Tăng cường quản lý tàu cá

10:03, 16/03/2017
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), toàn tỉnh hiện có 2.041 tàu, thuyền đánh cá với tổng công suất là 193.869CV và khoảng 5.400 lao động trực tiếp trên tàu cá. Trong đó, loại tàu có công suất dưới 20CV khá nhiều, tới 1.277 chiếc, chiếm 62,5% tổng số tàu thuyền; loại từ 20CV đến dưới 90CV là 179 chiếc, chiếm 8,8% và loại từ 90CV trở lên là 585 chiếc, chiếm 28,7%. Với số lượng tàu thuyền ngày càng nhiều như vậy, công tác quản lý tàu cá luôn được các cơ quan chức năng quan tâm.
Ngư dân huyện Hải Hậu thu hoạch cá.
Ngư dân huyện Hải Hậu thu hoạch cá.
Thời gian qua, công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản luôn được Sở NN và PTNT chú trọng. Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn ven biển, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tích cực bám sát địa bàn, thường xuyên rà soát, thống kê phân loại để đánh giá chất lượng cũng như tuổi thọ để có cơ sở cấp phép hoạt động đối với những tàu cá đáp ứng yêu cầu và được phép ra khơi trong vùng biển phù hợp; hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Mặt khác, kịp thời thông báo về việc tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá đóng mới chưa đăng ký để ngư dân hoàn thành thủ tục. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm những trường hợp không trang bị đầy đủ các thiết bị như đèn tín hiệu, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc… Ngoài ra, Chi cục Thủy sản, Phòng NN và PTNT các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng cũng triển khai kiểm tra, rà soát các tàu cá được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc để triển khai kế hoạch cấp phép trong năm 2017. Đối với những tàu cá có công suất dưới 20CV, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện việc phân cấp quản lý tàu cá. Công tác quản lý khai thác thủy sản ven bờ trong tỉnh thời gian gần đây đã đi vào nề nếp, góp phần ổn định và hạn chế dần việc khai thác có tính nguy hại đến nguồn lợi thủy sản và môi trường vùng nước ven biển. Sở NN và PTNT đã tổ chức xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả như tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển nhằm áp dụng biện pháp hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất cũng như tìm kiếm cứu nạn; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở 42 tổ đội năm 2013, đến nay toàn tỉnh đã sắp xếp thành lập lại 16 tổ đội, tổ hợp tác khai thác thủy sản được chính quyền địa phương công nhận. Do triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức sản xuất trên biển nên ngư dân càng yên tâm, tích cực ra khơi bám biển, tìm kiếm ngư trường mới. Anh Nguyễn Văn Hiếu, xã Hải Triều (Hải Hậu) là ngư dân thuộc tổ đội khai thác thủy hải sản của xã Hải Triều cho biết: “Từ ngày thành lập tổ đội, chúng tôi làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Mọi người luôn sát cánh, hỗ trợ nhau những khi gặp khó khăn về máy móc thiết bị sản xuất cũng như chia sẻ niềm vui khi đánh bắt thắng lợi. Tuy công việc vất vả nhưng sản xuất đạt hiệu quả nên ai cũng phấn khởi”. Bên cạnh đó, cơ cấu nghề cũng có sự thay đổi từ chuyên một loại sang đánh bắt kiêm nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số đơn vị sản xuất đạt kết quả khá, điển hình là tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của các xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), mỗi chuyến biển giúp ngư dân thu lãi từ 30-40 triệu đồng, đặc biệt có tàu thu lãi từ 150-200 triệu đồng. Nghề lưới kéo đôi của xã Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) giúp người dân thu nhập được từ 8-15 triệu đồng/tháng trừ chi phí. Đối với công tác quản lý các cơ sở đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ, tính đến nay toàn tỉnh có 4 cơ sở tại huyện Giao Thủy có công suất đóng mới từ 30-50 tàu cá/năm. Các cơ sở đều đã được kiểm tra và công bố đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ theo Nghị định 67. Những tàu cá đóng mới trong tỉnh thường đóng theo mẫu dân gian, công suất từ 200-450CV. Chi cục Thủy sản đã tham mưu cho Sở NN và PTNT tổ chức kiểm tra và trình UBND tỉnh công bố 14 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ thép. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Công tác quản lý tàu cá tuy còn gặp một số khó khăn như một bộ phận ngư dân chưa thực hiện việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến hướng dẫn các quy định này cho ngư dân. Ngoài ra, ngư dân đã nhận thức rõ ưu điểm khi sử dụng tàu cá vỏ sắt như khả năng chống chịu sóng, gió tốt hơn, hệ số an toàn cao hơn và tính ổn định cũng cao hơn hẳn tàu cá vỏ gỗ truyền thống nên nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, tàu cá vỏ sắt, điều này giúp nâng cao hiệu quả trong nghề khai thác”. 
 
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý tàu cá, cũng như hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh trong việc đóng mới tàu, thuyền khai thác thủy sản, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ đóng mới tàu cá; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ về bảo hiểm con người, phương tiện; thông tin các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản đến cho bà con ngư dân; tổ chức tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ về quản lý hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam và các nước trong khu vực; hướng dẫn ngư dân nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước giúp ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi hoạt động khai thác hải sản để tránh bị thiệt hại./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com