Chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn ở Yên Phong

09:02, 02/02/2016

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Phong (Ý Yên) cho biết: Những năm trước, Yên Phong là xã thuần nông, thời điểm nông nhàn, để cải thiện thu nhập, nhiều lao động trong xã phải đi khắp nơi làm thợ xây, phụ hồ để có thêm thu nhập. Nhưng từ năm 2010 đến nay, ngoài nghề xây dựng, xã Yên Phong đã phát triển nhiều nghề mới như: may công nghiệp, đúc dát đồng, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, thêu ren, làm tăm hương... tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động địa phương.

Sản xuất các loại túi đựng hàng siêu thị tự hủy tại Cty TNHH Kinh doanh Thương mại Thành Hạnh, thôn Phú Giáp, xã Yên Phong.
Sản xuất các loại túi đựng hàng siêu thị tự hủy tại Cty TNHH Kinh doanh Thương mại Thành Hạnh, thôn Phú Giáp, xã Yên Phong.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ xã Yên Phong đã tập trung thảo luận và đề ra hướng phát triển kinh tế của địa phương là phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, lao động, phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN. Xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ về đất đai và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển ngành nghề. Xã đã tập trung quy hoạch để tạo quỹ đất, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa những thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN. Đồng thời xã tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các cơ sở, hộ cá thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2015, tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng của xã đạt gần 30 tỷ đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 30%; sản xuất CN-TTCN, thương mại tăng lên 70%. Nhờ đó, năm 2015, bình quân thu nhập của xã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm xuống còn 5,7%. Toàn xã hiện có 4 doanh nghiệp, 40 tổ, đội thợ xây dựng; gần 20 cơ sở sản xuất đa dạng các nghề: mộc, đúc dát đồng, may công nghiệp... Xây dựng dân dụng được coi là nghề phụ truyền thống, đã phát triển gần 50 năm ở Yên Phong. Ngoài 1 doanh nghiệp là Cty TNHH Xây dựng Tuấn Thành có trên 70 lao động thường xuyên, đủ sức đảm nhận được các công trình lớn trị giá từ hàng chục đến trên 100 tỷ đồng, xã Yên Phong còn có gần chục đội thợ thường xuyên thu hút từ 20-30 lao động như đội thợ của các ông: Nguyễn Anh Dũng, thôn An Bái; Nguyễn Thành Công, thôn Hưng Xá; Nguyễn Văn Trình, thôn Phú Giáp... Những đội thợ này thường xuyên nhận được các công trình, hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ đồng ở trong và ngoài huyện. Với nghề xây dựng dân dụng, thu nhập bình quân của thợ chính đạt từ 170-220 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh nghề xây dựng, nghề mộc cũng phát triển mạnh ở xã Yên Phong với 10 hộ gia đình sản xuất các loại đồ gỗ gia dụng, tạo việc làm cho từ 3-5 lao động/cơ sở với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài các nghề truyền thống nêu trên, nhiều nghề mới đã được nhân cấy thành công ở Yên Phong như: may công nghiệp, đúc dát đồng, sản xuất vật liệu xây dựng... Sau một thời gian học nghề tại Thị trấn Lâm, anh Nguyễn Đắc Hưng quyết định đầu tư mở xưởng sản xuất tại thôn Ba Khu chuyên đúc các loại đồ mỹ nghệ, lưu niệm từ đồng như: tượng, chuông, khánh, đồ thờ, trống đồng, đỉnh... Cơ sở của anh Hưng hiện tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, toàn xã hiện có 1 doanh nghiệp, 2 cơ sở sản xuất và trên 10 cơ sở nhỏ lẻ (quy mô từ 7-10 lao động) chuyên nhận gia công các sản phẩm trang phục cho các doanh nghiệp may lớn. Cơ sở của chị Đào Thị Dịu, thôn Hưng Xá nhận may gia công cho một Cty may tại Thành phố Nam Định, tạo việc làm cho 35 lao động. Cơ sở của chị Nguyễn Thị Mỳ, thôn Phú Giáp tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Ngoài các cơ sở may trên, trong năm 2015, xã Yên phong còn thu hút được 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công các loại túi nhựa sinh học thân thiện với môi trường (dùng để đựng hàng hóa trong siêu thị) của Cty TNHH Kinh doanh Thương mại Thành Hạnh ở thôn Phú Giáp. Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Cty cho biết, được xã quan tâm tạo điều kiện, năm 2015, anh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng 1 cây xăng, 1 dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết và 1 xưởng may công nghiệp. Hiện nay, xưởng may công nghiệp đã chính thức sản xuất ổn định, tạo việc làm cho 55 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, xưởng may công nghiệp gia công được 10 nghìn sản phẩm túi các loại. Ngoài xưởng may, trong năm 2016, Cty đang tiến hành lắp đặt và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết công suất 2.000 lít/giờ, dự kiến tạo thêm việc làm cho từ 7-10 lao động mới. Ngoài các nghề thu nhập cao trên, còn có hơn 200 lao động tham gia các nghề phụ như: thêu, chẻ tăm hương... với mức thu nhập đạt 30-40 nghìn đồng/ngày; 900 nghìn - 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, chủ trương của xã Yên Phong là tiếp tục duy trì, phát triển các nghề đã có, đồng thời tận dụng lợi thế về giao thông của 4km đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ và 3,6km Quốc lộ 38B chạy qua địa bàn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN. Hiện tại, xã đã quy hoạch 2 khu đất ở thôn Trung Khu (rộng khoảng 15 nghìn m2) và thôn Bồ Đề (rộng khoảng 12 nghìn m2) tạo mặt bằng phát triển sản xuất. Đã có 4 doanh nghiệp đang tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất các nghề: đúc dát đồng, sản xuất vật liệu xây dựng...

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com