Xứng danh Vị tướng - Anh hùng
.

Xứng danh Vị tướng - Anh hùng

16:41, 26/04/2024

 

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Nguyễn Huy Hiệu, quê xã Hải Long (Hải Hậu), nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng (Khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chiến đấu và tham gia bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Ông là “hiện sinh” cao đẹp, trân quý về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống yêu nước, anh hùng của đất và người Nam Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứng danh với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kì kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang”. 

 

 

Chúng tôi - phóng viên Báo Nam Định vinh dự nhiều lần được gặp và nghe Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể chuyện những kỷ niệm cao đẹp về tình quân dân, nghĩa đồng bào; về những chiến công anh dũng của anh Bộ đội Cụ Hồ trên các mặt trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết nên. Những huyền tích chiến công của Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu và các đồng chí, đồng đội nơi chiến trường “Túi bom, vựa đạn” càng tỏ sáng chân giá trị đó với chân lý bất diệt của dân tộc và Nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh “Từ những năm đau thương chiến đấu. Đã ngời lên nét mặt quê hương… Ôm đất nước những người áo vải. Đã đứng lên thành những anh hùng”.

 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Sinh năm 1947, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 2 năm 1965, ông vào quân ngũ; từ năm 1968 đến 1972, là những tháng ngày chiến đấu cùng Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Đỏ - Nghệ An, sau này là Trung đoàn Triệu Hải đã tôi luyện và gắn liền với những chiến công của vị “Anh hùng trận mạc” Nguyễn Huy Hiệu. Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

 

 

Năm 1967, từ anh binh nhì, Nguyễn Huy Hiệu phấn đấu lên tổ trưởng tổ ba người, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, rồi Chiến sĩ Quyết thắng và chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng; lễ kếp nạp Đảng được tổ chức ngay nơi chiến hào. “Thời điểm đó, chúng tôi tự viết Lời tuyên thệ. Tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm lời thề của mình: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân…”. Đó là lời thề danh dự của người đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân”- Tướng Hiệu kể. Lời thề đó đã được ông mang theo suốt 4 chiến dịch lớn gồm Chiến dịch Mậu Thân, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh với 67 trận chiến đấu, trực tiếp đánh địch.

 

 

Khi nhắc đến quê hương Hải Long (Hải Hậu), ông xúc động tự trào bằng những vần thơ: “Xa quê đi chiến đấu. Nhớ dòng sông trong mơ. Sóng du bờ phù sa. Nơi chân trời góc bể. Nhớ Hải Long quê mình”. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu quả quyết: “Thế hệ chúng tôi ra trận chả ai nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng, trở thành tướng đâu. Có điều, ngay từ khi khoác lên mình bộ quân phục đã luôn tâm niệm, phải làm sĩ quan và sống sao cho xứng đáng với dòng họ, quê hương mình”. Bao năm vào sinh ra tử nơi “Túi bom, vựa đạn”, đằng sau những chiến công oanh liệt, là những tấm gương kiên trung, mưu trí, anh dũng của những chiến sĩ Trung đoàn 27. Chiến đấu giữa lòng địch, từng phút, từng giờ đối mặt với đạn, pháo, song những người lính trẻ vẫn lạc quan, yêu đời, vững tin vào chiến thắng. Cũng từ chân lý ấy, mà biết bao đồng đội của ông đã nguyện hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào.

 

Tướng Hiệu tâm sự: “Trong chiến tranh, tôi đã từng gắn bó, từng bế trên tay, từng mai táng bao đồng đội của mình. Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh nhưng tất cả những người lính đều không ai bận lòng". Đó là những hình ảnh bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ mãi mãi sáng danh sử vàng quê hương; là minh chứng cao đẹp về truyền thống hào hùng của các lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

 

 

Trong cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu viết: “Tôi nghĩ mãi phải bằng một cách nào đó có thể nói lại với thế hệ mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”. Từ kinh nghiệm trên chiến trường trận mạc, Thượng tướng càng thấm thía giá trị của cuộc sống hòa bình ngày nay, với lý luận quân sự được đào tạo và tôi luyện trong chiến đấu, Tướng Hiệu đã viết và cho xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật quân sự và các lĩnh vực khác của Bộ Quốc phòng, như:“Ký ức tháng 4 năm 1975 và những điều suy ngẫm”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”, “Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, mô hình về hợp tác khoa học - công nghệ”, “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai”,“Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường”

 

<br>

 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tướng Nguyễn Huy Hiệu là Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Trung đoàn được lệnh hành quân từ Đông Hà theo đường Trường Sơn tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ là đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục Đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, giải phóng Sài Gòn. Lúc đó là mùa khô, Trường Sơn có rất nhiều đơn vị, binh đoàn hành quân. Đường đất đỏ bazan, bụi mù mịt, phủ kín người. Mỗi người lính đều như chỉ có cái miệng và đôi mắt là không bám bụi.

 

 

 

Tướng Hiệu kể: “Hành quân nhiều ngày rất mệt nhưng lúc này Trung đoàn nhận được mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Tức khắc chúng tôi truyền đạt lại mệnh lệnh này cho chiến sĩ trong Trung đoàn. Anh em quên hết mệt nhọc, lại bừng dậy và tiếp tục hành quân ngày đêm tiến về Đồng Xoài để huấn luyện bổ sung cách đánh trong thành phố rồi tập kết ở Bầu Cá Trên, Bắc Tân Uyên. Ngày 26-4, Trung đoàn nổ súng tiến công Tân Uyên và Bình Chuẩn, đánh vào trục Đường 13 rồi hướng về Sài Gòn.”

 

 

 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: "Tối 29-4, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu) - bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương, trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường. Đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Gia đình má Sáu là gia đình cách mạng, chồng má là Hai Nhượng đã bị địch bắt tù đày và hy sinh năm 1968, sự việc đau lòng đó má giấu kín trong lòng để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Má là cô giáo dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. Tấm bản đồ này má ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng. Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn, bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn… Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thẳng vào Bộ tư lệnh Thiết Giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4".

 

 

 

"Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc được tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ xô ra đường. Trong giờ phút lịch sử ấy, một cảm xúc khó diễn tả ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc vừa mới hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn; nhớ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, biểu tượng của các bà má Nam Bộ sẵn sàng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng…" - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trải lòng!

<img hideimage="null" src="https://baonamdinh.vn/file/e7837c02816d130b0181a995d7ad7e96/042024/t3_20240426140215.png" style="float: center;width: 1200px;">

 

Trao đổi với phóng viên Báo Nam Định về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nêu rõ:

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến chiến lược. Để đi đến thắng lợi to lớn và quyết định này, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, yếu tố then chốt quyết định trong suốt tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc chiến tranh ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

 

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu,
nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện với tác giả tại nhà riêng.

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc đọ sức quyết liệt giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Xét toàn cục về mặt chiến lược, nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại đó là vai trò lãnh đạo của Đảng với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện; cùng với đó là sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã đi qua 49 năm, nhưng những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng quốc tế, khi tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp, nhất là những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển, đảo, sự cạnh tranh ảnh hưởng của một số nước lớn ở một số khu vực đang diễn ra khá mạnh mẽ thì sự kiên định tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

49 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Việt Thắng

 



Xem thêm bình luận