Hội thảo "Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam"

07:08, 20/08/2018

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2018), ngày 18-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.

Qua đó khẳng định công lao và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của Người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: “Hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đó là sự hy sinh phấn đấu cho lý tưởng của Đảng; cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo là dịp để tri ân Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Người đã có những đóng góp quan trọng vào xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tìền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở vùng đất Nam Kỳ.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao các tham luận đã thể hiện sự nghiêm túc trên cơ sở nguồn tư liệu lịch sử phong phú, làm sáng tỏ hơn thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Các tham luận không chỉ có giá trị về học thuật mà còn là sự bày tỏ tình cảm kính trọng, sâu sắc, niềm tự hào và sự tri ân của thế hệ đi sau đối với nhà lãnh đạo xuất sắc, đáng kính.

Nói về sự lựa chọn lý tưởng, con đường cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho rằng, đây là sự lựa chọn hợp quy luật, bắt nguồn từ sự thông tuệ của một người nồng nàn yêu nước, thương dân. Đó là sự lựa chọn tự nguyện của trái tim, một trí tuệ vượt trội của giai cấp công nhân, mở đầu cho một lý tưởng cộng sản, con đường yêu nước vì lợi ích của giai cấp, lợi ích của dân tộc.

Bằng lý luận thực tiễn, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú khẳng định Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người cộng sản tiêu biểu của giai cấp công nhân tiên phong; Người là một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức và là bài học sâu sắc đối với tổ chức Công đoàn.

Bài học của Người là sự kiên định, giữ vững lập trường giai cấp công nhân; là giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân; là gắn bó máu thịt giữa Tổ chức Công đoàn với công nhân… Cán bộ Công đoàn hôm nay cần phải tự hoàn thiện mình để thật sự thu hút, thuyết phục, vận động giai cấp công nhân. Tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để khẳng định là tổ chức duy nhất chăm lo, bảo vệ người lao động để góp phần hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước và giai cấp công nhân Việt Nam./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com