Nỗ lực giữ vững tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN

07:05, 29/05/2014

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2014 đạt 11.731 tỷ đồng, tăng 15,9% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 92,2 triệu USD, tăng 16,8% so cùng kỳ, đạt 23% kế hoạch năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 6.434,5 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.  

Sản xuất các sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).

Kết quả trên cho thấy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển của các cấp, các ngành thực hiện trong thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực: cấp phép đăng ký kinh doanh, thuế..., từ đầu năm 2014 đến nay đã có 100% hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, tổng số hồ sơ được cấp đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là 188 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 609 tỷ đồng. Bên cạnh quyết tâm từ phía chính quyền tỉnh và các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng không ngừng nỗ lực, phát huy nội lực, tận dụng tối đa những ưu đãi từ các cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Liệu, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương): sở dĩ sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm là do cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh ta khá ổn định với những trọng điểm dệt may, cơ khí, chế biến gỗ... Bên cạnh đó, việc phát triển các doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp trong tỉnh đã sử dụng sản phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất nên đã giảm giá thành, đồng thời có điều kiện đầu tư tập trung đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát huy các thế mạnh về truyền thống, kinh nghiệm, nguồn nhân lực các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn ổn định sản xuất giữ vững thị phần. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 165 doanh nghiệp ngành dệt may, thu hút trên 67 nghìn lao động. 4 tháng đầu năm 2014, ngành dệt may có nhiều sản phẩm chủ yếu tăng trưởng trên 12% (mức tăng trưởng bình quân nhiều năm liền của ngành dệt may tỉnh ta) như: quần áo may sẵn đạt gần 48 triệu sản phẩm, tăng 14,9%; khăn các loại đạt trên 5,1 nghìn tấn, tăng 14,3%; vải các loại đạt trên 21,2 triệu m2, tăng 13,9%; sợi các loại đạt trên 15,3 nghìn tấn, tăng 13,2%... so với cùng kỳ năm 2013. Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở địa bàn nông thôn; vừa tranh thủ nguồn lao động tại chỗ, giảm áp lực giải quyết các vấn đề xã hội như nhà ở, cơ sở y tế, trường học cho con công nhân... Không tăng trưởng cao như ngành dệt may nhưng các ngành cơ khí, chế biến gỗ và lâm sản, sản xuất thuốc và hóa dược... vẫn giữ được tốc độ sản xuất ổn định trong 4 tháng đầu năm 2014 và cao hơn cùng kỳ năm trước.

Không chỉ được tín nhiệm tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cơ khí ở huyện Xuân Trường đã bước đầu xuất khẩu các sản phẩm máy nông nghiệp, xây dựng sang một số nước trong khối ASEAN, châu Phi... Các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất cơ khí ở các huyện Nam Trực, Ý Yên đã ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất đảm bảo việc làm đến hết năm 2014 cho người lao động và đủ khả năng tái đầu tư phát triển sản xuất. Trong quý I-2014, Cty TNHH Việt Thắng ở CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây mới thêm một phân xưởng để phục vụ sản xuất. Cty đã trang bị đồng bộ máy đột dập các loại 150, 200, 250 và 300 tấn; máy cắt tôn (dài 10,5m, khổ dày 18mm) và loại khổ dày 20mm để sản xuất cơ khí, kết cấu thép phi tiêu chuẩn. Nhờ đó, các sản phẩm của Cty đã được khẳng định chất lượng tại các công trình: lan can cầu Phùng (huyện Đan Phượng), cầu Đông Trù (huyện Đông Anh) và xe đúc hẫng, giá đỡ và dàn giáo phục vụ thi công các công trình: cầu Vĩnh Tuy, nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội); hệ thống cột chống, giá đỡ hầm lò… 4 tháng đầu năm 2014, khối doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (theo công nghệ lò tuy-nen) gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, bước sang tháng 5-2014, việc tiêu thụ đã được thúc đẩy, lượng sản phẩm tồn bãi của nhiều doanh nghiệp đã được giải quyết cơ bản. Hiện nay, nhiều dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp đã tiếp tục gia tăng hoạt động sản xuất.

Từ nay đến cuối năm, nhiều nhóm ngành sản xuất của tỉnh có quy luật tiêu thụ mạnh vào những tháng giữa và cuối năm như: dệt may, cơ khí, vật liệu xây dựng, đồ dùng sinh hoạt... cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp là những yếu tố khả quan để tỉnh giữ vững tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN năm 2014 với mục tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 48.127 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com