Vai trò của người chăn nuôi trong phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm

09:08, 06/08/2010

 

Trạm Thú y huyện Vụ Bản cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc thú y cho nông dân.  Ảnh: Đức Hoa
Trạm Thú y huyện Vụ Bản cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc thú y cho nông dân.               Ảnh: Đức Hoa
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta khá phát triển với đa dạng các loại con nuôi, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn. Do điều kiện kinh tế, quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình chăn nuôi theo mô hình trang trại chưa nhiều. Những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là do diễn biến thời tiết thất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Hiện tượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định vẫn phổ biến tại một số địa phương. Tỷ lệ gia súc, gia cầm không được tiêm phòng còn cao (tại tỉnh ta, tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng mỗi vụ chỉ đạt bình quân khoảng 50% kế hoạch)... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh bùng phát. Năm 2009, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đã xảy ra tại xã Giao Thịnh, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); Nam Dương (Nam Trực); Yên Khang (Ý Yên). Tháng 4 năm 2010, dịch tai xanh trên lợn đã xảy ra ở 6 xã của huyện Trực Ninh phải tiêu hủy hơn 2500 con. Để bảo đảm chăn nuôi an toàn, ngoài vai trò của ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan thì việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi là hết sức quan trọng. Người chăn nuôi quyết định tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời cũng là người đầu tiên phát hiện, xử lý khi vật nuôi bị bệnh ốm, chết. Thực tế qua nhiều năm cho thấy, tình hình dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, diện tích, mặt bằng không đủ tiêu chuẩn, xử lý chất thải không bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây thường là những hộ có tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm rất thấp. Có tâm lý chủ quan, không tiêm phòng dịch do số lượng nhỏ. Khi vật nuôi bị ốm hoặc nghi bị dịch không khai báo với chính quyền địa phương lại đem vứt bỏ nơi công cộng hoặc tìm cách bán chạy ra thị trường làm ảnh hưởng tới các hộ nuôi xung quanh và là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh khó kiểm soát và dễ lây lan. Sự phối hợp giữa người chăn nuôi và lực lượng chức năng còn khó khăn do đội ngũ làm công tác thú y địa phương mỏng. Một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi thiếu kiến thức về chăn nuôi an toàn. Vì thế, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự hợp tác, tham gia của người chăn nuôi vào phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sẽ góp phần tăng hiệu quả công tác phòng chống dịch. Mỗi người chăn nuôi cần có ý thức tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để chủ động phát hiện, phòng chống dịch, biết cách chữa trị một số bệnh đơn giản cho vật nuôi. Trong quá trình nuôi, đàn vật nuôi phải được tiêm các loại vắcxin phòng dịch bệnh đầy đủ, theo hướng dẫn của thú y. Đây là biện pháp phòng vệ từ bên trong để đàn gia súc, gia cầm chống lại dịch bệnh. Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt vật nuôi, có biện pháp xử lý chất thải hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi phát hiện vật nuôi bị bệnh hoặc nghi mắc dịch, cần kịp thời khẩn trương báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý hợp lý, không tự ý tiêu hủy hoặc bán chạy làm dịch bệnh lây lan... Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người chăn nuôi tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần cho chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao./.

Thanh Thủy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com