Rộn ràng mùa dưa
.

Rộn ràng mùa dưa

20:39, 14/05/2024

 

Tháng 5, khi ánh nắng mùa hè chói chang thì mùa dưa hồng ở Nam Hùng (Nam Trực) cũng bắt đầu. Vào những ngày này, trên những cánh đồng dưa bát ngát của xã luôn sực nức mùi dưa chín và rộn rã tiếng nói cười. Mùa dưa hồng năm nay, người trồng dưa ở Nam Hùng cho biết được mùa, giá cả ổn định. Vì thế, bà con nông dân càng thêm phấn khởi, quyết tâm duy trì và phát triển giống dưa quý, nổi tiếng thơm ngon của địa phương.

Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) thu hoạch dưa hồng.
Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) thu hoạch dưa hồng.

Giữa cơn mưa buổi sáng bất chợt, anh Hoàng Đức Độ, xóm Đông Cổ Gia, xã Nam Hùng vừa tranh thủ cắt dưa vừa trò chuyện cùng chúng tôi. Anh Độ cho biết: “Nghề trồng dưa ở Nam Hùng có từ lâu đời. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ trồng dưa. Tuy nhiên, dưa hồng chỉ thực sự trở thành cây trồng chủ đạo trong khoảng hai chục năm trở lại đây. “Hợp” chất đất, thổ nhưỡng nên các ruộng dưa của bà con nông dân trong xã luôn sai trĩu, cho vị thơm ngọt. Mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi trồng dưa hồng, tuy nhiên theo đánh giá của người sành ăn, dưa hồng ở Nam Hùng vẫn là ngon nhất”, anh Độ tự hào.

Niềm vui của những người nông dân khi thu hoạch dưa.
Niềm vui của những người nông dân khi thu hoạch dưa.

Tuy nhiên, cũng theo anh Độ, nghề trồng dưa hồng cũng lắm “công phu”. Để trồng dưa hồng, anh chọn mua giống dưa Nông Hữu đưa từ miền Nam ra rồi ươm lên bầu. Trong thời gian chờ cây ở trong bầu lớn, anh tranh thủ dọn cỏ sạch sẽ, làm luống cẩn thận trên đồng rồi mới đưa cây ra trồng. Cách 40 phân anh trồng một cây, mật độ trung bình từ 500-550 cây/sào. Khác với một số hộ gia đình trong xã trồng theo phương pháp cho dưa leo giàn, anh Độ vẫn áp dụng cách trồng “truyền thống”, cho dưa bò trên mặt ruộng. Khi cây dưa lên khoảng 3 lá, anh bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây đẻ nhánh. Cây dưa được 6-8 lá, anh ngắt ngọn thường xuyên, giúp cây ra quả sai, đều, đẹp. Thân dưa dài khoảng 40 phân, anh Độ tiếp tục bón thúc cho cây. Không chỉ chú trọng các khâu chọn giống, chăm bón dưa, quá trình trồng dưa hồng, anh Độ còn thường xuyên phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Từng chuyến xe dưa được chở đi tiêu thụ.
Từng chuyến xe dưa được chở đi tiêu thụ.

“Dưa hồng nói riêng, các giống dưa nói chung thường mắc một số bệnh như vàng lá, bọ trắng nên ngoài kiểm tra sâu bệnh thường xuyên tôi còn sử dụng một số loại thuốc để phun cho cây. Tôi còn dùng ni lông phủ kín xung quanh bờ ruộng, hoặc đánh luống cao, hạn chế sâu bệnh xâm nhập vào thân cây. Một đặc điểm nữa của cây dưa hồng là rất “háo nước” nên tôi cũng rất chú trọng việc cung cấp nước tưới, giữ ẩm cho chân đất trồng dưa”, anh Độ cho biết thêm. Áp dụng nhiều phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc dưa hiệu quả, hàng năm ruộng dưa hồng của anh Độ cho năng suất cao. Riêng vụ dưa năm nay, ruộng dưa của anh đạt 8-9 tạ/sào.

Người dân bán dưa ngay tại ruộng.
Người dân bán dưa ngay tại ruộng.

Với 8 sào dưa, anh Độ ước tính đến cuối vụ, gia đình thu được khoảng 10 tấn dưa. Với giá bán buôn 10 nghìn đồng/kg, bán lẻ 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào dưa mang về cho anh Độ 10 triệu đồng/sào. “Đây là mức thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa”, anh Độ khẳng định.

Thời gian thu hoạch ngắn, hiệu quả kinh tế vượt trội lại có thể tận dụng giữa các rãnh luống để trồng thêm một số loại cây khác như kê, ngô… nên diện tích trồng dưa ở Nam Hùng ngày càng mở rộng. Thôn xóm nào trong xã cũng có hộ trồng dưa, nhà ít cũng trồng 5 sào, nhà nhiều trồng tới 1 mẫu. Một số hộ trong xã trồng dưa với diện tích lớn như gia đình các anh: Độ, Bảo, Thản… Nghề trồng dưa của xã phát triển, trong xã hiện cũng hình thành khá nhiều các đại lý thu mua. Các loại dưa sau khi được thu gom sẽ được phân loại và đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hộ trồng dưa, do đó không phải lo về đầu ra.

Mùa dưa năm nay được mùa, được giá.
Mùa dưa năm nay được mùa, được giá.

Mời chúng tôi quả dưa hồng thơm nức, bở tơi ngay tại ruộng, anh Độ hồ hởi: “Người trồng dưa trong xã hiện nay đều rất ý thức về việc trồng dưa sạch. Vì vậy, quá trình trồng dưa, chúng tôi hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu vừa để bảo vệ sức khỏe bản thân vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là hướng phát triển nghề lâu dài của bà con nông dân trong xã, cách chúng tôi “sống” được với nghề”.

Tạm biệt những cánh đồng dưa rộng lớn ở Nam Hùng trong hương thơm ngọt ngào của những lứa dưa đang chín tới; tạm biệt những người trồng dưa chân chất, giản dị, nhiệt huyết với nghề, chúng tôi mong sao những mùa dưa tiếp tới của bà con nông dân nơi đây tiếp tục được mùa, được giá, gặt thu “quả ngọt”./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh

 



Xem thêm bình luận