Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

07:10, 28/10/2011

Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012


Ngày 27-10, ngày làm việc thứ sáu, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011- 2015; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Chú trọng phát triển bền vững

Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, đa số ý kiến của các đại biểu QH phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ theo định hướng đã được Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI thông qua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có phương án cụ thể, bảo đảm thắng lợi kế hoạch 5 năm. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị, trong hai, ba năm đầu của kế hoạch 5 năm Chính phủ cần tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với phát triển bền vững.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta trong ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta trong ngày làm việc thứ tư,
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như kế hoạch Chính phủ đưa ra được nhiều đại biểu đồng tình ủng hộ. Ðại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) và đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, có chính sách tạo điều kiện tiếp tục xã hội hoá đầu tư. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống, giảm tỷ trọng dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó, cần có chính sách tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế, giảm chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch và một số đại biểu khác đề nghị, Chính phủ khẩn trương đánh giá, rà soát lại một cách toàn diện các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước thua lỗ để kịp thời xử lý vốn, tài sản, nợ của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý theo hướng các doanh nghiệp phải tập trung vào kinh doanh các ngành nghề chính. Cùng với đó, từng bước nghiên cứu chuyển một số tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả sang tập đoàn tư nhân.

Các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Văn Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, Chính phủ cần chú trọng tái cơ cấu đầu tư công theo hướng tăng cường các nguồn đầu tư ngoài nhà nước, qua đó, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Cùng với việc tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần đề cao việc công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, đầu tư của các đơn vị kinh tế nhà nước. Trên thực tế, đầu tư công hiện nay đang triển khai dàn trải, hiệu qủa kém, vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ để rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Nước ta còn nghèo, nguồn lực có hạn cho nên việc đầu tư công cần cân nhắc cụ thể, lựa chọn và nên tập trung đầu tư các khu kinh tế trọng điểm, có khả năng thúc đẩy nền kinh tế phát triển...

Nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 khoảng 6,5% đến 7% như phương án Chính phủ đưa ra là hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, đại biểu Mai Hữu Tính (Bình Dương) cho rằng, để đạt được mục tiêu nói trên, Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, mang tính đột phá, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Liên quan đến các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhiều đại biểu đề nghị năm 2013 và 2014, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 6% và tăng từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong kế hoạch 5 năm tiếp theo tăng dưới 5% như các nước có nền kinh tế phát triển ổn định khác. Ðại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào sự điều hành của Chính phủ. Do vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường tính dự báo để tạo điều kiện chủ động trong điều hành nền kinh tế.

Nhiều đại biểu QH đề nghị, Chiến lược phát triển trong 5 năm tới cần bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ðồng thời tán thành các giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong 5 năm 2011-2015, trong đó tập trung  bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững; củng cố mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người đến tuổi lao động. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần tiếp tục có chính sách  hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Ðại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) và đại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng) đề nghị, về chiến lược dài hạn, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới, cần có sự đầu tư tương xứng, vì đây là chương trình tổng thể nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Cùng với các nội dung nói trên, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm từng bước tăng đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; các biện pháp bảo vệ môi trường; các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần giải quyết

Thảo luận về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ, nhiều ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với những nội dung nêu trong báo cáo. Năm 2011, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Chính phủ đã phân tích kỹ tình hình, tham vấn các chuyên gia và kịp thời điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Ðó là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, mang lại nhiều kết quả tích cực, lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác dự báo, điều hành thị trường và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục nhằm tạo chuyển biến trong thời gian tới. Nhiều đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được trong năm 2011 mới chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Ðại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác cho rằng, mặc dù chỉ có 6 trong số 22 chỉ tiêu theo Nghị quyết của QH dự báo không đạt, nhưng trong đó có hai chỉ tiêu rất quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng của nền kinh tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với Nghị quyết của QH. Theo đại biểu này, các giải pháp kiềm chế lạm phát thực hiện thời gian qua không phát huy hết hiệu quả một phần do sự điều hành chưa kịp thời và việc cắt giảm đầu tư công theo kế hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc. Cùng với hạn chế trong phát triển kinh tế, nhiều đại biểu cũng nêu ra những bất ổn trong xã hội hiện nay như đạo đức xuống cấp, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn ở mức đáng lo ngại; tình trạng lạm thu trong giáo dục, y tế còn xảy ra khá phổ biến.

Quan tâm đến tình hình lạm phát năm 2011, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Ðà Nẵng) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao là chính sách tiền tệ chưa chặt chẽ, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường ít, thành lập quá nhiều ngân hàng thương mại trong khi công tác quản lý còn yếu kém. Lạm phát cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, nông dân, người hưởng lương nhà nước... Vì vậy, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là một trong những việc cấp bách nhưng cần thận trọng và có bước đi thích hợp để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng hiện nay là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Các đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Nguyễn Bá Thanh (Ðà Nẵng) đề xuất, cần chuẩn bị đầu tư xây dựng đường cao tốc xuyên Việt (Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) để khắc phục nhược điểm quốc lộ 1 hiện quá hẹp, không đáp ứng được nhu cầu giao thông bắc - nam, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần từng bước nâng cấp hệ thống đường sắt, giảm phương tiện cá nhân, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông... Ðể giảm thiểu hiện tượng ùn tắc và tai nạn giao thông cần sự vào cuộc, đồng lòng của các cơ quan, bộ, ngành liên quan với những giải pháp cương quyết và đồng bộ.

Cân đối các nguồn đầu tư cho phát triển

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, nhiều đại biểu cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 6% đến 6,5% như kế hoạch đề ra là có cơ sở, nhưng để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần chú trọng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Ðối với các biện pháp kiềm chế lạm phát, một số đại biểu cho rằng, năm 2012 dự báo sẽ có ít khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới, do vậy đề nghị phải kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số và có giải pháp nhằm giảm chỉ số giá tiêu dùng theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) và một số đại biểu khác đề nghị, cần giảm lạm phát từ từ nhằm bảo đảm phát triển ổn định, tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần kiểm soát chặt đầu tư công, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc cắt giảm đầu tư công phải có lộ trình, hạn chế cắt giảm đầu tư các công trình hạ tầng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Một số đại biểu đề nghị, việc đầu tư cho phát triển trong năm tới cần có sự điều chỉnh nhằm cân đối giữa đầu tư cho phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục. Cùng với đó, Chính phủ cần đánh giá chính xác và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ nghèo; tăng cường củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Rà soát đánh giá lại toàn bộ chính sách an sinh xã hội nhằm giải quyết những bất cập hiện nay. Ðại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đề nghị, Chính phủ cần có chiến lược phát triển đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa giáo dục, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân, một số đại biểu đề nghị cần có giải pháp nhằm tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh. Ðại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) và một số đại biểu khác cho rằng, các báo cáo của Chính phủ mới tập trung về các chương trình phát triển kinh tế mà chưa đề cập sâu về tình hình văn hóa, xã hội. Hiện nay, trong lĩnh vực này đang tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Ðó là tình hình tội phạm gia tăng, nhất là trong thanh niên, thiếu niên; tình trạng quá tải các bệnh viện; tín dụng đen; bạo lực học đường; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp... Ðối với những vấn đề nêu trên, Chính phủ cần đưa ra những nguyên nhân và nêu rõ những giải pháp cần thiết để triển khai thực hiện trong năm sau.

Ðại biểu Thạch Huôn (Sóc Trăng) phát biểu ý kiến khẳng định những chính sách của Ðảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã có những tác động tích cực đối với đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ chính sách hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở, vốn vay... nhiều người dân ở các xã nghèo, khó khăn đã thoát nghèo và vươn lên. Ðể đời sống của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục được nâng cao trong năm tới, Hòa thượng Thạch Huôn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất có chất lượng cao; tăng cường các hoạt động cụ thể nhằm chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Các đại biểu QH cũng đóng góp ý kiến và đề xuất nhằm tăng cường kiểm tra các dự án đầu tư, khai thác khoáng sản để nâng cao chất lượng công tác quản lý và hiệu quả sử dụng quỹ đất cũng như nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.  Tiếp tục nghiên cứu, phân tích về nợ công để làm rõ mức nợ công an toàn đối với nền kinh tế nước ta và đề ra những giải pháp nhằm giảm nợ công trong thời gian tới...     

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com