Trong bài thơ “Tiếng chổi tre” nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả hình ảnh những người làm nghề quét dọn vệ sinh môi trường bằng những câu thơ: “Những đêm hè. Khi ve ve. Đã ngủ. Tôi lắng nghe. Trên đường Trần Phú. Tiếng chổi tre. Xao xác hàng me. Tiếng chổi tre. Đêm hè. Quét rác”... Đó là những người lao động bình dị quanh năm lặng lẽ, âm thầm nhẫn nại quét dọn phố phường. Để, mỗi sáng mai thức dậy, phường phố sau một đêm “ngủ dài” thêm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Theo chân chị Đỗ Thị Hà, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định sau vài giờ làm việc mới thấy hết được sự nhọc nhằn, vất vả của nghề quét rác. Đã hơn 15 năm làm nghề quét, thu gom rác, bản thân chị Hà cũng không thể nghĩ rằng mình có thể bám trụ lâu dài với nghề. Có lẽ, do cuộc sống mưu sinh “cơm áo, gạo tiền”, xa hơn nữa là ý nghĩa công việc mang lại cho xã hội đã thôi thúc người phụ nữ ấy luôn hăng say, miệt mài với nghề.
Thấm những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng mưa, chị Hà tâm sự: "Nghề quét rác không phải cứ tranh thủ đi làm thật sớm là có thể được về sớm nghỉ ngơi. Chúng tôi phân theo ca kíp làm việc cố định. Ca làm nào cũng có những ưu, nhược điểm riêng. Ca sáng thì phải dậy từ 4-5 giờ, ca trưa thì nắng chang chang. Nghề quét rác vốn rất vất vả, cực nhọc lại dễ bị nhiễm độc. Tủi thân nhất là những ngày gió bão, tết nhất, chúng tôi không có nhiều thời gian để lo cho gia đình, chồng con do còn bận tăng ca”. Theo quy định với công nhân quét rác, họ làm việc theo ca, hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt trong những ngày lễ, tết, lượng rác thải lại càng nhiều nên công việc càng vất vả hơn.
Cuối tháng 5, trong ánh nắng hè gay gắt, đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định, chúng tôi còn bắt gặp nhiều tốp công nhân môi trường đang cặm cụi nhặt nhạnh, quét dọn rác. Mặc hơi nóng hầm hập thiêu đốt phố phường, mặc kệ sự vội vã của người đi đường, họ vẫn lặng lẽ, âm thầm làm việc. "Khổ nhất là những ngày mưa bão, đường ngập nước, ngập rác, công việc của chúng tôi vì thế càng thêm vất vả”, chị Hà chia sẻ. |
Có thâm niên 20 năm trong nghề quét rác, hàng ngày khi đi làm chị Nguyễn Thị Huệ luôn tâm niệm: Phải quét hết rác chứ không phải làm hết giờ. Để bắt đầu một ngày làm việc mới, chị Huệ thường thức dậy từ 4 giờ lo cơm nước cho chồng con rồi mới vội vã lên xe đạp đến chỗ “tập kết” đi làm. Hè cũng như đông, mùa nào trong giỏ xe của chị luôn có vài ba chai nước đá để vừa làm vừa uống cho đỡ khát. Nhiệm vụ của chị Huệ hôm nay là quét sạch rác trên tuyến phố Mạc Thị Bưởi dài gần 1km với hàng trăm hộ dân sinh sống. Bắt đầu công việc khi trời chưa sáng đến khoảng 9 giờ chị Huệ đã xong nhiệm vụ. Xong việc, chị không vội về nhà ngay mà còn đạp xe kiểm tra một lượt suốt dọc tuyến đường. Phát hiện có bịch rác nào của hộ dân mới bỏ ra đường chị lại tiếp tục thu gom, dọn dẹp. Tranh thủ trên đường đi làm về chị rẽ qua chợ mua thức ăn, làm việc nhà, “chờ” đến chiều để bắt đầu ca làm việc mới từ 18 giờ đến hơn 21 giờ. Mùa hè nóng nực, mùa đông giá buốt, tiếng chổi của chị Huệ chưa một ngày dừng nghỉ.
Ngoài những cực nhọc, chị Huệ cũng như nhiều lao công khác còn phải đối mặt với những nguy hiểm, độc hại của nghề: “Không ít lần tôi bị sắt thép hay thủy tinh trong bịch rác đâm vào tay chảy máu, thậm chí có lần dị vật trong bịch rác phát nổ bắn vào người gây bỏng rát. Chưa kể, do đặc thù công việc đi sớm về muộn, chúng tôi gặp phải đủ hạng người trong xã hội, nghiện ngập, “ngáo đá”, trộm cắp đều có cả. Chúng trêu ghẹo, hoặc xin “đểu”, hoặc đòi mượn xe để chở đồ ăn cắp. Khi đó, chị em chỉ còn biết đánh kẻng báo động gọi nhau cùng hỗ trợ hoặc chạy vào đồn Công an gần nhất. Còn có những trường hợp đi thu rác trong dân bị chủ nhà trêu ghẹo, buông những lời lẽ khó nghe. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù đã được trang bị áo phản quang, nhưng do đêm hôm khuya vắng, các lái xe thường phóng nhanh, vượt ẩu nên tỷ lệ công nhân quét rác bị tai nạn cũng không ít”, chị Huệ cho biết thêm.
Nhọc nhằn, vất vả nhưng chị Hà, chị Huệ cũng như hàng trăm anh chị em làm nghề dọn vệ sinh môi trường chưa bao giờ nghĩ đến việc… bỏ nghề. Bởi với họ, nghề cũng là “nghiệp”, là niềm vui được thấy thành phố “sáng” lên mỗi ngày sau những giọt mồ hôi, nhát chổi. Chúng tôi hỏi các chị, có “băn khoăn” gì không trong công việc thì họ chia sẻ, chủ yếu là về ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân. Nhiều người có ý thức nhai 1 cái kẹo cao su, uống 1 hộp sữa cũng tìm thùng rác để bỏ, nhưng cũng có nhiều người ăn 1 quả quýt, uống xong ấm nước chè mang... đổ toẹt ra vỉa hè, lòng đường. Họ coi đó là nơi xả rác, không ảnh hưởng đến nhà mình. Nhiều khi công nhân mới quét dọn sạch đường phố, đẩy xe rác đi được vài bước, có người đã ném bịch rác sau lưng. Khi bị nhắc nhở, một số người còn sẵng giọng, “không có rác, lấy việc đâu ra cho các bà làm”. Những lúc như thế, chúng tôi cũng thấy tủi. Vì vậy, mong muốn của anh chị em lao công là, “cần phải nâng cao ý thức vệ sinh môi trường hơn nữa cho người dân, phần để giảm bớt gánh nặng cho công việc của chúng tôi, phần để xây dựng nét văn hóa đẹp hơn”.
Những năm gần đây, với sự quan tâm về các chế độ chính sách, công việc và các đãi ngộ đối với công nhân môi trường nói chung ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm, gắn bó với nghề nghiệp. Chị Hà, chị Huệ cũng như nhiều anh chị em trong công ty vì vậy rất phấn khởi, thêm yêu nghề, quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” vì một thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.
“Nhớ em nghe. Tiếng chổi tre. Chị quét. Những đêm hè. Đêm đông gió rét. Tiếng chổi tre. Sớm tối. Đi về. Giữ sạch lề. Đẹp lối. Em nghe”… Giữa phố phường ồn ào, tấp nập, chỉ cần chú ý một chút thôi, bất cứ lúc nào ta cũng nghe được những tiếng chổi tre cần mẫn, miệt mài của các cô, các bác, các chị làm nghề lao công. Để thấy rằng mỗi con đường ta qua, mỗi đoạn đường ta tới đều mang dấu ấn của những con người làm những công việc lặng thầm, hữu ích./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân – Văn Huỳnh