Những người "giữ lửa" làng nghề

08:09, 16/09/2016

Nghệ nhân làng nghề là những “trụ cột” cả về vật chất và tinh thần giữ cho nghề truyền thống dẫu có thăng trầm song vẫn đứng vững qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Họ, với tay nghề điêu luyện và đặc biệt là vốn giá trị văn hóa nghề mà họ tích lũy, thẩm thấu được, qua trực tiếp làm nghề đến dạy nghề cho lớp trẻ giúp “giữ lửa” cho làng nghề.

Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Dương Bá Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng, làng nghề đúc mỹ nghệ Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) và những sản phẩm đồng mỹ nghệ.
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Dương Bá Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng, làng nghề đúc mỹ nghệ Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) và những sản phẩm đồng mỹ nghệ.

Toàn tỉnh hiện có 130 làng nghề, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển đến vài trăm năm tuổi ở các địa phương. Sản phẩm của các làng nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tiêu dùng mà nhiều loại sản phẩm là kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, mang đậm bản sắc đặc trưng môi trường văn hoá của đất và người làng nghề, có ý nghĩa như những “đại sứ” văn hóa của địa phương. Nói đến Nam Trực người ta nhớ đến làng rèn Vân Chàng (Nam Giang), đúc đồng Đồng Quỹ (Nam Tiến), nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp (Hồng Quang), nghề mộc ở Nam Cường, nghề dệt ở thôn Liên Tỉnh (Nam Hồng), làng hoa cây cảnh Vị Khê. Còn huyện Ý Yên nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nhiều làng nghề truyền thống như: làng nghề sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá… Toàn tỉnh hiện có 12 nghệ nhân đã được vinh danh “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” và hàng chục nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp huyện… Huyện Hải Hậu có 37 nghệ nhân các ngành nghề, trong đó có nhiều người đã có 40-50 năm gắn bó với nghề như các nghệ nhân: Phạm Quốc Toản, làng nghề mộc Phạm Rỵ (xã Hải Trung); Ngô Hưng Khánh, làng nghề mộc Kim Thành (xã Hải Vân)... Nghệ nhân Ngô Hưng Khánh, năm nay 66 tuổi, với trên 50 năm gắn bó với nghề cho biết: Để có được một bộ sản phẩm gỗ mỹ nghệ chất lượng cao đòi hỏi từ người thiết kế mẫu đến người thực hiện phải có óc thẩm mỹ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm của người thợ lành nghề. Từ những bản vẽ thiết kế tổng thể tỷ lệ 1:10, người thợ phải vẽ lại trên giấy thành “phôi” mẫu với tỷ lệ 1:1 để vẽ lại trên mặt gỗ rồi mới bắt đầu đục tạo hình với các kỹ thuật cao như: khoét sâu, chạm nổi, “kênh bông” (đục moi) chi tiết. Hoàn thành phần tạo hình thô, sản phẩm cần qua bàn tay của những thợ cả giàu kinh nghiệm “chuốt” lại để làm nổi bật các đường nét, góc cạnh. Sau đó mới đem sơn, thếp (vàng, bạc) rồi phải có thợ cả và hiệp thợ có kinh nghiệm lắp ráp hoàn chỉnh. Theo ông để nắm được những kỹ xảo, tinh hoa của nghề, biện pháp tối ưu nhất là trực tiếp truyền nghề bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”. Học nghề cách này tốn thời gian hơn nhưng người thợ có thể tự tổng kết thành kỹ năng riêng giúp kiến thức về nghề sâu hơn, có sáng tạo và dấu ấn riêng của bản thân trong sản phẩm, từ đó tạo nên thương hiệu. Trong số gần 500 lao động đang làm nghề mộc mỹ nghệ của làng nghề mộc Kim Thành có nhiều người là học trò của nghệ nhân Ngô Hưng Khánh. Sau một thời gian được ông Khánh truyền nghề, đa số học trò của ông đã có “vốn nghề” đi khắp nơi mưu sinh hoặc mở xưởng sản xuất ngay tại địa phương. Nhờ đó, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề mộc truyền thống của làng Kim Thành đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Cả làng có 350 hộ thì có gần 150 hộ làm nghề với khoảng 400 thợ chính, hàng trăm thợ phụ (hoặc đang học nghề), thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề mộc Phạm Rỵ, xã Hải Minh có 3 nghệ nhân là các ông: Phạm Quốc Toản, Phạm Văn Vy và Hoàng Văn Tai. Nghệ nhân Phạm Quốc Toản với đội thợ lành nghề trên 30 lao động đã nhận được nhiều công trình lớn không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà cả các tỉnh ngoài như ở Thái Bình có: Đền Liệt sĩ huyện Kiến Xương trị giá gần 20 tỷ đồng, Đền A Sào, huyện Đông Hưng trị giá trên 15 tỷ đồng; chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội) trị giá 15 tỷ đồng. Tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Ý Yên như mộc mỹ nghệ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá,… các nghệ nhân nghề mộc Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên (Yên Ninh); nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Thiếp, Vũ Duy Thuấn, Dương Bá Phong, Dương Bá Dũng… không chỉ trực tiếp thiết kế, tạo mẫu và tổ chức sản xuất mà còn tham gia dạy nghề truyền “lửa” cho hàng trăm lượt lao động địa phương. Nghệ nhân Dương Bá Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, liên kết với Viện Hóa học và Vật liệu triển khai ứng dụng công nghệ nhuộm kim loại cho các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ. Nhờ đó, thời gian nhuộm sản phẩm đồng mỹ nghệ với đa dạng các màu nâu, đen, vàng nhanh hơn 4-5 lần so với công nghệ cũ; chất lượng nhuộm màu hợp kim đồng kẽm bóng và bám chắc hơn so với hợp kim đồng chì. Ông và đội ngũ thợ lành nghề của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm đã hoàn thành nhiều công trình lớn trong và ngoài nước như: Tượng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào); tượng đồng chí Ngô Gia Tự ở Thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh); tháp Báo Thiên, đỉnh Vua tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội)…

Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, máy móc làm thay con người rất nhiều trong công đoạn sản xuất với độ chuẩn xác cao, kể cả những chi tiết tỉ mỉ. Do vậy, để người tiêu dùng lựa chọn hàng thủ công với giá đắt hơn thay cho hàng sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng máy móc với giá rẻ hơn chính là nhờ cái hồn của sản phẩm được người thợ tạo cho trong quá trình sản xuất. Đó chính là điều nhiều nghệ nhân làng nghề đang trăn trở. Với đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, những nghệ nhân làng nghề mong có thể truyền thụ cho lớp con cháu những tinh hoa trong nghề, góp phần phát triển làng nghề ngày càng hưng thịnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com