Giám sát việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh

08:03, 17/03/2017

Ngày 15-3-2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016” trên địa bàn tỉnh tại Sở Nội vụ và UBND Thành phố Nam Định. Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Giai đoạn 2011-2016, tỉnh đã tổ chức sắp xếp bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu quả. Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với thực tiễn và có tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội. Các chế độ chính sách của Nhà nước về công chức, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đào tạo… được triển khai thực hiện đúng quy trình, chế độ, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Hiện nay, cấp tỉnh có 17 sở và 3 đơn vị là Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; Ban quản lý các khu công nghiệp với 141  phòng, 18 chi cục và 167 đơn vị sự nghiệp công lập; cấp huyện gồm 120  phòng, ban; cấp xã có 229 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra có 10 Ban quản lý và Ban quản lý dự án; Ban chỉ đạo Điều phối nông thôn mới và Ban an toàn giao thông; Hội đồng Giám định y khoa. Tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đến tháng 12-2016 là 27.788 người. Số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 16.202 người. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, toàn tỉnh đã tinh giản 144 cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh luôn chú trọng tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Ứng dụng nhanh và đồng bộ công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý công việc của các cơ quan Nhà nước, đến năm 2016 tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã ứng dụng CNTT trong giao ban trực tuyến, điều hành, xử lý, giải quyết văn bản và các công việc chuyên môn trên môi trường mạng; 80% các văn bản, hồ sơ, dữ liệu, số liệu tại các cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện trở lên được số hoá và quản lý trên mạng máy tính. Chỉ đạo và thực hiện cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính Nhà nước đang áp dụng. Mở rộng phạm vi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan hành chính Nhà nước cấp phường, xã. Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các cơ quan hành chính, nhất là bộ phận một cửa, đảm bảo có đủ diện tích làm việc, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cần thiết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước và phục vụ tốt nhân dân, doanh nghiệp. Bố trí kinh phí mua sắm trang, thiết bị, phần mềm cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp theo hướng một cửa hiện đại. Do đó đã nâng cao chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương, thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được giao góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong thời gian tới, UBND tỉnh và UBND Thành phố Nam Định đề nghị Trung ương cần xây dựng cơ chế đánh giá hoạt động của một cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức bên trong trực thuộc cơ quan hành chính các cấp đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị trực thuộc, không nhất thiết Trung ương có tổ chức nào thì các địa phương phải có tổ chức đó. Tiếp tục nghiên cứu tách bạch chức năng quản lý hành chính Nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị sự nghiệp. Đẩy mạnh việc phân cấp nhiệm vụ cho chính quyền địa phương; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp. Hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với trách nhiệm và có chế tài nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.

Tại buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Sở Nội vụ và UBND Thành phố Nam Định làm rõ thêm những nội dung như: Công tác tinh giản biên chế. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành cải cách bộ máy hành chính. Nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thiếu biên chế cho ngành học mầm non, nhất là biên chế vị trí y tế, kế toán; việc huy động viên chức làm công việc của công chức ở ngành Giáo dục. Việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học và hỗ trợ một lần cho người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II về công tác tại tỉnh. Hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đối với cấp huyện, cấp xã…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của Sở Nội vụ và UBND Thành phố Nam Định để tổng hợp, phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV./.

Trần Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com