"Phi công bất phú" - Chuyện trên những vùng quê lúa

11:02, 12/02/2016

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; đường trục xã, dong ngõ, xóm được trải nhựa, những ngôi trường mới, những trạm y tế, những NVH thôn, xóm mới được xây dựng còn thơm mùi vôi… Nhiều vùng quê lúa trước đây nay đã “chuyển mình” thành những “làng tỷ phú”, diện mạo “phố trong làng” đã xuất hiện nhiều và ngày càng khang trang hơn. Bức tranh đẹp sống động ấy có sự góp sức khi công nghiệp về làng...

Khi công nghiệp về làng

Từ nhiều đời, người nông dân huyện Hải Hậu… gắn bó với mùa vụ nông nghiệp, cây lúa, củ khoai. Dù nơi đây được trời phú cho đồng đất màu mỡ, có biển, có đồng, con người cần cù chịu khó, mặc dù thương hiệu “tám xoan Hải Hậu” nức tiếng khắp cả nước nhưng đời sống của người dân vẫn “đầu tắt, mặt tối”, thu không đủ chi. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, đời sống của người dân huyện Hải Hậu đã có sự thay đổi “một trời, một vực”. Nếu chỉ nhìn vào mức thu nhập bình quân đầu người 30,1 triệu đồng/năm như hiện tại, nhiều người sẽ giật mình không hiểu điều gì làm nên sự đổi thay nhanh chóng ấy bởi chỉ 5 năm trước, nhiều xã của huyện Hải Hậu chỉ đạt mức thu nhập 7,5-10 triệu đồng/người/năm; chưa bằng được 2 tháng lương của phần lớn công nhân Nhà máy May Sông Hồng 4 tại CCN Hải Phương hiện nay chứ đừng nói đến thu nhập tháng lương Tết. Chính thức hoàn thành và hoạt động từ tháng 5-2012, đến nay Nhà máy May Sông Hồng 4 ở CCN Hải Phương đã tạo việc làm cho trên 2.100 lao động với mức bình quân thu nhập đạt trên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Một số lao động tay nghề cao đã đạt thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng như: Nguyễn Văn Chung, xã Hải Phong, chuyền 4, xưởng may 11; Trần Thị Hồng, xã Hải Tân và Phạm Thị Huệ, xã Hải Đường đều ở văn phòng xưởng 11. Nhiều năm liên tục, Cty CP May Sông Hồng đảm bảo mức thưởng Tết cho công nhân bằng 2 tháng lương bình quân, các chị Hồng, Huệ đều đạt mức thưởng Tết từ 11-13 triệu đồng/người. Công nghiệp về làng làm thay đổi từ nhận thức đến thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao mức sống của nhân dân ở nhiều vùng quê thuần nông. Ai đó chỉ đi xa khoảng 3-4 năm khi trở lại những vùng thuần nông, kinh tế chậm phát triển của các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu… đều rất ngỡ ngàng, bất ngờ trước sự đổi thay trù phú, rộn ràng không khí hối hả từ các xưởng máy công nghiệp đến các cơ sở, các hộ sản xuất trong làng nghề. Từ xã Hải Vân (Hải Hậu) thuần nông đến xã Yên Tân (Ý Yên) địa hình bán sơn địa, giao thông khó khăn, bình quân ruộng đất thấp; từ Nghĩa Lâm, Nghĩa Lạc của huyện Nghĩa Hưng đến Minh Tân, Hiển Khánh, Đại Thắng nằm trong vùng trũng của huyện Vụ Bản;… đến đâu cũng gặp không khí tất bật, hối hả với các ngành nghề: may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ… Từ năm 2010 trở về trước, Yên Tân là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Ý Yên. Từ khi Đảng ủy, UBND xã chọn bước đột phá là phát triển sản xuất CN-TTCN để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng như tăng thu nhập cho nông dân và tập trung các giải pháp để thực hiện định hướng đó, sau 5 năm kinh tế - xã hội trên địa bàn đã đổi khác. Xã có một nhà máy may tại thôn Mai Thanh với 12 chuyền may, 1 dây chuyền cắt do Cty CP May 5 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đầu tư. Nhà máy đã tạo việc làm cho trên 400 lao động của xã và các xã lân cận Yên Lợi, Yên Nghĩa, Yên Chính... với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Không khó khăn bằng xã Yên Tân nhưng cách đây 5 năm, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế toàn xã Minh Tân (Vụ Bản). Ngoài thời vụ nông nghiệp, phần lớn lao động nông nhàn của xã phải đi làm thuê ở nơi khác. Trước tình hình đó, trong quá trình lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, xã đã chủ trương quy hoạch gọn vùng đất công như các khu: Trạm Quân lương cũ rộng 3ha thuộc thôn Thượng (nằm sát ngã tư giao giữa tỉnh lộ 56 và Quốc lộ 38B), hội trường cũ của UBND xã thuộc thôn Ngăm Hạ… để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh, xã đã thực hiện nhiều biện pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn như: tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề bước đầu cho lao động; tín chấp với các tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn xã đã thu hút được 4 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương. Trong đó có 2 doanh nghiệp may công nghiệp là các Cty T.B.O Vina (Hàn Quốc); Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định); Cty TNHH Đại Vượng kinh doanh xây dựng và sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp.

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Nhà máy May Sông Hồng 4, CCN Hải Phương (Hải Hậu).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Nhà máy May Sông Hồng 4, CCN Hải Phương (Hải Hậu).

Xuân ấm no trên những miền quê mới

“Phi công bất phú”! Một trong những “điểm tựa”, “đòn bẩy” chính trị quan trọng để có được sự “chuyển mình” no ấm trên những vùng quê lúa không thể không nhắc tới Nghị quyết chuyên đề số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn… Từ những chủ trương, định hướng được nêu trong nghị quyết, căn cứ điều kiện cụ thể, các huyện, Thành phố Nam Định đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề của địa phương mình. Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định quy định các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương thực hiện tốt các công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy cùng các cơ chế chính sách cụ thể hóa chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã tạo hành lang pháp lý cho các địa phương thuần nông có thể khai thác tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển ngành nghề, chú trọng công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới. Nhờ đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt. Các CCN, điểm công nghiệp hình thành và phát triển nhanh, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Sau gần 5 năm triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh, khu vực nông thôn trong tỉnh đã thành lập mới 336 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 1.519 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 11,8 nghìn lao động nông thôn; nâng tổng số các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn lên 850 doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN tập trung, trong đó có 15 CCN đã được lấp đầy diện tích. Các CCN tập trung đã thu hút thêm được 95 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN lên 471 đơn vị, với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện trên 2.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN tập trung đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 nghìn lao động nông thôn, tăng thêm 7.124 lao động so với năm 2011. Công nghiệp về làng tạo động lực quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM ở những xã “trắng nghề”, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đồng thời kéo theo các ngành thương mại dịch vụ cùng phát triển, góp phần làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động ở làng nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần. Nhờ thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, trong 3 năm qua, cơ cấu kinh tế của xã Minh Tân đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 55%, toàn xã có trên 1.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN. Với bình quân thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng như hiện tại, năm 2015 bình quân thu nhập đầu người của xã đạt tiêu chí xây dựng NTM là 29 triệu đồng/người/năm. Tương tự như vậy, xã Bình Minh (Nam Trực), toàn xã có khoảng 1.200 lao động thường xuyên tham gia sản xuất các ngành nghề với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã ước đạt 34 triệu đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12% (năm 2010) xuống còn 6,5%; tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm xuống dưới 70%. Phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ sản xuất CN-TTCN của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2015 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 38.475 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2014, trong đó khối các doanh nghiệp địa phương ước đạt 32.208 tỷ đồng, tăng 11,6%; hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 trước một năm; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 hoàn thành sớm trước 3 tháng, tăng 33,2% so năm 2014, vượt 47% kế hoạch tỉnh giao…

Một mùa xuân ấm no nữa lại về trên những vùng quê! Với mức thu nhập thấp nhất từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày (đối với lao động phụ trong các làng nghề TTCN), bình quân 120-150 nghìn đồng/người/ngày (đối với lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp), hằng tháng người lao động nông thôn sẽ có thêm một khoản thu nhập từ 1,5 đến trên 3 triệu đồng để chi trả cho đời sống sinh hoạt. Những người công nhân không còn lo thuê chỗ ở như trước đây phải rời quê đến các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để làm việc, gia đình bố mẹ, con cái được sum họp sau mỗi ngày lao động vất vả. Sẽ giảm dần những “làng vắng” khi người lớn phải xa quê hương để tìm việc làm kiếm thêm thu nhập, chỉ còn người già và trẻ con ở nhà. Áp lực đối với các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn do lao động ngoại tỉnh cũng sẽ “giảm nhiệt”. Đó là những hiệu ứng xã hội tích cực, lâu dài của chủ trương thu hút đầu tư phát triển về nông thôn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com