Phát triển Hệ thống siêu thị

10:10, 22/10/2010

Chọn mua hàng tại siêu thị Happy Mart (TP Nam Định).  Ảnh: Dương Đức
Chọn mua hàng tại siêu thị Happy Mart (TP Nam Định). Ảnh: Dương Đức

Từ khi ra đời, hệ thống siêu thị đã trở thành một loại hình dịch vụ tất yếu đáp ứng yêu cầu mua sắm tiết kiệm thời gian, bảo đảm chất lượng của người tiêu dùng trong nhịp sống công nghiệp hoá. Ở tỉnh ta, siêu thị mới xuất hiện vài năm, tốc độ phát triển khá chậm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 10 siêu thị tham gia hoạt động kinh doanh đa dạng các mặt hàng như: Siêu thị văn hoá Thành Nam, siêu thị Bách Đại, siêu thị Happy Mart, siêu thị điện máy ANam Plaza, siêu thị gỗ Tùng Lâm... Theo quy định của Bộ Công Thương thì các đơn vị này đều bảo đảm đủ các tiêu chí về diện tích mặt bằng, số lượng hàng hoá, tính phục vụ chuyên nghiệp..., thuộc loại siêu thị hạng 3. Siêu thị Bách Đại khai trương đầu năm 2009, tham gia cung cấp hàng nghìn sản phẩm thuộc nhiều nhóm hàng như: Quần áo thời trang, đồ dùng gia dụng, thực phẩm công nghệ, bánh kẹo... Giai đoạn đầu, lượng khách đến với siêu thị rất lớn nhưng chủ yếu là đến để tham quan, còn việc mua sắm thì hạn chế. Cuối năm 2009, siêu thị Bách Đại phải tiến hành thanh lý hàng loạt mặt hàng rồi gói gọn kinh doanh tập trung vào mặt hàng thời trang. Đến thời điểm hiện nay, hoạt động của siêu thị Bách Đại cũng gần như không phát triển so với giai đoạn đầu khai trương. Siêu thị Happy Mart khai trương cuối năm 2009 với tổng diện tích 2000m2, quy hoạch nhiều gian hàng bánh kẹo, thực phẩm công nghệ, quần áo thời trang, điện máy gia dụng, văn hoá phẩm, thực phẩm tươi sống... và có cả gian hàng phục vụ nhu cầu giải khát, ăn nhanh và khu vui chơi dành cho trẻ em, với khoảng 1500 mặt hàng, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng ân cần, chu đáo. Toàn bộ các gian hàng của siêu thị được lắp đặt hệ thống máy điều hoà, ổn định nhiệt độ, đáp ứng tiêu chí phục vụ tốt nhất đến khách hàng. Trong thời gian đầu, lượng khách hàng đến tham quan và mua sắm tại siêu thị rất lớn. Nhưng chỉ sau dịp Tết Nguyên đán 2010, hoạt động kinh doanh, mua bán tại siêu thị bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Để khắc phục khó khăn, siêu thị đã áp dụng nhiều biện pháp như: Cắt giảm nguồn nhân lực ở cả khâu cán bộ quản lý lẫn nhân viên đứng quầy, ngừng chạy máy điều hoà vào những giờ ít khách, ngừng cung cấp một số mặt hàng chưa có nhiều khách mua như thực phẩm tươi sống, trái cây... Siêu thị may Thăng Long (nằm trong toà nhà NaFomex) đi vào hoạt động năm 2008, với mặt hàng kinh doanh chính là sản phẩm may mặc thời trang của Tổng Cty may Thăng Long - Hà Nội. Sau một thời gian hoạt động, lượng hàng may mặc bán được hầu như không đáng kể, siêu thị đã mở rộng nhiều mặt hàng để thu hút khách hàng như: Thực phẩm công nghệ, bánh kẹo, đồ gia dụng. Dù nỗ lực duy trì hoạt động nhưng việc kinh doanh không tiến triển, siêu thị phải đóng cửa vào đầu năm 2010.

Vì sao khi các doanh nghiệp đều dốc sức về kinh tế, nỗ lực thay đổi phương thức hoạt động nhưng trên thực tế loại hình dịch vụ siêu thị vẫn chưa được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, tiếp cận và chấp nhận sử dụng? Ông Lê Văn Ngọc, phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết, do công việc làm hạn chế thời gian sinh hoạt thường ngày, ông rất muốn mua sắm ở siêu thị. Tuy nhiên, tại hầu hết các siêu thị trên địa bàn thành phố Nam Định dù đều đáp ứng được tiêu chí về số lượng mặt hàng nhưng lại chưa tạo được sự đa dạng, phong phú của từng mặt hàng. Mỗi mặt hàng chỉ có rất ít dòng sản phẩm, hoặc không kịp thời bổ sung mẫu mã mới, so với các cửa hàng cung cấp chuyên sâu một mặt hàng. Còn theo anh Nguyễn Ngọc Sơn phường Văn Miếu (TP Nam Định) giá niêm yết của các sản phẩm bán trong siêu thị đều cao hơn so với giá của các đại lý, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ khác. Ngoài ra, việc mua sắm ở siêu thị phải tốn nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm sản phẩm khách hàng cần trong khi đó mua ở các đại lý ven đường, ngay trong khu dân cư, chỉ cần nói tên sản phẩm người bán hàng đã tìm được ngay cho khách hàng. Một yếu tố khác là thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nếu như ở các thành phố lớn, do đặc thù công việc, địa bàn rộng, một bộ phận lớn cán bộ CNVC không có thời gian đi chợ vặt hàng ngày, nên thường đi siêu thị vào dịp nghỉ cuối tuần vừa để mua sắm phục vụ tiêu dùng cho cả tuần, vừa là dịp đi giải trí nhưng ở thành phố Nam Định địa bàn hẹp, cán bộ công chức không bị sức ép về thời gian đi chợ hàng ngày nên ít có nhu cầu đi siêu thị. Do vậy nếu các siêu thị không có mặt hàng "độc" thì rất khó thu hút khách, khó thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng ở chợ, các đại lý nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thậm chí hàng hoá còn được người làm dịch vụ cung cấp đến tận nhà theo phương thức bán hàng dong, bán hàng qua điện thoại, qua Internet...; người mua hàng không phải mất thời gian đi lại, lựa chọn. Ngoài ra, do thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh ta còn thấp, hiện mới đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng nên việc mua hàng siêu thị không phù hợp. Giá cả các sản phẩm ở siêu thị đều cao hơn bên ngoài tối thiểu 1000 đồng/sản phẩm, người lao động thường lĩnh lương đầu tháng và chia dần khoản tiền lương ra chi tiêu sinh hoạt trong tháng, chưa có điều kiện dùng cả một khoản tiền lớn mua một khối lượng hàng hoá tập trung về dùng dần. Thêm một điểm hạn chế khiến siêu thị ở Nam Định chưa hấp dẫn được khách hàng là, so với một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các siêu thị đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá, có các đợt xả hàng hoặc thường xuyên tham gia vào các chương trình bình ổn giá thì tại Nam Định, các hoạt động khuyến mãi, giảm giá ít diễn ra, nếu có cũng chưa đạt chất lượng cao; chưa tham gia các chương trình bình ổn giá... Nhìn từ góc độ của các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, chi phí đầu tư ban đầu, chi phí quản lý là rất lớn theo những yêu cầu tiêu chí khắt khe nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Do vậy, việc điều chỉnh giá hàng bán trong siêu thị khó linh hoạt như các cửa hàng nhỏ lẻ ở chợ. Trong khi đó, không giống như các nhà đầu tư dự án sản xuất được hưởng một số chế độ ưu đãi nhằm giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu, các siêu thị không nằm trong diện này. Có chăng, siêu thị chỉ được xem xét giảm thuế vào những tháng không bán được hàng.

Tuy nhiên, do nắm bắt được sự phát triển tất yếu về nhu cầu mua sắm tại siêu thị, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động một số dự án siêu thị tại Nam Định như: Siêu thị BigC, siêu thị Long Khánh... Để hoạt động siêu thị có thể phát triển hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ bản chất vấn đề là người tiêu dùng chỉ lựa chọn mua hàng ở nơi nào giá rẻ hơn. Vì vậy các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, lựa chọn phương thức phục vụ tối ưu nhất để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với mức giá hợp lý nhất. Thực tế đã chứng minh, nhờ thực hiện được phương thức này mà siêu thị văn hoá Thành Nam đã duy trì hoạt động hiệu quả ngay từ khi mới khai trương. Siêu thị thường xuyên thay đổi, bổ sung những mẫu hàng mới cho tất cả các chủng loại sản phẩm. Đặc biệt, giá hàng hoá ở đây chỉ nhỉnh hơn giá bán sỉ, bán lẻ ngoài chợ chút ít, bù lại người mua hàng được bảo đảm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó mặc dù còn những hạn chế như diện tích hẹp, không có công trình vệ sinh nhưng siêu thị vẫn được khách hàng lựa chọn tìm đến. Phát triển hệ thống siêu thị là góp phần xây dựng văn minh thương nghiệp, giúp người tiêu dùng có thể "thông thái" trong mua sắm bởi hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu xảy ra vấn đề về chất lượng hàng hoá... thì người tiêu dùng có cơ sở để được bảo đảm quyền lợi... Đổi mới hoạt động, quan tâm chăm sóc khách hàng là những biện pháp giúp các siêu thị trên địa bàn thành phố Nam Định tăng sức hút. Tới đây khi các dự án siêu thị lớn BigC, Long Khánh đi vào hoạt động, cạnh tranh giữa các siêu thị là điều kiện để người tiêu dùng Nam Định sẽ được phục vụ tốt hơn, các siêu thị chắc chắn sẽ phát triển./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com