Giao Thủy - nơi sông Hồng đổ ra biển Đông qua cửa Ba Lạt. Với 32km bờ biển, từ một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ, các thế hệ người dân vùng chân sóng đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi, cả máu và nước mắt để biến nơi đây thành "bờ xôi, ruộng mật" phủ màu xanh sự sống, định vị những “danh xưng” tên xóm, tên xã trên bản đồ với đậm đặc nền văn hóa “mở đất”. Khát vọng vươn xa, làm giàu từ biển, trong nhịp sống mới, Giao Thủy dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, trở thành một cực phát triển của tỉnh mang diện mạo, vị thế miền quê đáng sống.
“Phải lòng từ cái nhìn đầu tiên!” là cảm xúc của chị Nguyễn Thị Hương (Nghệ An) và cũng là ấn tượng chung của đoàn du khách từ miền Trung về tham quan Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy; du khảo đồng quê, khám phá đời sống của người dân địa phương. Giàu đẹp và yên bình - đất và người 5 xã vùng đệm VQG (Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải) đang vươn mình phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp truyền thống, thơ mộng. Xen giữa những mái nhà bổi rêu phong là những ngôi nhà cao tầng với kiểu dáng kiến trúc, thiết kế hiện đại tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt. “Bởi vậy, khách phương xa, dù một lần đến thăm dải đất sa bồi, tìm hiểu quy trình nuôi ngao, vạng, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trải nghiệm nghề làm nước mắm, chứng kiến cảnh nhộn nhịp của bến cá Giao Hải khi tàu về; sau mỗi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nơi đây sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng riêng cho mình”, chị Hương bày tỏ.
Vườn quốc gia Xuân Thuỷ có 92 loài thực vật, bao gồm các loài cây ngập mặn chủ yếu: sú, vẹt, bần chua, trang. |
Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hải Trần Văn Huyên cho biết: So với các địa phương trong tỉnh, huyện Giao Thủy nói chung và các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy là vùng đất sa bồi, nằm ở phía hạ lưu sông Hồng, hàng năm nhận được một lượng phù sa rất lớn tạo nên những vùng đất bồi mới với hàng ngàn ha khá bằng phẳng tiến ra biển Đông. Theo thời gian, sau quá trình khai hoang lập ấp “Bắt sóng bạc phải cúi đầu, buộc biển sâu phải lùi bước. Lấn biển, làm giàu cho Tổ quốc”, lớp đất bồi nền đã vững chắc, ông cha ta lại quai đê, lấn biển. “Lúa lấn cói, cói lấn vẹt và vẹt lấn biển”, ban đầu người dân địa phương đắp đê và trồng sú vẹt để phòng hộ đê. Khi nền đất bồi đã tương đối ổn định, dân địa phương trồng cói ở các khu vực ngọt lợ, vừa để lấy nguyên liệu dệt chiếu, lợp nhà, vừa để cải tạo đất; sau khi đất được ngọt hoá sẽ chuyển dần sang trồng lúa bằng các giống chịu mặn, từng bước lấn biển. Vào những năm 60 thế kỷ XX, Đảng ủy xã Giao An vận động nhân dân quai đê hình thành nên 2 khu Điện Biên và Bình Long với diện tích gần 200ha - cơ sở hình thành nên làng Điện Biên ở ngoài đê Ngự Hàn thuộc xã Giao An ngày nay.
Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là “ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế, đặc biệt là chim nước. Có khoảng trên 220 loài chim, có 150 loài là chim di cư đa phần là chim nước di cư từ phương Bắc đến đây để tránh đông. |
Tháng 11, 12 hàng năm khi đến khu Ramsar Xuân Thủy, đứng trên tầng 5 đài quan sát, du khách sẽ được ngắm nhìn những đàn chim di trú đang bình thản kiếm ăn ở khu rừng nước ngập mặn dọc theo sông Hóp, sông Vọp. Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt cho biết: Năm 1988, VQG Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar. Đây là bãi vùng triều cửa sông ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng, là nơi cung cấp nguồn hải sản quý như tôm, cua, cá, sò, vạng, rau câu và các loài khác. VQG còn là “ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế. Có trên 220 loài chim, trong đó đa phần là chim nước, di cư từ phương Bắc đến đây để tránh cái rét mùa đông. Vườn cũng là khu dự trữ sinh quyển quan trọng của thế giới. Trong những năm gần đây, Vườn ngày càng thu hút đông đảo du khách, bình quân hàng năm có 20 - 25 nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là môi trường sống ưa thích của nhiều loài chim nước và một vài loài chim định cư. |
Thời gian qua, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và các đàn chim di trú hoang dã, VQG Xuân Thủy đã tiến hành đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển. Đến nay, diện tích bãi bồi của VQG Xuân Thủy cơ bản đã được phủ xanh, nguồn lợi thủy sản được duy trì, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương bằng các sinh kế mới như: Nuôi ngao, tôm, ong, trồng nấm, làm du lịch sinh thái cộng đồng. Anh Ngô Văn Chiểu, cán bộ VQG Xuân Thủy cho biết: Ramsa Xuân Thủy là nơi tập trung diện tích sú, vẹt lớn; là hai loại cây đặc biệt có thể sống trong môi trường nửa nước nửa cạn, sở hữu những mùi hương hoa đặc biệt thu hút rất nhiều loại ong. Hàng năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, khi cây sú, vẹt đồng loạt trổ hoa, những người nuôi ong từ khắp nơi đến với VQG Xuân Thủy để khai thác mật hoa sú, vẹt. Số lượng đàn ong tại khu vực duy trì từ 5.000 - 6.000 đàn với 20 hộ nuôi, bình quân là 200-300 đàn/hộ. Sản lượng mật ong khai thác tại khu vực đạt từ 70-80 tấn/năm. Sản phẩm mật ong rừng sú, vẹt của VQG Xuân Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu.
Hoạt động khai thác thủy sản của người dân các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Năm 2022, anh Nguyễn Đại Dương, xóm Điện Biên Tây, xã Giao An vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh; năm 2023, anh được vinh danh là một trong 100 nông dân xuất sắc nhất cả nước. Với quyết tâm làm giàu ngay trên quê hương, gia đình anh Dương đã đầu tư 3 trang trại nuôi trồng thủy sản nằm ngoài vùng đệm VQG Xuân Thủy với tổng diện tích 25ha. Trong đó, đầm ương vạng giống chiếm trên 60% diện tích, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. “Trung bình mỗi năm, gia đình tôi cung ứng ra thị trường từ 30-50 tấn ngao, vạng giống, 20-30 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm; trừ chi phí thu về khoảng 2,5 tỷ đồng”, anh Dương thông tin. Do bảo đảm được chất lượng thủy sản, trang trại của gia đình anh Dương có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo việc làm cho hơn 15 lao động địa phương, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Đại Dương, xóm Điện Biên Tây, xã Giao An có 3 trang trại nuôi trồng thủy sản nằm ngoài vùng đệm VQG Xuân Thủy với tổng diện tích 25 ha. |
Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung phát triển kinh tế biển trên cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, huyện đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; phối hợp triển khai Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện 3 năm (2021-2023) ước đạt 11.485 tỷ đồng, tăng bình quân 13,4%/năm. Sản lượng thủy sản tăng bình quân 9,3%/năm; tổng thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn 3 năm (2021-2023) ước đạt 1.620 tỷ đồng, tăng bình quân 18%/năm.
Hàng năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, khi cây sú, vẹt đồng loạt trổ hoa, những người nuôi ong từ khắp nơi đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy để khai thác mật hoa sú, vẹt. |
Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế biển. Chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là 5 xã thuộc vùng đệm VQG Xuân Thủy là: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải, và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá, đó là: nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch được đẩy mạnh. Khai thác có hiệu quả, bền vững các tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương như du lịch sinh thái VQG Xuân Thuỷ; du lịch cộng đồng Giao Xuân, du lịch tham quan Bảo tàng Đồng Quê, du lịch biển Quất Lâm... Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch như khu sinh thái VQG Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng - tắm biển Giao Phong - Quất Lâm. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn ở cả trong nước và quốc tế quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư các Khu, cụm công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, như: Khu công nghiệp Hải Long với quy mô 1.100ha; Khu dịch vụ Du lịch biển Quất Lâm với quy mô trên 1.000ha. Hết năm 2023, toàn huyện đã quy hoạch 6 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.410ha; 13 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 822ha. Khu du lịch tắm biển Quất Lâm đã được giải toả các ki-ốt cũ sơ sài, tạm bợ; đang được tỉnh, huyện bố trí kinh phí chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới để thúc đẩy thu hút khách du lịch. Toàn huyện đã có 18/22 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 86 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
(1) Nhộn nhịp bến cá Giao Hải. (2) Mô hình nuôi cua Rèm lột trong nhà theo phương pháp thủy lưu mang giá trị kinh tế cao của anh Nguyễn Đại Dương. (3) Người dân các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy phát triển sinh kế nuôi bò sinh sản. |
Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ven biển, Giao Thủy quyết tâm xây dựng huyện trở thành một cực phát triển của tỉnh Nam Định, trước năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao, trước năm 2030 đạt huyện NTM kiểu mẫu và đạt các tiêu chí đô thị loại III./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
(Toàn bộ ảnh về chim của tác giả Kiều Chung)
Xuất bản ngày: 30-11-2023