Nhộn nhịp nghề đan lưới chấp
.

Nhộn nhịp nghề đan lưới chấp

15:11, 15/11/2023

 

Những ngày này, làng lưới chấp ở xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu) rộn ràng bước vào mùa đan lưới, vá lưới. Với đôi bàn tay thoăn thoắt, nhịp nhàng, mỗi người thợ phụ trách một công đoạn, nhanh chóng hoàn thành để kịp chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Mặc dù lưới chấp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng những cheo lưới (hay còn gọi là tấm lưới hoặc tay lưới) Tân Minh thường có đặc thù riêng biệt mà nơi khác khó có thể đan được.

Xóm Tân Minh có hơn 250 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Phần lớn các hộ dân dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản và nghề đan lưới chấp. Ngoài người đi biển, người ở nhà ai cũng có việc để làm nghề. Trong nhà, ngoài sân, dưới những tán cây rợp bóng mát, đến chỗ nào cũng gặp cảnh rộn rã tiếng nói cười của người dân trong lúc thoăn thoắt tay đan, vá lưới.

 

Nghề đan lưới mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu).

 

Theo ông Nguyễn Văn Xuyến, người có nhiều năm kinh nghiệm đánh bắt cá xa bờ và là một trong những người nghiên cứu sản xuất những tấm lưới đầu tiên ở làng từ năm 1985 cho biết, ban đầu ngư dân chỉ làm được những lưới đánh cá bằng sợi cước hoặc sợi ni-lon độ bền thấp và chỉ khai thác được một vài lần đi biển. Dần dần người dân trong làng đã học hỏi và cải tiến những tấm lưới với hàng chục tay lưới phù hợp với điều kiện đánh bắt xa bờ, có thể thu hoạch được cả chục tấn cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá chim, cá ngừ...

 

Trong nhà, ngoài sân chỗ nào cũng gặp người dân đang thoăn thoắt tay đan, vá lưới.
Trong nhà, ngoài sân chỗ nào cũng gặp người dân đang thoăn thoắt tay đan, vá lưới.

 

Ngoài việc phải chọn sợi lưới chuẩn, các tay đan cần phải nắm vững kỹ thuật, nhanh tay khéo léo khâu. Đối với lưới đánh bắt xa bờ phải 3 tháng làm việc liên tục và khẩn trương với 15 nhân công mới có thể làm xong một “vàng” lưới. Loại lưới này cứng và rất chắc chắn, có độ bền rất cao, khoảng 10 năm đánh bắt liên tục mới phải thay thế nên được ngư dân trong cả nước ưa chuộng. Cấu tạo của lưới thường từ 300 đến 500 mắt/m2, cao từ 48-52m, dài đến 15km. Lưới đánh bắt xa bờ có thể đánh những loại cá to từ 3 đến 4 tạ, trong đó chủ yếu là cá ngừ. Đối với lưới đánh bắt gần bờ có 3 màng lưới; mỗi màng được thiết kế với kích thước lưới và mắt lưới khác nhau, do đó, lưới khai thác được nhiều loại cá ở các tầng nước khác nhau mà vẫn có độ “cuốn” và “bắt”, không để lọt cá trong quá trình khai thác.

 

Hầu hết người dân đều biết làm công việc này từ nhỏ.

 

Đôi tay thoăn thoắt, mắt không rời khỏi mũi chỉ trên chiếc lưới được làm hoàn toàn thủ công, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết làm công việc này từ khi còn nhỏ, sau này lấy chồng người cùng làng với truyền thống gia đình có đến ba thế hệ làm nghề đan lưới, vì vậy, anh chị tiếp tục mưu sinh, lập nghiệp từ nghề. Từ cơ sở sản xuất lưới nhỏ lẻ, sau hơn 10 năm miệt mài chăm chỉ với nghề, đến nay gia đình chị đã có 5 cơ sở sản xuất lưới trong xã. Vào mùa cao điểm đánh bắt cá, nhu cầu mua và sửa lưới của người dân tăng cao, những người thợ trong cơ sở sản xuất của chị lại miệt mài từ sáng đến đêm để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Mỗi cơ sở đan và vá lưới của chị Hoa có khoảng 4-5 lao động, mỗi người phụ trách một bộ phận của tấm lưới.

 

Phần lớn người dân trong làng sống bằng nghề khai thác thủy sản và nghề làm lưới phục vụ cho việc khai thác.
Phần lớn người dân trong làng sống bằng nghề khai thác thủy sản và nghề làm lưới phục vụ cho việc khai thác.

 

Để hoàn thành một cheo lưới, những lao động phải chăm chỉ trong khoảng 5 ngày. Có 5 công đoạn chính để cho ra đời một cheo lưới hoàn chỉnh nhưng vất vả và đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao nhất là công đoạn buộc phao. Những người thợ buộc phao thường trẻ tuổi, có sức khỏe và phải tỉ mỉ trong từng chi tiết. Phao buộc phải chắc tay và phải kết nối giữa hai phần phao và lưới. Những người làm nghề lâu năm mọi kỹ năng đan, vá đều thuần thục, dù làm thủ công nhưng mắt lưới rất đều nhau. Một tấm lưới sau khi hoàn thiện có giá trên 8 triệu đồng.

 

Người dân tu sửa lại ngư lưới cụ sau chuyến vươn khơi.
Người dân tu sửa lại ngư lưới cụ sau chuyến vươn khơi.

 

Với chất lượng sợi lưới tốt cộng với những cải tiến phù hợp với đặc điểm khai thác, nên lưới chấp ở làng Tân Minh, xã Hải Triều đã khẳng định được tính ưu việt, tạo nên "thương hiệu" đối với ngư dân cả nước. Nghề đan lưới cũng mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống gia đình./.

Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa
Ngày xuất bản: 15-11-2023

 

 

 

 



Xem thêm bình luận