Giữ gìn nghề làm nón lá truyền thống ở thị trấn Cát Thành
.

Giữ gìn nghề làm nón lá truyền thống ở thị trấn Cát Thành

16:18, 27/05/2024

 

Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) được sáp nhập từ 2 xã Trực Cát và Trực Thành. Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở thị trấn Cát Thành gần 60 năm nay. Theo người dân kể lại, khi đó các cụ: Lưu Văn Đường, ở xóm Hòa Lạc và Nguyễn Văn Phiếm, ở xóm Bắc Hòa đi học nghề khâu nón tại Hà Nội và huyện Nghĩa Hưng rồi về truyền nghề lại. Làng Hương Cát thuộc xã Trực Thành (cũ), nơi khởi nghiệp làm nón lá hiện nay gồm các tổ dân phố: Bắc Hòa, Trung Hòa, Hòa Lạc, Việt Hưng, Nam Tiến, Tây Sơn. Nghề làm nón lá không chỉ tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ gia đình, của nhiều thế hệ mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

 

Để làm được một chiếc nón lá, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công.

 

Nghề làm nón lá ở đây hưng thịnh nhất là từ năm 1966, khi HTX Nông nghiệp Trực Thành thành lập tổ khâu nón do ông Phiếm làm tổ trưởng, ông Đường phụ trách kỹ thuật; được giao đi học nghề và truyền lại cho nhân dân. Nguyên liệu chính để làm nón được mua ở làng nón Đào Khê, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), còn tre làm vành, mo thì được đội thu mua của HTX đi xe đạp lên tận huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) chở về. Nghề làm nón khi được mở mang, phát triển ở địa phương đã góp phần thay đổi đời sống của người dân làng Hương Cát. Dần dần, cả làng Hương Cát ai cũng biết nghề làm nón, từ trẻ con đến người già đều có thể làm. Thời điểm cực thịnh, nghề làm nón lá ở làng Hương Cát thường xuyên có từ 80-90% số hộ tham gia. Hộ ít thì có 1-2 người, hộ nhiều thì cả nhà 4-5 người tham gia. Có thời điểm cả làng Hương Cát và vùng xung quanh thường xuyên có gần 1.000 tay kim thành thục làm nghề.

 

Trung bình mỗi ngày, một người thợ làm được 1-2 chiếc nón.

 

Bà Nguyễn Thị Ngoan là một trong những người đầu tiên của làng được học nghề khâu nón và làm việc cho HTX Nông nghiệp Trực Thành, khi đó bà mới vừa 18 tuổi. Lấy chồng cùng làng nên bà vẫn duy trì nghề làm nón. Khi đó, mỗi chiếc nón được quy ra điểm, từ 5 đến 10 điểm/1 chiếc nón và từ số điểm này cộng lại để đổi lấy thóc. Vì vậy, cả gia đình bà đều miệt mài làm nón. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn miệt mài làm nón.

 

Để làm được một chiếc nón, tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn thủ công và phần việc nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn như: lên vành, lợp lá (3 lớp), khâu (chằm), cạp vành… Thường thường, nón Hương Cát dùng khoảng 15 cái vành, vành cạp nón to nhất gọi là vành cái có đường kính khoảng 40cm. Một ngày, mỗi người làm được từ 1 đến 2 chiếc nón, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Có nhiều người biết làm nón từ khi còn nhỏ.
Có nhiều người biết làm nón từ khi còn nhỏ.

 

Hiện tại, nghề khâu nón vẫn được duy trì và phát triển, tuy không còn thu hút nhiều người tham gia nhưng vẫn có vài chục hộ làm nghề với 2 loại sản phẩm chính là nón suông và nón thêu. Nón suông có giá bán khoảng 40-80 nghìn đồng/chiếc; nón thêu đắt hơn, có giá từ 150 nghìn đồng, thậm chí đến trên 200 nghìn đồng/chiếc. Ngày công của người làm nón suông chỉ khoảng từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày; còn làm nón thêu thì có mức thu nhập cao hơn, khoảng 80 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Nón lá Hương Cát bền, đẹp, hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ nên thường được các đại lý tìm về tận nơi thu mua mang đi các nơi tiêu thụ.

 

Nón lá Hương Cát bền, đẹp thường được các đại lý tìm về tận nơi mua.

 

Nghề làm nón phát triển, tại thị trấn Cát Thành hiện đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên nhận cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm nghề. Tuy thu nhập bình quân của người làm nón còn khiêm tốn so với các nghề khác nhưng người dân nơi đây luôn giữ nghề, vừa để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương./.

Thực hiện: Hồng Minh - Thanh Hoa



Xem thêm bình luận