Đảng bộ huyện Trực Ninh lãnh đạo phát triển CN-TTCN gắn với phát triển làng nghề

09:11, 05/11/2010

Huyện Trực Ninh có nhiều ngành nghề truyền thống như nghề dệt ở xã Phương Định, Trực Chính; nghề chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ ở Trung Lao xã Trung Đông, nghề cơ khí sửa chữa, đóng mới tàu thuyền ở thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Cát Thành... Phát huy tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ huyện Trực Ninh đã xác định phát triển CN - TTCN gắn với phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn.

Cán bộ, công nhân xí nghiệp giống tằm Nam Định (xã Trực Chính, Trực Ninh) ươm tằm giống, cung ứng cho người nuôi. Ảnh: Thu Hà
Cán bộ, công nhân xí nghiệp giống tằm Nam Định (xã Trực Chính, Trực Ninh) ươm tằm giống, cung ứng cho người nuôi.
Ảnh: Thu Hà

Đồng chí Phạm Quang Thái, Bí thư huyện uỷ cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và chương trình phát triển CN - TTCN của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 2006-2010, toàn đảng bộ đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển CN - TTCN gắn với phát triển làng nghề như tạo điều kiện về mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, thực hiện tốt công tác "khuyến công", duy trì và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở 3 CCN là thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Cát Thành, xã Trực Hùng thu hút hàng trăm nhà đầu tư và các doanh nghiệp vào sản xuất, cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã, thị trấn trong toàn huyện cũng tập trung lãnh đạo, duy trì, mở mang các ngành nghề truyền thống, phát triển thêm nghề mới trong việc sản xuất CN-TTCN và dịch vụ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân...

Do có chủ trương đúng và chỉ đạo sát sao, cụ thể nên các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện tăng cả về số lượng, quy mô đầu tư và hiệu quả sản xuất, có tốc độ tăng trưởng cao 19%/năm. Năm 2005, trên địa bàn huyện mới có 56 doanh nghiệp với giá trị sản xuất CN-TTCN là 175,7 tỷ đồng số lao động trong ngành CN-TTCN và dịch vụ là 33509 người, chiếm tỷ lệ 36,54% cơ cấu lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 2,67 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã phát triển lên 241 doanh nghiệp, tăng 182 doanh nghiệp, giá trị sản xuất CN-TTCN 9 tháng đầu năm đạt 502,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ và ước cả năm 2010 sẽ đạt 700 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2005 và đóng góp cho ngân sách Nhà nước ước đạt trên 19 tỷ đồng. Số lao động trong ngành CN-TTCN và dịch vụ là hơn 37 nghìn người, chiếm 40,8% cơ cấu lao động. Huyện cũng đã hình thành trục kinh tế ven triền sông Ninh Cơ để phát triển ngành cơ khí và đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn và các làng nghề truyền thống cũng tiếp tục phát triển với các sản phẩm đa dạng, nâng cao chất lượng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, nghề dệt may được duy trì và mở rộng ở một số xã, thị trấn trong huyện với tổng số gần 2000 khung dệt, 1834 máy may công nghiệp tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Toàn huyện cũng đã đào tạo nghề cho 7400 lao động. Công nghiệp dân doanh và làng nghề ở Trực Ninh hiện tập trung ở 9 ngành nghề truyền thống: dệt vải, ươm tơ, chế biến lâm sản, sản xuất sợi Pi-e, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... thu hút hơn 20 nghìn lao động với tổng giá trị sản xuất đạt 260 tỷ đồng.

Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ huy động và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương và các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, trong đó phấn đấu giá trị sản xuất CN - TTCN đến năm 2015 đạt 1670 tỷ đồng và mức tăng trưởng bình quân 19%/năm, chiếm tỷ lệ 39,2% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Trực Ninh đã xây dựng đề án tiếp tục phát triển CN - TTCN gắn với phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2015 với một số giải pháp chủ yếu: Tập trung nguồn lực phát triển các ngành sản xuất có tiềm năng và lợi thế của huyện là sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và dệt may. Thực hiện quy hoạch xây dựng các điểm sản xuất công nghiệp tập trung phục vụ các làng nghề truyền thống như: Làng nghề Cổ Chất, Cự Trữ (Phương Định), làng nghề Trung Lao (Trung Đông), làng nghề Dịch Diệp (Trực Chính), thủ công mỹ nghệ Trực Tuấn... gắn với việc củng cố và khai thác hiệu quả các điểm công nghiệp tập trung Trực Nội, Trực Phú, Việt Hùng và các CCN Cát Thành, Cổ Lễ, Trực Hùng của huyện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất CN - TTCN, thu hút lao động, giải quyết việc làm tạo thu nhập cho lao động nông thôn. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, tạo sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm ở các doanh nghiệp, củng cố phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống và du nhập thêm nghề mới để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển CN-TTCN, từng bước giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm ở nông thôn, góp phần xây dựng huyện Trực Ninh ngày càng phát triển giàu mạnh./.

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com