Ta đi trên đường Hà Nội hôm nay…

09:07, 16/07/2010

Và bất kỳ ai dù sống ở chân trời góc bể nào, đã là người Việt đều nhớ về đất thiêng Long Đô. Ở đây có hồ Trúc Bạch dấu ấn của phường dệt lụa trắng ngày xưa. Có dòng sông Cái, (tiếng cổ nghĩa là dòng sông Mẹ). Dòng sông này còn có tên là Phú Lương, Nhị Hà. Dù mang nhiều tên khác nhau, nhưng dòng sông có tên đầu tiên là Mẹ ấy bao đời nay luôn chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng châu thổ nên gọi là sông Hồng.

Ta đi trên đường Hà Nội hôm nay để được chiêm ngưỡng cột cờ hàng ngày mang trên mình màu cờ Tổ quốc tung bay trước trời cao lộng gió. Và cũng để nhớ đến Tổng đốc Hoàng Diệu hy sinh thân mình cho kinh thành… Lời nói bất hủ của ông đã tạc vào bia đá nơi cổng Ô Quan Chưởng để lính tráng và nhà cầm quyền không dám nhũng nhiễu dân lành. Từ Cột cờ Hà Nội, bước chân ta hướng về Hồ Gươm có hình trái tim, nơi vua Lê Lợi trả kiếm cho Cụ Rùa, tức là không bao giờ muốn chiến tranh. Từ đó hồ có tên là Hoàn Kiếm. Giữa hồ là Đền Ngọc Sơn, tên cổ là Đình Trấn Ba tức ngôi đình chắn sóng. Và Hồ Gươm trở thành viên ngọc, là vườn thượng uyển thu hút bao con mắt giai nhân ngàn đời, là nơi hội tụ của triệu triệu tấm lòng hướng về Thăng Long, hướng về nơi ở của Chu Thần Cao Bá Quát mà sau này Nguyễn Tuân dựa vào đây để viết thiên truyện ngắn "Chữ người tử tù" cho bao đời sau được thưởng thức cái giọng văn của một người suốt đời đi tìm cái đẹp và chuyển giao cái đẹp cho đời.

Đi trên đường Hà Nội hôm nay cũng là để thả hồn với Hồ Tây, nơi ấy có con đường xanh bốn mùa xanh vạn năm nên có tên là Cổ Ngư. Cổ Ngư đẹp và lãng mạn đã là nơi để bao chàng trai cô gái đất Hà Thành và cả nước đến làm ăn sinh sống ở đây giao duyên, rồi kết thành những cặp vợ chồng sinh con đẻ cái suốt chiều dài 10 thế kỷ. Đó còn là hồ Thiền Quang, hồ Linh Quang, hồ Hai Bà Trưng, hồ Bẩy Mẫu, hồ Thành Công, hồ Thủ Lệ. Đi trên đường Hà Nội hôm nay là để đến với Cung Văn hoá Hữu Nghị, trước đây là Nhà hát Nhân Dân. Tiếng còi tàu hoả giục ta đến với ga Hàng Cỏ. Cái tên Hàng Cỏ gợi ta nhớ đến thời xa xưa, những cô gái dân giã vùng ngoại ô mặc váy thâm, áo ba thân che chiếc yếm đào, khăn vuông, gánh những gánh cỏ non xanh biếc còn ủ hơi sương, còn thơm hương đất vào nội thành bán… Và những người mua cỏ cho ngựa nửa nạc nửa mỡ buông đôi lời trăng gió cho đời thêm chút hương say.

Đi trên đường Hà Nội hôm nay để nhớ về tứ trấn lớn cổ xưa. Ấy là trấn Đoài, trấn Sơn Nam, trấn Đông (tức Hải Đông) và trấn Kinh Bắc. Những trấn này vừa làm phên dậu vừa cung cấp vật chất cho Thăng Long. Còn tứ trấn nhỏ, ấy là bốn vị thần canh giữ an ninh cho Hà Nội: Đó là Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ phía Bắc. Đền Bạch Mã phía Đông. Trấn Tây thờ hoàng tử Linh Lang - vị thần con vua nhưng cũng là con của giao long (thuồng luồng). Phía Nam thờ thần Cao Sơn. Tứ trấn rộng và tứ trấn hẹp này cùng với bao di tích lịch sử khác như Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã lưu danh 82 vị tiến sỹ nay được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới chính là hồn thiêng sông núi để kết tụ thành Quảng trường Ba Đình lịch sử - tên ngôi đình ba làng trong chiến khu chống Pháp ở thế kỷ thứ 19 của Phan Đình Phùng. Tại đây Hồ Chủ tịch đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và Quảng trường Ba Đình đã chứng kiến bao cuộc mít tinh lớn có Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự.

Ta đi trên đường Hà Nội hôm nay để hồn ta, tâm tưởng ta hướng về bài thơ Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Và trên thực tế bất kỳ kẻ thù nào chạm đến Long Đô đều chuốc lấy thất bại nhục nhã. Đó chính là hồn thiêng sông núi. Hồn thiêng ấy có từ thời Hùng Vương dựng nước được tạo nên bởi bề dày lịch sử, đỉnh cao nhất là thời đại Hồ Chí Minh. Hồn thiêng này ngàn năm sau vẫn được nhân lên bất tận để các thế hệ sau đặt chân trên đất thiêng Hà Nội được truyền máu, tiếp sức từ bài ca hùng tráng Long Đô./.

Nguyễn Đức Hoè

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com