Tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

07:08, 09/08/2019

Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước, giúp Việt Nam thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất thấp và khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Thực tiễn này nếu không có giải pháp cải thiện sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mới. Thông tin được khẳng định tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 7-8, tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thống kê, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ở mức 11.142 USD - mức rất thấp so với các nước trong khu vực: chỉ bằng 7,3% năng suất lao động Singapore, 19% Malaysia, 37% Thái Lan, 44,8% Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động Philippines. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể “bắt kịp” mức năng suất lao động của các nước.

Cụ thể, năm 2018, năng suất lao động ngành công nghiệp đạt hơn 154 triệu đồng/lao động, tăng 55,4 triệu đồng, tương đương tăng 4,5%, trong khi mức tăng bình quân 7 năm trước đó đạt từ 1,83% đến 3,1%. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ mang tính bứt phá thì mục tiêu tăng năng suất lao động 5,5% toàn ngành trong 5 năm, từ 2016-2020 khó hoàn thành. Quan trọng hơn nữa là vai trò “dẫn dắt” không đạt được như kỳ vọng - tác động tăng trưởng toàn nền kinh tế. Năng suất lao động khu vực kinh tế công nghiệp chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy cần có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất từng khu vực kinh tế và toàn nền kinh tế.

Từ thực tiễn mức tăng năng suất lao động Việt Nam thời gian qua cùng kiến nghị từ giới doanh nhân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất là thúc đẩy cải cách thể chế. Thứ 2 là tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động kể cả phía cung lẫn phía cầu. Thứ 3 là thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút tài năng trong và ngoài nước. Thứ 4 là phải xây dựng một cơ chế mở trong bộ máy Nhà nước để những người giỏi được tham gia quản trị, đáp ứng cơ cấu thị trường. Thứ 5 năng suất lao động có tương quan chặt chẽ với năng lực kỹ năng chuyên môn của người lao động cho nên vai trò của giáo dục là quyết định đối với năng suất lao động quốc gia. Cuối cùng, đầu tư cho công nghệ và đầu tư cho lao động phải tương thích với nhau thì mới phát triển được.

Hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. “Thực tiễn này cần sự nỗ lực từ cơ chế chính sách, từ từng doanh nhân - doanh nghiệp - từng người lao động” - đây là thông điệp được truyền đi từ Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com