Nghĩ về hạt muối hôm nay
.

Nghĩ về hạt muối hôm nay

07:40, 04/08/2023

Xã Hải Đông (Hải Hậu) - nơi vùng chân sóng, từ bao đời nay, hạt muối mặn mòi, kết tinh hương vị của biển là sản phẩm thẫm đẫm mồ hôi, công sức của những diêm dân, trở thành nghề “cha truyền, con nối”. Mặc dù diện tích sản xuất giảm mạnh, nhưng chất lượng muối ngày càng được cải thiện; trong đó sản phẩm muối biển nhạt từ đồng muối Hải Đông đã xuất ngoại và có mặt ở thị trường "khó tính" như Nhật Bản.

Một ngày mới đối với gia đình bác Vũ Văn Ích, xóm Nam Giang bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc công việc làm muối khi trời chạng vạng tối. Ở tuổi 73, cả cuộc đời bác Ích “bán lưng cho trời, bán mặt cho biển” với nghề muối. Bác chia sẻ: Giữa thế kỷ XIX, Hải Đông còn là nơi bãi thoái của cửa luồng lạch, nơi đỗ tàu, thuyền của ngư dân. Sau năm 1954, việc khai hoang lấn biển được quan tâm; người dân từ nhiều nơi về đây khai hoang, lập nghiệp; diện tích đất muối mở rộng. Là đất chân sóng, quanh năm đối diện với thiên tai, bão lụt, tình trạng biển thoái, thời tiết khắc nghiệt. Ngoài trồng lúa, đi biển, mọi nguồn thu của gia đình diêm dân đều trông vào hạt muối; thời tiết thuận thì đủ ăn, còn mưa nhiều, lũ lụt  thì khổ trăm đường.

 

Lấy cát ngâm trong nước biển, sau đó lấy lên và chuyển đến phơi trên sân đất nện. Dưới ánh nắng mặt trời, nước biển bay hơi, để lại những tinh thể muối màu trắng kết tinh lại trên những hạt cát.

 

Bác Ích thông tin thêm: Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nghề muối đang “lên ngôi”, tạo nguồn thu ổn định cho diêm dân nơi đây. Thời kỳ đó, người ta bảo diêm dân “làm chơi, ăn thật”, bởi người dân cứ việc lấy nước biển vào ruộng rồi ngồi chờ cho đến hết ngày khi nước kết tinh thành muối thì xúc lên chờ thương lái đến mua…(?!) "Thực ra nghề muối vất vả, nặng nhọc, chẳng ai làm giàu được bằng nghề”.

 

Diêm dân tiếp tục lấy nước mặn độ 1, tức là nước biển để đổ vào lớp cát này và lọc để lấy nước mặn độ 2.

 

Hơn 60 năm làm cát, gánh muối, gắn bó với nghề muối, cuộc đời bác Nguyễn Thị Nhung trải qua cùng những thăng trầm của hạt muối. Bác Nhung tâm sự: “Nắng thì người ta chạy vào nhà, diêm dân lại nô nức ra ruộng muối. Nghề này vất vả chẳng giống ai, trời càng nắng, nhiệt độ lên 37-39oC, diêm dân lại càng mừng (!)”. Thế nên, bữa cơm trưa của bà con diêm dân Hải Đông thường ăn từ lúc 10 giờ sáng, sau đó tranh thủ nghỉ ngơi, đến khi mặt trời đứng ngọn tre lại tất bật với đồng muối dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa”. Thời gian làm muối mỗi năm chỉ từ 3-5 tháng. Những tháng ngày nông nhàn bà con phải đi làm thuê: đào ao, làm đầm, đan lưới… xoay đủ nghề để kiếm sống.

 

 

Khác với cách làm muối tại miền Trung và miền Nam, người dân vùng biển Nam Định nói chung và diêm dân xã Hải Đông làm muối theo phương pháp phơi cát. Cách làm này kỳ công hơn, bù lại, cho ra hạt muối nhạt có đặc điểm, hương vị riêng. Ở Hải Đông, mỗi năm có 2 vụ muối: vụ “muối mùa” - vụ chính từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6 âm lịch; vụ “muối chiêm” từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch. Muối mùa cho sản lượng cao hơn vì “được nắng, trắng muối”, muối trắng, bông và hạt muối sẽ đều hơn vì có “nhiều ngày nắng A” (nhiệt độ từ 30oC trở lên).

 

Sau khi phơi đất khô, tiếp theo là xúc đất vào lọc lấy nước mặn, sau đó tưới nước mặn từ bể vào sân phơi.

 

Thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề, bác Nguyễn Văn Luận cho biết, để làm ra hạt muối, những diêm dân phải "một nắng hai sương", làm việc hết sức vất vả. Quy trình sản xuất muối phơi cát ở Hải Đông gồm nhiều công đoạn. Bước 1: Lấy cát từ biển về tiếp tục ngâm trong nước biển, sau đó lấy lên và chuyển đến phơi trên sân đất nện. Dưới ánh nắng mặt trời, nước biển bay hơi, những tinh thể muối kết tinh lại trên những hạt cát. Diêm dân tiếp tục lấy nước mặn độ 1, tức là nước biển để đổ vào lớp cát này và lọc để lấy nước mặn độ 2. Diêm dân tiếp tục phơi cát rồi cho nước mặn độ 2 vào để lọc, thu được nước mặn độ 3. Bước 3: Nước mặn độ 3 sau khi thu được từ bể lọc sẽ được vận chuyển đến các ruộng muối trên sân bê tông để phơi. Sau một ngày nắng thì muối sẽ được kết tinh và thu hoạch. Lượng muối thu được tỉ lệ thuận với thời gian và độ nắng nóng của ngày hôm đó. Bước cuối cùng trong quy trình làm muối từ nước biển là bước thu hoạch, cũng là bước mà người diêm dân chờ đợi nhất. Việc thu hoạch này được thực hiện từ khoảng 2 đến 5 giờ chiều, khi muối đã đã được kết tinh trên mặt ruộng.

Chiều chạng vạng trên cánh đồng muối Hải Đông, muối được gom thành những đống, trắng xóa. Bà con diêm dân hối hả, tất bật thu hoạch, rôm rả tiếng cười; từng hàng xe cút kít đưa muối về kho. Anh Đỗ Văn Toản chia sẻ cùng chúng tôi về “cái mặn mòi” của nghề muối. Theo anh Toản, nghề làm muối vất vả vì phụ thuộc vào thời tiết; lao động nhọc nhằn nhưng thu nhập của diêm dân Hải Đông thường không ổn định. Thời kỳ dịch COVID-19, muốn sản xuất, giá thành hạ thê thảm, chỉ từ 800 đến 1.000 đồng/kg, sản xuất ra, muối “tồn kho”, diêm dân điêu đứng. Đưa tay gạt mồ hôi, chị Đặng Thị Cậy tươi cười: “Vụ muối năm 2023, thời tiết thuận lợi, nhiều ngày nắng A, muối “được mùa, được giá”, sản xuất đến đâu, bán hết tại ruộng; thương lái thu mua muối thành phẩm với giá 2.500 đến 3.000 đồng/kg”. Anh Nguyễn Văn Toản tiếp lời. “Năm nay giá muối tăng cao, được thương lái săn đón thu mua ngay tại ruộng, diêm dân rất phấn khởi, nhiều ruộng muối trước kia bị bỏ hoang nay đã được đưa vào sản xuất trở lại”.

 

Nước mặn độ 3 sau khi thu được từ bể lọc sẽ được vận chuyển đến các ruộng muối trên sân bê tông để phơi.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết: Toàn xã hiện có 110 hộ với 275 lao động làm nghề muối. 6 tháng năm 2023, trên diện tích hơn 15ha, số ngày nắng A đầu vụ cao, diêm dân bám nắng, bám đồng để sản xuất; năng suất muối đạt 20 tấn/ha; sản lượng muối đạt 380 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phát huy lợi thế từ biển, Hải Đông quy hoạch 8 vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: vùng lúa chất lượng cao, trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất muối,... giúp bà con đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP muối sạch, muối i-ốt, đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao.

 

Diêm dân Hải Đông có câu: "Đời ông cho chí đời cha. Có cái đống cát cứ se ra se vào". Để có hạt muối là sự kết tinh mặn mòi vị biển, công sức “bán lưng cho trời, bán mặt cho biển” của diêm dân miền chân sóng.

 

Để gia tăng giá trị cho hạt muối, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân, xã vận động người dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, cải tạo hạ tầng nội đồng để giảm sức lao động. Đồng thời, chủ động tìm "hướng đi” cho hạt muối thông qua việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tiêu thụ muối cho người dân. Thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, đào tạo chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh cho diêm dân và hộ cá thể kinh doanh nghề muối.

 

 

Giám đốc Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định Trần Thị Bình cho biết: Nhiều năm nay, Công ty đã triển khai sản xuất muối sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng nội địa. Công ty đã chủ động liên kết với các diêm dân ở huyện Hải Hậu và Giao Thủy mở rộng vùng sản xuất muối sạch; giúp diêm dân giữ nghề, có thu nhập ổn định hơn. Tại xã Hải Đông, Công ty đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra hạt muối với diện tích 2ha.

 

Hạt muối mặn mòi, kết tinh hương vị của biển là sản phẩm thẫm đẫm mồ hôi,
công sức của những diêm dân Hải Đông, trở thành nghề “cha truyền, con nối”.

 

Thực hiện liên kết sản xuất muối sạch với bà con diêm dân, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã đầu tư hệ thống, trang thiết bị sản xuất; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật… nhằm thay đổi tư duy sản xuất cho các diêm dân để nâng cao chất lượng, giá trị của hạt muối. Theo đó, Công ty hỗ trợ diêm dân xây dựng lại nền ruộng làm muối, thiết kế hệ thống mương máng dẫn nước vào ruộng và xử lý nguồn nước biển ngay từ đầu vào để sớm loại bỏ các tạp chất gây hại. Công ty nghiên cứu và đã sản xuất được khoảng 20 sản phẩm muối sạch; trong đó, có 5 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đặc biệt, có 1 sản phẩm đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017, đó là sản phẩm muối xuất khẩu Nhật Bản nhãn hiệu NADISALT. Theo tính toán, mỗi năm Công ty xuất bán sang thị trường Nhật Bản trên 100 tấn muối.

Thực hiện: Việt Thắng
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 4-8-2023



Xem thêm bình luận