Chuyện nong tằm cái kén
.

Chuyện nong tằm cái kén

14:53, 17/11/2023

 

Mom Rô là tên gọi mom đất bờ nam đầu sông Ninh Cơ, nơi tiếp dòng phù sa sông Hồng màu mỡ. Đôi bờ là những nương dâu xanh ngắt trải dài. Bờ bắc là đất Trực Ninh có nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống nổi tiếng lâu đời. Bờ nam là đất Xuân Hồng, huyện Xuân Trường có làng Xuân Thiện hơn 200 năm với nghề tằm tang được nối nghề từ đất cha ông bên Phương Định.

 

Nông dân xóm 16, 17 (làng Xuân Thiện), xã Xuân Hồng hái dâu.

 

Làm ruộng cả năm, không bằng nuôi tằm một lứa”, làng Xuân Thiện cùng với làng Ngọc Tiên đã làm cho Xuân Hồng trở thành làng quê trù phú nhờ nghề nuôi tằm, ươm tơ. Đò Sồng giúp đôi bờ chuyên chở kén, tơ cũng là bến đậu cho thương lái khắp miền tìm về giao thương. Cảnh quê yên ả, thanh bình, rộn lên khi vào thời vụ. Sau tết, khi những cành dâu bật mầm, ấy là vào vụ nuôi tằm. Những lá dâu non hái về thái nhỏ như sợi thuốc lào cho tằm ăn “giấc mốt”. "Giấc mốt" kéo dài 4 ngày, sau khi ngủ 24 tiếng tằm lột. Lá dâu bánh tẻ hái cho tằm ăn giấc 2 với hai ngày rưỡi, ba ngày với giấc 3. Sau khi ngủ, tằm lột bước vào giấc ăn lên giấc 4. Tằm ăn rỗi là lúc nông dân đôn đáo đi hái lá ngày hai ba lượt, lúc vườn nhà, lúc ra ngoài bãi sông.

 

 

Hái những lá dâu tươi đầy nhựa, ngắt bỏ lá già, lá sâu. Lá dâu phải khô, phải sạch, không bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhà nuôi tằm phải sạch sẽ, thông thoáng. Gặp khi mùa hè nóng nực, trên 25 độ nông dân phải dựng giường, nhường nền nhà lấy chỗ cho tằm trú ngụ. Ngày cho tằm ăn 6 bữa chia ra từ sáng đến nửa đêm, ngày vệ sinh một lượt, thu cọng dâu thừa quét dọn phân tằm sạch sẽ, thường xuyên kiểm tra, theo dõi kiến, côn trùng xâm nhập hại tằm.

 

 

Sau giấc ăn lên, tằm ngừng ăn, ngóc đầu bò khỏi nong tìm nơi làm tổ. Ấy là tằm chín, tằm nhả tơ làm tổ trên “né” rơm trong 3 ngày. Nhả hết tơ, tằm lột thành con nhộng. Né tằm được treo dựng nơi thoáng mát, yên tĩnh tránh động chạm để sợi tơ không bị đứt đoạn trong lúc tằm nhả tơ. Lứa tằm kết thúc sau 21 ngày, mỗi con ăn hết 47 lá dâu. Bảy ngày tiếp đó là công đoạn gỡ kén, mang đi ươm tơ. Quá thời gian trên nhộng trở thành con bướm (con ngài), con ngài cắn kén chui ra, đẻ trứng, tiếp nối cho một chu kỳ sinh trưởng đời tằm. Ngày nay nhờ điện khí hóa nông thôn, người ta cho kén vào phòng lạnh con nhộng ngừng sinh trưởng, nhờ vậy đã chủ động được ngày ươm tơ.

 

 

“Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” thật đúng với người nuôi tằm. Cuối thu, sang đông trời trở lạnh, gặp ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ phải đốt củi sấy ấm cho tằm. Cây dâu lúc này cho ít lá nên nuôi tằm cũng dừng nghỉ đợi mùa xuân sau. Những năm gần đây khí hậu ngày càng khắc nghiệt, không khí ô nhiễm, nghề nuôi tằm mai một. Những nương dâu bị đốn chặt, nhường chỗ cho cây khác. Bếp ươm tắt lửa…, làng chỉ còn gần hai chục hộ giữ nghề./.

Bài và ảnh: Chu Thế Vĩnh
Ngày xuất bản: 17-11-2023

 

 



Xem thêm bình luận