Đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2019

07:01, 11/01/2019

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30-10-2018 của Bộ Công thương về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết Kỷ Hợi 2019 đầy đủ, chu đáo, an toàn; gắn công tác bình ổn thị trường Tết với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình (Thành phố Nam Định) chuẩn bị bánh kẹo phục vụ thị trường Tết Kỷ Hợi.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình (Thành phố Nam Định) chuẩn bị bánh kẹo phục vụ thị trường Tết Kỷ Hợi.

Theo dự báo của Sở Công thương, sức mua các mặt hàng ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng khác trong năm và tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước do thị trường hàng hóa nội địa trong tỉnh tăng trưởng khá, đời sống của người dân được cải thiện; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng khoảng 10% so với Tết Mậu Tuất 2018. Thời điểm người dân mua sắm tập trung vào dịp diễn ra Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng (từ 1-1 đến 28-2-2019). Nhóm hàng hóa được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết là lương thực, thực phẩm, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, may mặc, đồ dùng gia đình… Nhằm đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho người tiêu dùng, Sở Công thương đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ chủ động căn cứ vào Kế hoạch của Sở và tình hình thực tế tổ chức xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị, địa phương mình. Theo tổng hợp ban đầu, các doanh nghiệp đã dự trữ một số mặt hàng thiết yếu gồm: 700 tấn gạo tẻ, 500 tấn gạo tám, 300 tấn gạo nếp; 100 nghìn thùng mỳ tôm; 30 tấn thịt lợn, 20 tấn thịt bò; 600-800 tấn dầu ăn, 2 triệu bao thuốc lá các loại; 1.000 tấn bánh kẹo; 600 tấn đường; 400 nghìn thùng bia, 120 nghìn chai rượu, 10 tấn chè, 100 tấn thuỷ, hải sản... Theo kế hoạch, giá trị hàng hóa các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục vụ thị trường Tết khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng thực phẩm, nông sản như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh thương mại dự kiến cung ứng ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 400 tỷ đồng. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa, thực phẩm truyền thống trên địa bàn dự kiến dự trữ hàng hóa phục vụ Tết khoảng 200 tỷ đồng. Các cơ sở chế biến giết mổ gia súc, gia cầm chuẩn bị lượng hàng với giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí gas dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường mặt hàng xăng dầu, khí gas với giá trị khoảng 700 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đã được dự trữ trong kho và hợp đồng với nguồn cung để đảm bảo chỉ tiêu số lượng. Tại Siêu thị BigC, ngoài việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, doanh nghiệp còn chủ động lập kế hoạch điều chuyển lượng hàng hóa trong toàn hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở từng thị trường. Từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 9-2-2019 (tức từ ngày 26 tháng 11 âm lịch đến hết ngày mùng 5 Tết), Siêu thị triển khai trương trình “khóa giá”, tức là không tăng giá đối với đa số mặt hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết; giờ mở cửa, đóng cửa siêu thị cũng được nới rộng và tăng thêm số quầy thanh toán nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân mua. Tham gia vào thị trường hàng hóa Tết năm nay, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định  giới thiệu, cung ứng tới người tiêu dùng gần 200 mặt hàng nông sản sạch của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều sản phẩm của các đơn vị uy tín như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với sản phẩm gạo sạch; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phát với các sản phẩm chế biến từ thịt: giò, nem chua, giăm bông…; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành với sản phẩm xúc xích, thịt hun khói; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương với sản phẩm nông sản (hạt, củ, quả) sấy khô; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hùng Vương với nhóm sản phẩm hải sản khô và tươi sống… Nông sản địa phương đang trở thành mặt hàng được người dân ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tiếp tục huy động tối đa nhân lực gia tăng sản xuất, dự trữ nguồn hàng.

Cùng với việc chỉ đạo chủ động chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng, Sở Công thương phối hợp với các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác ổn định giá cả, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, hội chợ triển lãm thương mại; triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp với việc đưa hàng Việt về nông thôn, đảm bảo đủ lượng hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp Tết hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com