Nông dân Xuân Trường thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

08:12, 18/12/2012

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Xuân Trường đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức 215 lớp tập huấn kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp, TTCN, dịch vụ phân bón cho các hội viên; đồng thời hướng dẫn hội viên phát triển ngành nghề truyền thống như: dệt chiếu, khâu nón, thêu màu, mây tre đan, trồng nấm, mộc nhĩ, hoa cây cảnh. HND các xã Xuân Hòa, Xuân Ninh, Xuân Trung, Xuân Phương, Thọ Nghiệp… đã thực hiện một số dự án phát triển nghề trồng nấm, chế biến thực phẩm, chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản, dệt chiếu, mây tre đan xuất khẩu có hiệu quả thiết thực, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2005, được chính quyền địa phương cho thuê đất, ông Nguyễn Văn Toán, xóm 10, xã Xuân Thượng đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc trên diện tích 17.000m2 với quy mô 60 con lợn nái và trên 2.500 con lợn thịt. Do chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều Cty chế biến thực phẩm đông lạnh từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… đã tìm về trang trại của ông để thu mua lợn. Bình quân mỗi năm, trang trại của ông Toán xuất bán trên 260 tấn thịt lợn, thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc của hội viên nông dân Nguyễn Văn Toán, xóm 10, xã Xuân Thượng mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc của hội viên nông dân Nguyễn Văn Toán, xóm 10, xã Xuân Thượng mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

HND các cấp trong huyện còn tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng cánh đồng có thu nhập cao từ lúa cao sản, xây dựng cánh đồng vụ đông tại các xã Xuân Phong, Xuân Kiên, Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Ninh, Xuân Thượng…, tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện “2 không” trong khâu cấy gặt (không cấy bằng tay, không gặt bằng tay). Phong trào chăn nuôi cũng phát triển mạnh. Đến nay toàn huyện đã có 135 trang trại, gia trại quy mô từ 1ha trở lên với mức thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm; trong đó có 67 trang trại chăn nuôi, 46 trang trại nuôi trồng thủy sản và 22 trang trại tổng hợp. Ngoài việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế trang trại, gia trại, HND các cấp trong huyện còn thường xuyên phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Ban Nông nghiệp và các HTX dịch vụ các xã tổ chức cho hội viên tham gia các chương trình khuyến nông, hội nghị đầu bờ. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện đã tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp như kiên cố hóa, nạo vét kênh mương, sửa chữa nâng cấp cầu cống; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, TTCN cho trên 29 nghìn lượt hội viên. HND huyện còn phối hợp với các ban của HND tỉnh, HND Việt Nam tập huấn hướng dẫn hội viên xây dựng theo mô hình gia trại, trang trại, phát triển nghề trồng hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống; tổ chức thành lập các câu lạc bộ nông dân thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi năm 2012, toàn huyện có trên 25 nghìn hộ đăng ký và đã có trên 17 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 67% so với hộ đăng ký, tăng 7,4% so với năm trước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn 6,49%. Thực tiễn phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần thực hiện các chương trình giảm nghèo. Những năm qua, HND các cấp trong huyện đã vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng giúp đỡ, ủng hộ người nghèo, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách, hộ cô đơn không nơi nương tựa… HND huyện đã vận động cán bộ, hội viên ủng hộ, giúp đỡ 23 hộ nghèo và gia đình chính sách, trong đó tặng 15 ti vi, 2 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 2 triệu đồng, 150 suất quà, 58 chăn ấm… với tổng trị giá trên 177 triệu đồng. HND còn phối hợp với MTTQ và các đoàn thể trong huyện phát động các hoạt động đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt…

Thời gian tới, HND Xuân Trường tiếp tục phối hợp với các ngành trong huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cung cấp thông tin, trang bị kiến thức giúp nông dân chọn ngành nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năm 2013, HND các cấp trong huyện phấn đấu có 45% trở lên hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, giảm mỗi năm từ 20-25% số hộ nghèo. Phối hợp tổ chức dạy nghề cho trên 2.500 lao động là con em nông dân. Tích cực khai thác, huy động các nguồn vốn, các dự án giúp hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong các làng nghề, ngành nghề TTCN. Mỗi cơ sở HND xã, thị trấn xây dựng 1 mô hình sản xuất ngành nghề, cánh đồng cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm; xây dựng trang trại, gia trại có thu nhập 150 triệu đồng/năm trở lên, tạo động lực thúc đẩy nông dân phát huy năng lực làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com