“Vinh dự và cũng là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là những lần được gặp Bác Hồ, được trực tiếp nghe Bác nói, Bác hỏi, Bác cǎn dặn và chỉ bảo… Tôi luôn ghi nhớ và nguyện phấn đấu suốt đời thực hiện lời Bác dạy" - Đó là lời tâm sự của Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Thị Thạc - “Kiện tướng đứng máy sợi” (Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định) những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đại biểu Quốc hội (khoá III, IV, V).
Bác Hồ dự và huấn thị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V ngày 21-5-1963. |
Năm 1959, nữ công nhân trẻ Nguyễn Thị Thạc, phân xưởng Sợi, Nhà máy Dệt Nam Định vinh dự được kết nạp Đảng. Với những thành tích trong sản xuất, nǎm 1960, bà Thạc được chọn tham gia Đoàn công tác Nhà máy Dệt Nam Định đi tham quan học tập ở Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sau chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm nghề sợi, bà áp dụng sáng tạo vào điều kiện sản xuất của Nhà máy; trăn trở, tìm sáng kiến trong quy trình nối sợi "mắt nhìn, tay nối, chân quơ bông vương vãi"... trong phân xưởng Sợi, đưa nǎng suất từ 300 cọc sợi ngang lên 600 cọc. Cô công nhân trẻ Nguyễn Thị Thạc đã lập "kỷ lục" một ca máy đứng 1.100 cọc sợi, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. "Phương châm hành động của chúng tôi ngày ấy là lao động, phấn đấu không ngừng theo lời Bác dạy: Kế hoạch 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20; mục tiêu phấn đấu chỉ nghĩ đến hoàn thành và vượt mức kế hoạch, không bao giờ nghĩ mình để được là lao động tiên tiến, hay chiến sĩ thi đua..., bà Thạc tâm sự.
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc (người đứng bên phải) vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (ngày 11-5-1962). |
Năm 1961, bà được cử tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3. Bà nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Lúc đó, Bác mặc bộ quần áo kaki, chân đi dép cao su và vui vẻ nói chuyện với mọi người”. Trong Đại hội, Bác đã động viên những thành tích của thế hệ trẻ trong cả nước. Bác nói: “Từ một người cộng sản trẻ tuổi là Lý Tự Trọng, đến nay đã có hàng vạn đoàn viên thanh niên ưu tú, những thắng lợi ấy khiến Bác rất phấn khởi”. Sau Đại hội, bà được chọn cùng đoàn thanh niên Việt Nam và quốc tế đến gặp và chụp ảnh cùng Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác gọi tên, giới thiệu từng thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tháng 5-1962, đảng viên Nguyễn Thị Thạc vinh dự được phong tặng danh hiệu AHLĐ; được cử đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây cũng là lần thứ 2 bà được gặp Bác Hồ. "Nhận Bằng khen có chữ ký của Bác, nước mắt tôi trào ra vì xúc động, trong lòng lo lắng bội phần, làm sao để giữ vững danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã tin tưởng phong tặng". Tại Đại hội (ngày 11-5-1962), tôi vẫn nhớ đinh ninh lời Bác dạy: "Anh hùng, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến phải làm đầu tàu lôi cuốn người khác cùng tiến bộ, đồng thời phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học hỏi thêm để tiến bộ không ngừng" - bà Thạc kể.
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc (ngày 11-5-1962). |
Ký ức sâu đậm nhất đối với AHLĐ Nguyễn Thị Thạc là lần được gặp Bác Hồ về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V. Bà bồi hồi nhớ lại: Sáng 21-5-1963, bà là đại biểu chính thức của Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định được dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V tổ chức tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định. Bác biểu dương: "...Trong mấy năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng vươn lên và đã thu được một số thành tích về các mặt... Trong 2 năm qua, sản xuất có phát triển tiến bộ hơn trước. Năm 1962, Nhà máy Dệt đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Bác gửi lời khen ngợi công nhân và cán bộ nhà máy Dệt. Năm nay càng phải cố gắng hơn, ra sức thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm." Tiếp đó Người ân cần chỉ ra cho Đại hội thấy rõ thêm những ưu điểm cần phát huy, những khuyết điểm cần sửa chữa, thấy hết những khả năng và thuận lợi và khó khăn của địa phương để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Người huấn dụ: "Bác mong rằng, từ nay cán bộ và công nhân đều ra sức thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao năng suất lao động, sản xuất được nhiều, nhanh, tốt, rẻ phục vụ nhân dân. Để thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn nữa thì Tỉnh uỷ, các đảng uỷ và cán bộ phụ trách các cơ quan, xí nghiệp, công thương và mậu dịch cần phải thực hiện cho có kết quả tốt cuộc vận động "nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu". Phải biết kết hợp chặt chẽ 3 cuộc vận động này với phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963 và kế hoạch 5 năm".
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V (năm 1963). |
Người cũng căn dặn các cấp uỷ cần chú trọng đến việc phát triển Đảng và củng cố chi bộ, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên nhận rõ vai trò lãnh đạo của mình. Sau khi dự xong Đại hội, Bác đã đi thăm nhà bếp, nhà ăn tập thể và một số phân xưởng Nhà máy Dệt. Tại đây, cán bộ và công nhân rất vui mừng báo cáo với Bác về kết quả thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên): nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn thước vải, 120 tấn sợi và 2.000 chiếc chăn… Bác đã khen: “Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy nửa tự động, với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; nay với loại máy mới sửa chữa lại, mỗi người đứng được từ 4 đến 6 máy”. Tiếp đó Bác đã đến thăm khu nhà ăn tập thể, khu nhà ở của gia đình công nhân. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân và con cái, nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng, đồng thời phải tổ chức cải thiện đời sống cho tốt hơn nữa. Người đến thăm Nhà triển lãm thông tin trên đường Cột Cờ. Tại đây, Bác đã ghi trên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi".
Sau Đại hội, bà Thạc đã vinh dự được dùng cơm cùng Người. Bà chia sẻ: “Trong phòng ăn hôm ấy có các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Nam Định; chỉ có tôi và bà Trương Thị Thu (Trưởng Ty Y tế - nay là Sở Y tế) là phụ nữ. Bác Hồ bước vào, nhìn khắp phòng rồi vẫy tay bảo tôi và chị Thu: “Hai cháu lên đây ngồi ăn cơm với Bác”. Được ngồi cạnh Bác, tôi xúc động không còn biết trong bữa cơm có những món ăn gì, chưa bao giờ tôi dám nghĩ có một ngày sẽ được ngồi bên Bác, ăn cơm cùng Bác. Trong bữa ăn, Bác hỏi tôi về gia đình, anh em và đời sống riêng".
Cho chúng tôi xem những tư liệu, những bức ảnh quý vinh dự được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Thạc nhớ lại: “Là đại biểu Quốc hội 3 khoá liền (khoá III, IV, V), lại thường được tham gia Đoàn Chủ tịch của mỗi kỳ họp, nên nǎm nào tôi cũng được đôi ba lần gặp Bác. Đứng trước Bác tôi thấy mình thật bé nhỏ, thường lúng túng trước những câu hỏi bất ngờ của Bác nhưng lại luôn được Bác khích lệ động viên. Trong một lần gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội, Bác nhắc nhở: "Mình được nhân dân tín nhiệm cử ra gánh vác việc của dân, của nước, bất kỳ công việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải ra sức khắc phục khó khǎn mà làm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phải nắm vững Hiến pháp, khiêm tốn, gần gũi và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân".
Vợ chồng Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc |
Nhớ lại ngày Bác mất, bà Thạc xúc động kể: "Trong cuộc mít tinh mừng ngày Quốc khánh (2-9-1969), tôi đi dự nhưng không thấy Bác. Hôm sau, khi trở về Nam Định tôi nghe tin có thông báo đặc biệt về sức khỏe Bác Hồ, sau đó là tin Bác qua đời. Tôi được chọn là một trong bốn AHLĐ tiêu biểu đại diện của 4 ngành kinh tế quan trọng đứng bên linh cữu Bác Hồ (trong đó, tôi là đại diện của ngành công nghiệp nhẹ, anh Nguyễn Cường ngành cơ khí, anh Vũ Xuân Thủy ngành than, anh Nguyễn Văn Huyên ngành xi măng). Thấy tôi khóc nhiều, Ban Lễ tang cử cán bộ đến động viên tôi, nói tôi phải xác định đây là một trách nhiệm, không được khóc tránh làm ảnh hưởng kỷ luật chung. 15 phút đứng bên linh cữu Bác, thỉnh thoảng tôi mới dám liếc nhìn thi hài Bác, người tôi cứ run lên, tôi cố nghiến răng lại để không bật khóc, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Tạm biệt bà, tôi nhớ những lời bộc bạch chân tình của AHLĐ Nguyễn Thị Thạc: Những kỷ niệm về Bác là ký ức vô giá, những lời dạy của Người luôn là “kim chỉ nam” để tôi phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đã ở tuổi "xưa nay hiếm”, tôi luôn cố gắng sống mẫu mực; dạy con cháu phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, mang sức mình phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân”./.
Bài: Việt Thắng
Ảnh: TL và Việt Thắng
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 19-5-2023