Vùng sản xuất lúa nếp cái Hoa vàng ở Cát Thành

07:10, 12/10/2011

Trung tuần tháng 9-2011, khi các trà lúa mùa trung của các địa phương trong tỉnh bông lúa trỗ đã quay ngang nhưng trên 200ha của các cánh đồng: Sâu Gia, Đông Đồng, Đông Trước… của Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) lúa nếp cái Hoa vàng mới qua thì con gái, xanh đen một màu, theo kinh nghiệm, phải sau 15-20 ngày nữa mới trỗ bông. Đồng chí Nguyễn Văn Nồng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Nông nghiệp thị trấn cho biết: “Qua kiểm tra thấy vết bệnh đạo ôn lá lúa, chúng tôi đang chỉ đạo cho nông dân phun trừ và đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông”.

Nông dân Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa nếp cái Hoa vàng.
Nông dân Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) phun thuốc phòng trừ
bệnh đạo ôn cho lúa nếp cái Hoa vàng.

Ở Thị trấn Cát Thành có 2 HTX Trực Cát và Trực Thành. HTX Trực Cát cấy nếp cái Hoa vàng trên 70% diện tích vụ mùa, còn HTX Trực Thành cấy trên 30% diện tích. Riêng vụ xuân hằng năm, để bảo đảm lương thực tiêu dùng cả năm, nông dân thị trấn cấy 80-90% diện tích bằng giống lúa lai D.ưu 527, năng suất luôn đạt 270-280kg/sào (75-78 tạ/ha). Từ xa xưa cây lúa nếp cái Hoa vàng đã được cấy ở đồng đất Cát Thành nhưng diện tích chỉ chiếm trên dưới 10% để dùng vào những ngày lễ, tết, còn thừa mới bán với giá cao. Để tăng năng suất, nông dân Cát Thành đã tìm ra quy trình thâm canh cây lúa nếp vụ mùa với năng suất bình quân đạt 140-160kg/sào (39-44 tạ/ha). Những năm 2000-2005, diện tích cấy lúa nếp cái Hoa vàng ở đây chỉ chiếm 20-30% diện tích. Năm 2010, diện tích lúa nếp vụ mùa ở Cát Thành tăng cao, chiếm 60-70% diện tích. Với năng suất 140-160kg/sào, thậm chí 170kg/sào và giá bán 1,6 triệu đồng/tạ (thời gian gần Tết Nguyên đán và trước Tết Trung thu… giá còn cao hơn). Nếu so với giá thóc tẻ thường, thóc nếp cái Hoa vàng Trực Cát gấp 2,3-2,5 lần. Tuy cây lúa nếp cái Hoa vàng thời gian sinh trưởng dài (gần 6 tháng) nhưng nông dân Cát Thành lại khẳng định cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Ngoài nhiễm bệnh đạo ôn và sâu đục thân cuối vụ thì các loại sâu bệnh khác nhẹ hơn nhiều so với các giống lúa tẻ, kể cả giống lúa lai. Kinh nghiệm của Cát Thành, để chủ động phòng bệnh đạo ôn và sâu đục thân cho lúa nếp vụ mùa: cứ khi phát hiện vết bệnh đạo ôn lá là phun trừ, khi lúa thập thò trỗ phun trừ sâu đục thân lần 1 và lúc lúa trỗ thoát hết phun trừ sâu đục thân lần 2 là cây lúa nếp an toàn tuyệt đối. Để chống úng, chống đổ cuối vụ, công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy được tiến hành thường xuyên và khi lúa đứng cái, mỗi sào ruộng cấy bón thêm 3kg kaly nên lúa chắc hạt, cứng cây. Cái giỏi của HTX Trực Cát là tạo ra cả cánh đồng cấy 1 trà và chỉ loại lúa nếp cái Hoa vàng nên việc chăm sóc, phát hiện, diệt trừ sâu bệnh đều tiến hành đồng loạt. HTX và nông dân cũng thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh sớm, hộ nào cũng có trách nhiệm với tập thể nên tình đoàn kết luôn giữ vững cả trong sản xuất và trong sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Lan, đội trưởng đội sản xuất Bắc Hồng - 1 trong 2 đội vụ mùa này cấy 100% diện tích nếp cái Hoa vàng cho biết: “Khi phát hiện sâu bệnh, thông báo trên hệ thống truyền thanh lịch phòng trừ là người dân đổ ra đồng phun trừ chỉ trong 1-2 ngày tất cả diện tích được phòng trừ đúng quy trình. Khi thông báo nạo vét kênh mương, các hộ tự giác bảo nhau cùng ra đồng nạo vét nhanh, đúng kỹ thuật…”. Chị Lan còn cho biết, cấy lúa nếp cái Hoa vàng cũng giảm được một phần công cấy vì cấy thưa và khi gặt cũng nhanh hơn, nhàn hơn, giống nông dân tự sản xuất, chủ động mùa vụ…, chi phí thấp hơn hẳn. Nếp cái Hoa vàng được nông dân Cát Thành cấy tập trung, cấy lúa hàng hóa nhiều trong vụ mùa vì hệ thống tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Ở Cát Thành đã hình thành các đại lý thu mua, xay sát gạo. Nếp ở đây ngon, có uy tín nên được người tiêu dùng các tỉnh, thành từ miền Bắc tới miền Trung ưa chuộng. Đặc biệt do sản xuất với diện tích lớn nên hầu hết các đại lý trong và ngoài tỉnh tự tìm về mua mà không phải quảng bá.

Lấy vụ xuân để bảo đảm an toàn lương thực cấy các giống lúa lai năng suất cao, dành cơ bản diện tích vụ mùa sản xuất lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra vùng nguyên liệu đủ rộng, với sản lượng lớn; từ sản xuất đến thu mua, sơ chế… tạo ra hệ thống phân phối tương đối hoàn chỉnh, liên hoàn…, nông dân Thị trấn Cát Thành đang tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, góp phần xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com