Hội nghị trực tuyến thảo luận, góp ý về một số Đề án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII

07:05, 02/05/2012

Ngày 27-4-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến thảo luận, góp ý kiến về một số Đề án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ trì hội nghị. Về phía tỉnh ta, tham dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về các nội dung của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Việc xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời đây cũng là việc làm thiết thực góp phần chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo đó Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội tập trung vào các giải pháp đổi mới về các hoạt động: lập pháp, giám sát, việc quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri…

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đề án được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 9-11-2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Mục tiêu của Đề án là tái cơ cấu từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh, không ngừng gia tăng khả năng và tiềm lực của đất nước trong việc đối phó thành công với những bất ổn, biến động thị trường trong và ngoài nước; thiết lập và phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng; từng bước và liên tục cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn… Đề án nêu lên 13 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế. Các nội dung và định hướng chủ yếu của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm: Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế…
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện để trình lên Quốc hội trong kỳ họp thứ ba sắp tới./.

Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com