An toàn lao động - Vẫn còn nhiều bất cập !

10:09, 13/09/2010

Toàn tỉnh hiện có 1679 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 90387 lao động. Là yếu tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự phát triển chung của doanh nghiệp, thời gian qua, công tác an toàn lao động (ATLĐ) đã được sự quan tâm của cả phía cơ quan chức năng và các chủ doanh nghiệp. Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN diễn ra trong đầu năm 2010 đã được tổ chức khá sôi nổi, thu hút sự tham gia của các ngành, địa phương và các đơn vị trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Trong tuần lễ, đã có tổng số 190 lớp tập huấn về AT-VSLĐ-PCCN được mở, huấn luyện kỹ năng bảo đảm ATLĐ cho 33273 người. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 7 lớp gồm 700 chủ sử dụng lao động và người lao động, ngành Công thương tổ chức 30 lớp với 6635 người, Ban Quản lý các KCN tỉnh mở 40 lớp với 8700 người... Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn diễn ra; tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn không ít bất cập, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ về TNLĐ.

Cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Nam Dược, KCN Hoà Xá (TP Nam định) thường xuyên kiểm tra hệ thống lò hơi bảo đảm an toàn trong sản xuất. Ảnh: Hà Thu
Cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Nam Dược, KCN Hoà Xá (TP Nam định) thường xuyên kiểm tra hệ thống lò hơi bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Ảnh: Hà Thu

Theo thống kê của Phòng Việc làm - ATLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ TNLĐ làm chết 1 người, bị thương 46 người, thiệt hại trên 310 triệu đồng về tài sản và các khoản chi phí, thiệt hại 221 ngày công của người lao động và doanh nghiệp có người bị TNLĐ. So với cùng kỳ các năm trước, TNLĐ không tăng về số người, số vụ nhưng phân tích cụ thể nguyên nhân của các vụ TNLĐ xảy ra gần đây là do chính người lao động không duy trì, tuân thủ các quy định, quy trình về ATLĐ. Trong tổng số 47 vụ trên, không có vụ TNLĐ nào do không có thiết bị bảo hộ hoặc thiết bị bảo hộ không bảo đảm an toàn, thậm chí 100% số người lao động bị tai nạn đều đã được huấn luyện, học tập kiến thức, kỹ năng về ATLĐ. Có tới 33 vụ là do người lao động vi phạm quy định, quy trình và biện pháp làm việc an toàn, 11 vụ do nguyên nhân khách quan và 3 vụ do nguyên nhân khác. Trong 33 vụ TNLĐ do lỗi chủ quan của người lao động thì vụ tai nạn gây chết người duy nhất được xem là điển hình cho nguyên nhân này. Theo kết luận của Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, vụ TNLĐ làm chết anh Hoàng Văn Công, thợ máy của Cty cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ là do anh Công đã không kiểm tra điều kiện an toàn khi làm việc dẫn đến bị tai nạn. Qua quá trình kiểm tra, theo dõi tình hình ATLĐ của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, thấy nổi lên vấn đề là ý thức an toàn của đa phần người lao động hiện nay rất thấp, đến khi xảy ra tai nạn thì đã quá muộn. Anh Phạm Văn Hải, Giám đốc một doanh nghiệp tại KCN Hoà Xá cho biết: "Mấy năm trước, doanh nghiệp tôi không may xảy ra tai nạn nghiêm trọng, tốn phí hàng trăm triệu đồng. Hai năm nay, doanh nghiệp tăng cường đầu tư thiết bị bảo đảm ATLĐ nhưng một số công nhân vẫn thờ ơ không dùng kính, mũ, dây bảo hiểm. Chúng tôi nhắc nhở thì bảo ngại vướng víu". Còn anh Lê Hữu Phú, chủ doanh nghiệp cơ khí tại Yên Xá (Ý Yên) cho biết: "Doanh nghiệp đã đầu tư trang bị hàng chục triệu đồng, nhưng đến nay phải ra quy chế trừ lương thì công nhân mới chịu mặc bảo hộ, đội mũ, đeo kính khi làm việc. Nhưng đấy chỉ mới bề ngoài, còn thói quen làm việc tuỳ tiện thì khó sửa lắm!". Tại làng nghề truyền thống Yên Ninh (Ý Yên), đo kiểm độ ồn, không khí, nồng độ hoá chất đều vượt mức cho phép, nhưng trong các xưởng gỗ, công nhân vẫn đầu trần, lấm lem như nông dân ngoài ruộng. Suốt dọc hàng chục xưởng cơ khí trên mặt đường 55 của thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đều có cảnh công nhân tay trần, thậm chí là cởi trần đánh vật với máy cắt, máy hàn, máy tiện là những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện an toàn. Các chủ xưởng cho biết đều trang bị quần áo, ủng, găng tay nhưng công nhân không sử dụng. Cũng chính vì ý thức của người lao động thấp nên trong tổng số 47 vụ TNLĐ, có tới 33 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài - loại hình doanh nghiệp hiện đang được đánh giá là có đầu tư trang thiết bị, phương tiện bảo hộ, ATLĐ đầy đủ, nghiêm túc nhất trong khối doanh nghiệp tỉnh ta. Theo đồng chí Nguyễn Duy Nghiệp, cán bộ theo dõi về ATLĐ  - Sở Lao động - TBXH tỉnh, các doanh nghiệp làng nghề, địa phương hiện nay không báo cáo về TNLĐ, cơ quan chức năng không đủ khả năng về nhân sự, kinh phí để theo dõi, phát hiện, nhưng chắc chắn số vụ TNLĐ trong thực tế còn cao hơn nhiều con số nêu trên.

Bên cạnh ý thức thấp của người lao động, công tác bảo đảm ATLĐ của tỉnh ta hiện nay còn đang đứng trước sự chủ quan, thờ ơ về ATLĐ của một số lượng lớn chủ doanh nghiệp. Trong số 1679 doanh nghiệp sử dụng 90387 lao động của toàn tỉnh, đến hết tháng 6-2010 chỉ có 255 doanh nghiệp báo cáo về công tác ATLĐ và thực trạng TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của gần 25000 lao động. Những doanh nghiệp tham gia báo cáo đều là doanh nghiệp tuân thủ khá tốt về các quy định bảo đảm ATLĐ. Trong số gần 25000 lao động của 255 doanh nghiệp trên, có 15000 người đã được huấn luyện kiến thức, kỹ năng về AT, VSLĐ. Hầu hết các đơn vị đó đều đã đầu tư trang, thiết bị, phương tiện bảo hộ, bảo đảm ATLĐ cho công nhân. Ở số đông các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo, cứ kiểm tra là phát hiện sai sót, vì sai nên ngại báo cáo. Ngoài việc không tuân thủ quy định, không bảo đảm điều kiện ATLĐ cho người lao động thì tình trạng "không báo cáo" nêu trên còn khiến cơ quan chức năng không thể nắm bắt được thực trạng TNLĐ để kịp thời bảo vệ quyền lợi người lao động, cũng như xây dựng các kế hoạch, giải pháp cho công tác bảo đảm ATLĐ. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần có thái độ xử lý, xử phạt nghiêm khắc để chấn chỉnh tình trạng này./.

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com