Nam Định là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nên hầu hết lễ hội đều có sự tham gia của các đội múa "tứ linh". Để gìn giữ nghệ thuật biểu diễn "tứ linh", ở một số địa phương trong tỉnh, nhiều nghệ nhân chế tác lân, sư, rồng vẫn quyết tâm giữ “lửa” nghề, trao truyền cho thế hệ trẻ.
Trong căn nhà rộng chừng 30m2 của ông Trần Anh Phong (59 tuổi), phố Hai Bà Trưng (thành phố Nam Định), chúng tôi choáng ngợp bởi những đầu lân, sư đủ sắc màu được xếp ngăn nắp chờ giao cho khách hàng. Là một trong số ít các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh gắn bó với nghề chế tác lân, sư truyền thống, ông Phong cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống 4 đời làm nghề đầu lân, sư. Ngay từ nhỏ, đồ chơi của tôi là những thanh tre, mây và đủ các loại giấy màu… Ngày ngày được ngắm nhìn các đầu lân, sư của ông nội và cha chế tác khiến tôi mê mẩn. Quyết tâm theo học nghề gia truyền, đến nay tôi đã có gần hơn 40 năm nối nghiệp ông, cha”. Để hoàn thiện được một chiếc đầu lân cần nhiều công đoạn như làm khung, cắt vải, may, gắn vải, vẽ mắt… Theo ông Phong, bộ khung với kết cấu phức tạp của các mối nối từ tre đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cần mẫn. Quá trình hoàn thiện phần khung, còn kết hợp nhiều công đoạn khác như trang trí cắt giấy, vải, vẽ... yêu cầu người thợ phải như họa sĩ tạo hình thực thụ.
Múa rồng phổ biến ở các lễ hội tại Nam Định (trong ảnh: Đội múa rồng trong lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định năm 2023). |
Đầu lân, sư đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo các yếu tố: màu sắc đẹp, khung chắc chắn, mắt có hồn. Để cho phần thân uyển chuyển, ông Phong sử dụng loại vải kim sa lấp lánh. Với loại vải này, lân, sư sẽ lấp lánh dưới ánh mặt trời hoặc ánh đèn. Từ niềm đam mê cùng đôi bàn tay tài hoa đã giúp ông Phong tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường. Nhiều đại lý ở các tỉnh lân cận đã tìm đến ông Phong để đặt hàng ngay từ đầu năm, còn vào tháng Tám, ông Phong phải huy động từ 4-5 nhân công tăng ca ngày đêm để làm cho kịp tiến độ. Bên cạnh việc chế tác theo quy trình truyền thống, ông Phong cũng thường xuyên khảo sát nhu cầu của thị trường để làm các sản phẩm đầu lân, sư hợp thị hiếu khách hàng. Là nghề gia truyền, nhưng ông Phong sẵn sàng chia sẻ các kiến thức làm nghề chế tác lân, sư cho những người có nhu cầu học thực sự để nghề chế tác lân, sư phát triển mạnh hơn nữa đưa loại hình nghệ thuật này có sức sống bền vững.
Rồng mây biểu diễn tại lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản). |
Ở xã Thành Lợi (Vụ Bản), nghề chế tác rồng mây được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ông Vũ Văn Hiền là người có kinh nghiệm làm rồng mây hàng chục năm cho biết: Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Nguyên liệu chính để chế tạo rồng là cây mây; phải chọn những cây có thân óng ả, lá to, xanh, dễ uốn cong để tạo dáng rồng. Sau khi chọn được những cây mây đạt chất lượng, nghệ nhân khéo léo dóc bỏ gai nhưng phải giữ nguyên lá. Đến khâu tạo hình, các nghệ nhân sẽ làm theo quy trình làm thân và đuôi trước, sau cùng mới làm đầu rồng. Thân rồng được bện chặt bằng dây thừng và cây mây, mỗi cây mây dài từ 60-70cm được nối liền mạch. Để tạo vảy cho thân rồng, nghệ nhân kết lá mây vào nhau tạo thành thân dày từ 10-15cm. Thân rồng sau khi hoàn thiện thường dài từ 9-11 khúc, tương đương với hơn 30m. Sau khi xong phần thân, các nghệ nhân tiếp tục công việc chọn nguyên liệu để làm đuôi rồng. “Cốt” của đuôi rồng được làm từ 1 tàu dừa bánh tẻ để đảm bảo độ dẻo dai, chắc chắn. Các lá của tàu dừa được bện vào nhau theo kiểu đan lóng, càng đan xuống dưới càng nhỏ dần đến khi hết lá. Đầu rồng đòi hỏi độ kỳ công và tinh xảo cao nên rất "kén" người làm.
Ảnh 1: Múa rồng trong lễ hội đình Bườn, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). Ảnh 2: Ông Trần Anh Phong, phố Hai Bà Trưng (thành phố Nam Định) lưu giữ nghề làm lân, sư truyền thống. Ảnh 3: Múa rồng phục vụ nhân dân xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc). |
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều người làm được thân và đuôi rồng nhưng chỉ còn lại 5 nghệ nhân làm đầu rồng gồm các ông: Phan Văn Thanh, Phan Văn Năng, Phan Văn Tác, Vũ Duy Vừng, Vũ Văn Hiền. Ông Phan Văn Năng cho biết: Làm đầu rồng đòi hỏi phải có kiến thức về tạo hình, kỹ năng đan lát, trang trí… Công đoạn đầu tiên để làm đầu rồng là chọn tre để làm khung. Tre làm khung phải đảm bảo độ dẻo cần thiết để uốn không bị gãy; cây tre phải chặt vào cuối tháng bởi đầu tháng tre chứa nhiều nước, sẽ tốn nhiều thời gian phơi, khó tạo hình. Sau khi chọn tre, nghệ nhân sẽ đo thân và đuôi rồng để cân đối khi làm phần đầu. Đầu rồng sau khi tạo khung được ốp 1 tàu dừa to, lá xanh và dày trên đỉnh đầu. Lá dừa được đan vừa khuôn; các chi tiết thể hiện thần thái rồng được làm tỉ mẩn như: mũi dùng tàu dừa nhỏ để tạo hình, sừng rồng bằng thân và lá mây đan, cằm rồng được gắn lò xo để đàn hồi lên xuống, mắt rồng là 2 chiếc đèn pin sáng quắc… Đầu rồng mây sau khi hoàn thiện nặng từ 20-25kg nên đòi hỏi người múa phải có sức khỏe tốt. Rồng mây xã Thành Lợi có những đặc trưng mà các con rồng làm bằng chất liệu khác không có được; khi múa, các vảy lá của rồng mây óng ánh, mượt mà tạo cảm giác rồng đang bay trên không trung.
Còn ở làng Thượng, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), theo các bậc cao niên, nghệ thuật múa rồng nơi đây đã có truyền thống trên 100 năm. Điểm đặc biệt là đầu rồng làng Thượng qua các thời kỳ đều được các nghệ nhân trong làng dày công sáng tạo. Thời kỳ đầu, cụ Quản Sang và cụ Đặng Minh Kích tạo đầu rồng với bộ khung bằng cây mây, bên ngoài được làm bằng giấy dính nhựa cây cậy và nhựa hồng, sau đó phủ lớp sơn ta vẽ màu sặc sỡ. Hình dáng đầu rồng do hai cụ thiết kế có đặc điểm của rồng thời Nguyễn như đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau…
Trải qua thời gian, sau này đầu rồng cũ được lưu giữ ở đình làng Thượng, đầu rồng mới kế thừa hình dáng đầu rồng của các vị tiền nhân và thêm một số tiểu tiết như trang trí hệ thống đèn điện ở đôi mắt, thân rồng có các lồng đựng nến để rồng rực sáng khi biểu diễn buổi tối. Đặc biệt, để làm nhẹ đầu rồng, các nghệ nhân làng Thượng đã nghĩ cách thay thế vật liệu ở đầu, hàm, mang và sừng... bằng tre. Nhờ sự sáng tạo của các nghệ nhân nên đầu rồng của làng Thượng nhẹ, khi múa rất thanh thoát và uyển chuyển. Hiện nay, đội múa rồng làng Thượng có trên 30 thành viên, thường xuyên tổ chức biểu diễn ở các dịp Tết Trung thu, lễ Phật Đản, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ các cụ cao tuổi. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa khó như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu” và “Múa dưới nước”. Khi biểu diễn buổi tối, đội múa rồng làng Thượng còn thể hiện các tuyệt kỹ như: thắp nến thân rồng rồi múa làm cho rồng lung linh, huyền ảo; ban ngày người cầm gậy ngọc dẫn lộ để rồng đuổi theo thì buổi tối cây gậy ngọc được thay bằng bó đuốc sáng để múa lửa…
Ảnh 1: Đội múa rồng mây xã Thành Lợi (Vụ Bản) biểu diễn tại lễ hội Phủ Dầy 2023. Ảnh 2: Múa sư tử trên kheo trong ngày hội VHTT Hải Hậu. |
Ngoài tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, động viên nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, hoạt động của các đội múa tứ linh trên địa bàn tỉnh đã góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 19-5-2023