Ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng tăng trưởng

08:05, 06/05/2019

Ngày 4-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ  trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng của năm 2019 tiếp tục diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách, đăng ký doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng khá. Về kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng trước đó. Tính chung 4 tháng, CPI tăng bình quân 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt 36,7% dự toán, chi ngân sách Nhà nước đạt 23,6% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 4 tháng tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ, giải ngân 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu hạ nhiệt, một số địa phương đã công bố hết dịch, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ so với tháng trước. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,8%, cao nhất trong khu vực.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực. Trước hết, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số CPI thấp nhất trong 3 năm gần đây, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, xuất khẩu tăng khá, nhất là với doanh nghiệp trong nước. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển ổn định, sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, nhiều nhà máy mới được khởi công và khánh thành, du lịch tăng trưởng. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao... Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ổn định và được tăng cường.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực như giải ngân vốn đầu tư công chậm, nắng nóng, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân. Xuất khẩu nhìn chung có tăng trưởng nhưng một số ngành công nghiệp, dịch vụ tăng chậm. Sản xuất, kinh doanh chưa có niềm tin mạnh mẽ về phát triển, còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc như xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia, ma túy...

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành có ngay giải pháp khắc phục, không để ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2019, rà soát lại các vấn đề bất cập của bộ, ngành mình để xử lý. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cố gắng hơn nữa, đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi cả trước mắt và trung hạn, bảo đảm ứng phó hiệu quả với các vấn đề đặt ra. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh quyết liệt, hiệu quả. Các thành viên Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa, tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt công tác này.

Ðối với một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, với tình hình giá cả hiện nay, vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới tăng trưởng rất quan trọng. Nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng phát triển nhanh chóng, bền vững, không vì tăng trưởng mà vi phạm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các bộ, ngành phải thường xuyên phân tích, đánh giá, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế, trong đó có giá dầu thô, các hàng hóa cơ bản, biến động chính sách tài khóa, tiền tệ... để có chính sách phù hợp, kịp thời. Trong vấn đề thông tin, truyền thông về chỉ đạo, điều hành giá phải làm tốt hơn, chủ động hơn, hiệu quả, định hướng dư luận tốt hơn. Một chủ trương đưa lên mà ảnh hưởng đến quyền lợi người dân phải lường hết vấn đề đặt ra để thông tin cho rõ, giải thích cho người dân hiểu, ủng hộ.

Thủ tướng lưu ý, chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát lạm phát là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện linh hoạt, hài hòa các công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, tín dụng... cùng với chính sách vĩ mô khác để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo đảm tín dụng tăng trưởng linh hoạt, hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, không để xảy ra tình trạng mất an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, siết chặt kỷ luật tài chính, quản lý thu chi đúng pháp luật, chống chuyển giá, trốn thuế, thất thu, nợ đọng thuế, áp dụng căn bản hóa đơn điện tử. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên như hạn chế mua sắm xe ô tô, thiết bị đắt tiền, chi phí tổ chức hội nghị, khánh tiết, công tác nước ngoài...

Về đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Ðầu tư công để trình Quốc hội và trình chủ trương xây dựng dự án Luật Ðầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Ðối với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện các dự án đầu tư công, cần thiết cắt bỏ một số dự án, chương trình do chủ đầu tư không giải ngân, không có công trình đi vào sử dụng, để từ đó chuyển vốn từ đơn vị này sang đơn vị khác giải ngân tốt hơn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành như sớm chấm dứt dịch bệnh, theo dõi tình hình thời tiết, nắng nóng để chống hạn hán, cung cấp nước cho sản xuất, đời sống; phát triển các dự án công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, trong đó chú trọng huy động nguồn lực cho các dự án điện, không để thiếu điện; xử lý nghiêm tiêu cực, sai phạm trong thi cử, bảo đảm không có vùng cấm, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, không để tiêu cực, sai phạm tái diễn./.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com