kết trong nhân dân, phát huy tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong năm 2012, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tham gia hòa giải 7.500 vụ việc, trong đó hòa giải thành công trên 6.300 vụ việc đạt trên 83%, chủ yếu là các lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự và môi trường. Điển hình như ở xã Trung Thành (Vụ Bản), hiện có 13 thôn, xóm nhưng có đến 19 tổ hòa giải với 96  thành viên, năm 2012, đã hòa giải thành công trên 40 vụ việc trong tổng số 43 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 90% (gồm mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn làng xóm, mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai). Để hòa giải thành công những vụ việc nảy sinh trong cộng đồng dân cư, bản thân mỗi hòa giải viên phải hiểu rõ pháp luật, phong tục, tập quán của từng địa phương cũng như tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của người dân. Như vậy, chính họ đã là người có bề dày kinh nghiệm, vốn sống, biết ăn ở trước sau, gương mẫu trong sinh hoạt, được nhân dân tin yêu và mến phục. Để hoạt động hòa giải đi vào chiều sâu, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải. Nhiều tổ dân phố, thôn, xóm đã kết hợp hài hòa giữa các hoạt động hội họp, sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, củng cố tình làng nghĩa xóm cho người dân; gắn hoạt động hòa giải với các phong trào "Bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...

Với những hoạt động tích cực, các hòa giải viên ở cơ sở ở các thôn xóm trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mỗi gia đình và cộng đồng. Họ là những người gỡ "mối tơ vò" trong tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cho mỗi người dân và cộng đồng, góp thêm nhựa sống cho những mùa xuân mới ở các địa bàn dân cư./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com