Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với Viện Chiến lược phát triển

08:12, 16/12/2014

Ngày 15-12-2014, UBND tỉnh có buổi làm việc với Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH và ĐT) về chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển và xây dựng phương án phát triển các ngành kinh tế biển. Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: KH và ĐT, TN và MT, GTVT, NN và PTNT; Văn phòng UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo tổng thể đặc điểm địa hình vùng biển, thực trạng đầu tư phát triển kinh tế biển, các yếu tố tác động tiêu cực đến sản xuất kinh tế biển; điểm hạn chế trong phát triển kinh tế biển và các đề xuất hỗ trợ để phát triển kinh tế biển của tỉnh. Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, tỉnh ta có 72km bờ biển, 4 sông chính là sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ, sông Đáy và đổ ra biển theo 4 cửa sông (cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn, cửa Ninh Cơ và cửa Đáy). Vùng biển chia làm 3 vùng kinh tế là đất liền, cận bờ và xa bờ. Để khai thác, phát triển kinh tế biển, tỉnh đã xác định, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết và lâu dài, từ đó tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm. Tỉnh đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng không ngừng cải tạo chất lượng con nuôi, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nuôi trồng, trong đó chú trọng cung cấp riêng nguồn nước; đẩy mạnh phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tuy nhiên do hạ tầng du lịch chưa phát triển mạnh nên kinh tế du lịch còn hạn chế. Hoạt động khai thác thủy sản đã phát triển đánh bắt xa bờ, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu; quan tâm phát triển hạ tầng bến cảng. Đã triển khai quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển như các KCN thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ, KCN Thịnh Long (Hải Hậu), KCN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); thành lập 5 CCN tại các huyện ven biển gồm: Thịnh Lâm (Giao Thủy), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu) với tổng diện tích 64ha. Trước mắt đang triển khai KCN Dệt may Rạng Đông quy mô 1.500ha, do Tập đoàn Vinatex đầu tư hạ tầng, dự kiến giữa năm 2015 sẽ giao đất để triển khai xây dựng hạ tầng. Hiện ở địa bàn 3 huyện ven biển đang có 12.400 cơ sở kinh doanh thương mại, du lịch hoạt động, có 52 chợ, chiếm 30% số chợ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội vùng ven biển tăng bình quân 21%/năm (bình quân của tỉnh đạt 23,6%/năm)… Về công tác quản lý, khai thác, phát triển tài nguyên biển, trong những năm gần đây tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành nâng cao công tác quản lý, sắp xếp lại cơ cấu nghề nghiệp và tổ chức lực lượng sản xuất, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý, bảo đảm hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển do quá trình khai thác, sản xuất gây ra. UBND tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo Biển đảo của tỉnh; thành lập Chi cục Biển thuộc Sở TN và MT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về biển và hải đảo; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, khoanh vùng và xử lý các vi phạm gây ô nhiễm, triển khai một số dự án BVMT biển bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và phí BVMT. Tập trung đầu tư, hỗ trợ cho các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng mua sắm trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ trên biển, xây dựng một số đồn, trạm kiểm soát nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan mà đặc biệt là do hạn chế về đầu tư hạ tầng nên đến nay, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Sản xuất vùng ven biển còn nhiều hạn chế, quy mô sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm, mức độ đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư còn hạn chế, xuất khẩu hàng hóa tuy có bước tiến bộ nhưng quy mô còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng…

Để sớm đạt mục tiêu đưa Nam Định thành tỉnh mạnh về biển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng biển, làm giàu từ biển; phát triển các ngành, nghề biển mà tỉnh có lợi thế theo hướng hiện đại với tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao và tầm nhìn dài hạn, tỉnh đề nghị Viện Chiến lược phát triển tổng hợp, đề xuất với Chính phủ một số nội dung nhằm tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, đề nghị sớm cho thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, hiện các điều kiện để hình thành Khu kinh tế đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, bão ngày càng khắc nghiệt, cường độ lớn, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chương trình kiên cố đê biển với thiết kế chống bão cấp 12 trong điều kiện triều cường. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Bộ TN và MT công bố thì Nam Định là một trong những tỉnh chịu những tác động nặng nề do nước biển dâng, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đề nghị Chính phủ xác định và tạo điều kiện để tỉnh được tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com