Thực hiện quản lý chặt chẽ nhân khẩu tại nơi cư trú

04:11, 01/11/2021

Ngày 01 tháng 11 năm 2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh (Ban chỉ đạo) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí đại diện các Sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh; tham dự tại điểm cầu các huyện, thành phố có các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND và thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi nghe đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế báo cáo và ý kiến của các đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:

Trong 2 tuần vừa qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã có những diễn biến rất phức tạp, nhất là tại thành phố Nam Định, huyện Ý Yên xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng, đây là các ổ dịch rất phức tạp, diễn biến nhanh, đặc biệt các ca bệnh tại thành phố Nam Định có liên quan đến nhiều địa điểm tập trung đông người như trường học, siêu thị, nhà hàng, công ty... đã có nhiều trường hợp tiếp xúc gần, gây khó khăn cho công tác truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là thành phố Nam Định, huyện Ý Yên tập trung cao độ, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không kể ngày và đêm, thần tốc truy vết, cách ly kịp thời các trường hợp F1, F2 và khoanh vùng gọn nhất có thể, thực hiện biện pháp giãn cách, đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa tránh tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi toàn thành phố Nam Định. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, số ca bệnh trong ngày giảm, chủ yếu phát sinh trong vùng cách ly, phong tỏa.

UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chóng dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Biểu dương ngành Y tế, Quân đội, Công an, thành phố Nam Định và huyện Ý Yên đã chủ động, quyết liệt, thực hiện bài bản, kịp thời các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, luôn thường trực nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19 trên địa bàn, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thủ trưởng các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết tâm trong phòng, chống dịch bệnh. Không hoang mang, lo lắng, song phải chủ động, bình tĩnh, bản lĩnh, linh hoạt, hiệu quả trong xử lý mọi tình huống của dịch bệnh.

2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và đội thông tin lưu động về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu rõ, không hoang mang lo lắng, tin tưởng và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Công khai thông tin dịch tễ của các trường hợp F0 để nhân dân biết, ai tiếp xúc gần chủ động khai báo với chính quyền địa phương, cơ sở y tế. Yêu cầu người dân hoặc người thân trong gia đình có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và xử lý theo quy định. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống dịch.

3. Thực hiện quản lý chặt chẽ nhân khẩu tại nơi cư trú

- Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình di biến động nhân khẩu trên địa bàn; kịp thời nắm bắt thông tin người dân đi, đến địa bàn, tham mưu chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định

- Các Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tại cơ sở, tổ COVID cộng đồng tăng cường kiểm tra, nắm chắc di biến động nhân khẩu trên địa bàn; quản lý, giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà theo quy định.

- Yêu cầu các hộ gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo cam kết đã ký, nhất là thực hiên yêu cầu 5K, kịp thời khai báo y tế khi có người thân đi về từ tỉnh ngoài hoặc có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mất vị giác...

4. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị y tế tại cơ sở tham mưu chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá yếu tố dịch tễ đối với các trường hợp F0, phân loại F1, F2 để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

5. Công tác xét nghiệm

- Sở Y tế, các huyện, thành phố thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ dân sinh, bến xe, siêu thị, trường học...; đối với nhóm nguy cơ như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)...

- Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố Nam Định đánh giá các khu vực nguy cơ theo yếu tố dịch tễ và quyết định xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

- Các huyện, thành phố Nam Định huy động các lực lượng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... tham gia hỗ trợ phục vụ công tác xét nghiệm.

6. Công tác tổ chức cách ly và quản lý các trường hợp cách ly

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các huyện, thành phố chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở rộng, kích hoạt sử dụng được ngay các cơ sở cách ly tập trung để đáp ứng yêu cầu diễn biến của dịch bệnh theo cấp độ cao hơn.

- Chỉ tổ chức cách ly tại nhà các trường hợp tiếp xúc gần (F1) khi các cơ sở cách ly tập trung quá tải hoặc đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1) có yếu tố dịch tễ nguy cơ thấp, người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc nhưng phải cam kết với chính quyền địa phương và thực hiện nghiêm theo đúng quy định. Trường hợp cách ly trong cùng một nhà có F1 và F2, thì trường hợp F2 phải cách ly tại nhà như trường hợp F1.

- Chính quyền địa phương, tổ dân phố, thôn xóm, tổ COVID cộng đồng quản lý, giám sát chặt chẽ, triệt để; giúp nhân dân mua lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu; tổ chức thu gom, xử lý rác thải theo quy định.

7. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

- Các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin để tiêm đủ mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn (trong đó chi tiết nhu cầu tại các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động); nhu cầu vắc xin để tiêm đủ mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 (trong đó chi tiết nhu cầu theo từng loại vắc xin), hoàn thành trước ngày 04/11/2021, gửi Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 05/11/2021.

- Các huyện, thành phố chủ động rà soát, thống kê số lượng trẻ em dưới 18 tuổi, trong đó chi tiết từng độ tuổi từ 16 đến dưới 18 (đang học tại các trường THPT), độ tuổi từ 12 đến dưới 16, độ tuổi từ 5 đến dưới 12. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp, thống nhất với Sở Y tế, các huyện, thành phố về số lượng trẻ em đang học tại các trường THPT để xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các em.

- Trên cơ sở số lượng vắc xin được phân bổ và nhu cầu tiêm vắc xin của các huyện, thành phố, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời.

- Tổ chức tiêm vắc xin: Các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để dịch bệnh lây lan. Ưu tiên tiêm đủ liều cho người dân đã tiêm mũi 1. Tổ chức tiêm cuốn chiếu theo địa bàn xã, phường, thị trấn, không dàn trải. Phấn đấu đến hết năm 2021, hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi ở tỉnh ta.

8. Tổ chức trạm y tế lưu động

Các huyện, thành phố xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giao Sở Y tế hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

9. Phân loại, xác định cấp độ dịch

- Các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, công bố cấp độ dịch bệnh đến cấp xã, đối với các khu vực nguy cơ cao thì tổ chức đánh giá, xác định cấp độ dịch theo địa bàn nhỏ hơn cấp xã để đảm bảo đánh giá đúng tình hình diễn biến của dịch bệnh để có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

- Hàng ngày, Sở Y tế rà soát, công bố cấp độ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để công khai cho người dân biết về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án, kịch bản phòng chống dịch trên diện rộng với 1.000 ca nhiễm, 5.000 ca nhiễm, 10.000 ca nhiễm....... Chuẩn bị các điều kiện về sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, oxy y tế, nhân lực để phục vụ công tác thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19.

11. Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân, hiệu thuốc kiểm soát chặt chẽ người đến khám chữa bệnh, mua thuốc, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác... phải yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: xét nghiệm, khai báo y tế... và thông báo cho y tế cơ sở được biết để thực hiện các biện pháp theo quy định.

12. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

- Tiếp tục tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch... theo các chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành đang có hiệu lực. Riêng thành phố Nam Định tạm thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 213/TB-UBND ngày 28/10/2021.

- Từ 00 giờ 00 ngày 02/11/2021, dừng hoạt động chốt (trạm) kiểm soát liên ngành tại tại điểm Cao Bồ, Quốc lộ 10, huyện Ý Yên.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có mã QR-Code và yêu cầu tất cả người khi ra, vào phải thực hiện quét mã QR-Code. UBND các huyện, thành phố thực hiện việc kiểm tra, xử lý nghiêm, yêu cầu dừng hoạt động của các đơn vị nếu không có mã QR-Code.

- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết. Yêu cầu nhân dân giảm quy mô tổ chức đám cưới, đám tang, đám giỗ; không mời người từ các tỉnh, thành phố khác tham dự.

- Công an tỉnh, các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 đối với các tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Các cơ quan, công sở thuộc tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn tăng cường làm việc trực tuyến, nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ.

13. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại đơn vị để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn; thực hiện xét nghiệm tầm soát xác suất người lao động theo quy định.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến theo tình hình cấp độ dịch bệnh và chỉ đạo của UBND tỉnh. Chủ động phối hợp với các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện các biện phòng, chống dịch tại các trường THPT.

15. Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo lĩnh vực quản lý.

16. Chế độ thông tin báo cáo: Các huyện, thành phố thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh các vấn đề nảy sinh, thông tin cấp bách về tình hình, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời giải quyết.

Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này./.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com