Nghề mây tre đan từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực). Người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền câu ca quen thuộc, thể hiện niềm tự hào về nghề: “Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ”.
Công đoạn chẻ nan là một trong những công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật. |
Thời hưng thịnh, những đứa trẻ Thạch Cầu từ khi lên tám đã thoăn thoắt tay đưa tre đan. Những cụ ông, cụ bà dù đã qua độ tuổi 70 vẫn cặm cụi gắn bó với nghề. Chính điều đó đã giúp cho nghề truyền thống của Thạch Cầu gìn giữ và phát triển. Ngoài sản phẩm chính là thúng, làng nghề Thạch Cầu còn đan các loại rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, giậm, lờ (đánh bắt cua, cá); bu (nhốt gia súc, gia cầm) bằng tre, nứa.
Đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. |
Gia đình ông Vũ Duy Hiển là một trong những hộ có truyền thống 3 đời gắn bó với nghề. Có thời điểm cả gia đình 7-8 người đều tập trung làm nghề. Năm nay, dù đã trên 70 tuổi, nhưng ông Hiển vẫn thoăn thoắt tay dao, tay cưa để pha tre đan nia, đan thúng. Ông cho biết, nghề đan mây tre cũng không quá công phu, ai cũng có thể làm được, nhưng kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tốt phải kể đến công đoạn lựa chọn nguyên liệu. Mây và tre để đan đều phải già. Dóng tre càng dài, càng thẳng thì càng tốt. Tre và mây sau khi chặt về phải ngâm dưới ao tối thiểu một tháng để chống mối mọt rồi mới mang lên pha. Người pha tre khéo thì phải tính toán, cân đối để cả cây tre không phải bỏ đoạn nào. Dóng thẳng thì làm nan chính, phần ngọn và gốc dùng để làm cạp và nan dát… (đan thúng thường dài khoảng 70-80cm; đan nong, nia thì từ 1m trở lên); phần ngọn và gốc dùng để làm cạp thúng và nan dát (dài từ 40-50cm). Toàn bộ công đoạn pha tre, chẻ nan phải làm liên tục và nhanh bởi để lâu thì tre bị “quánh” (khô). Những sợi mây cũng phải lựa những đoạn già, chẻ mỏng, phơi săn, đến khi buộc lại phải ngâm nước cho mềm, lột thêm một lần nữa cho mỏng…
Nghề mây tre đan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá của người dân Thạch Cầu. |
Kỹ thuật nhất là công đoạn chẻ nan chính. Dụng cụ để chẻ phải là dao cán dài (khoảng 30-35cm), sống dao phải dày, lưỡi mài sắc. Nan chẻ xong thì đan thành phên, chêm chặt, “cải” bốn xung quanh bằng nan dát rồi đem ra lò hun khói rạ. Lò hun thường được đặt ở sau vườn hoặc chái nhà, sâu khoảng 1m, hình tròn, đường kính bằng miệng thúng (khoảng 70cm); rạ sau thu hoạch được để riêng ở nơi khô ráo, trước khi hun phải băm nhỏ thành từng đoạn dài cỡ 5cm. Cạp (vành) thúng sau khi được cố định bằng khuôn hình tròn (đường kính bằng miệng lò) cũng phải hun trong lò để uốn cho tròn. Mỗi mẻ hun được từ 15-20 phên thúng và cạp thúng, hun liên tục trong khoảng 20-25 phút rồi mới mang ra cạp (định hình cái thúng) “nứt” mây (buộc cạp). Sau đó thúng được vỗ cho tròn, đều rồi lại phải úp ngược hun tiếp một lần nữa trong lò khi nào lên màu “cánh gián” mới đạt tiêu chuẩn, vừa đẹp màu vừa chống mọt và bền. Mỗi ngày một hộ có từ 2-3 lao động làm được 2-3 cái thúng thành phẩm. Thúng Thạch Cầu tròn đều, đan khít, cạp chặt, lại được hun kỹ nên bền đẹp nức tiếng xa, gần.
Sản phẩm làm đến đâu đều được thương lái về tận nơi thu mua. |
Trước kia mây, tre được trồng nhiều ở trong xã, cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho thôn. Tuy nhiên, có thời điểm sản phẩm tiêu thụ mạnh, người dân còn nhập nguyên liệu ở các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Từ khi đổi mới, các sản phẩm tương tự bằng chất liệu nhôm, nhựa, inox ra đời thì sản phẩm đan lát mây tre ở Thạch Cầu mất dần vị thế, làng nghề sa sút, mai một. Lao động dần chuyển đi làm những công việc khác thu nhập cao hơn. Cả thôn hiện tại chỉ còn vài hộ giữ nghề nên nguồn nguyên liệu tại địa phương không còn được duy trì, những người làm nghề phải xuống tận huyện Hải Hậu để mua.
Ngoài sản phẩm chính là thúng, người dân Thạch Cầu còn đan các loại: rổ, rá, mủng... |
Dù các sản phẩm hiện đại có nhiều tiện ích song thúng tre, rổ tre vẫn có những giá trị riêng với một số công việc nhà nông. Do vậy, sản phẩm làm ra đến đâu đều có thương lái về tận nơi thu mua. Ngoài sản phẩm chính là thúng, để thích ứng với yêu cầu thị trường, tận dụng kinh nghiệm tay nghề, người làm nghề đan lát ở thôn Thạch Cầu đan thêm các loại nia, phên phơi thuốc.
Hiện tại những người còn gắn bó với nghề tuổi đời đều đã cao, mỗi ngày cố gắng cũng chỉ làm được 1 đến 2 cái thúng, nhưng với họ, thu nhập cũng không phải là việc quan trọng bằng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông./.
Thực hiện: Hồng Minh - Thanh Hoa