Hội nghị Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022

03:04, 05/04/2022

Ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương... 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở KH và ĐT; Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh; Lương Văn Kiểm, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I (theo giá hiện hành) tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 3 tháng đầu năm ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 5 năm qua. Trong quý I-2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%... Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước bằng 19,7% dự toán; đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo về tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trình bày báo cáo tình hình triển khai đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn trong đợt thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung thời gian qua. Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ở trong nước, tình hình dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội tồn đọng, kéo dài... đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, Chính phủ và các địa phương đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trước hết là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế... Mặt khác, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử... Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh tốc độ phục hồi các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách. Chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo an sinh cho nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào; tổ chức các hình thức dạy học an toàn. Các địa phương phải có giải pháp đảm bảo cung cầu lao động; chủ động đẩy mạnh cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng tiêu cực. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, khai thác các mỏ nguyên vật liệu. Đẩy mạnh công tác quy hoạch theo tinh thần dài hơi, ổn định, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược./.

Tin, ảnh: Thành Trung

 

 

 


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com