Nghề đan cói ở Nghĩa Lâm
.

Nghề đan cói ở Nghĩa Lâm

08:16, 31/03/2023

Về xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), ấn tượng ban đầu của chúng tôi là “bạt ngàn” những vệ cói được phơi ngay ngắn dọc hai bên đường. Dưới ánh nắng vàng, những thân cói khô dần ngả sang màu trắng đục dậy lên mùi thơm mát, dễ chịu. Từ bao đời nay, cây cói đã gắn bó với người dân nơi đây. Để rồi cũng từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, họ biết “biến” những cây cói vô tri thành chiếu, làn cói, túi cói, mũ cói… phục vụ hữu ích cho cuộc sống, là sản phẩm giao thương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tìm đến cơ sở sản xuất cói xuất khẩu Hải Tiến của bà Nguyễn Thị Hải, nơi được biết đến như “đầu mối” bao tiêu các sản phẩm từ cói cho các hộ dân trong và ngoài xã Nghĩa Lâm. Năm 1990, Hợp tác xã sản xuất cói Nghĩa Lâm cắt giảm biên chế, giao khoán cho các hộ gia đình. Xác định đây cũng chính là thời cơ để “bung” ra làm ăn, phát triển nghề, gia đình bà Hải tự đứng ra làm sản phẩm cói riêng biệt. Để phát triển nghề làm cói, bà sang các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình nơi có các doanh nghiệp cói lớn nhận làm gia công. Sau một thời gian, với kinh nghiệm trong nghề, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu cói tại địa phương, bà Hải quyết định mở xưởng sản xuất, kinh doanh cói. 

Có kinh nghiệm sản xuất, đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói hơn 30 năm, theo bà Hải làm cói không khó. Để làm một sản phẩm thủ công từ cói, người thợ trải qua các công đoạn: tước bỏ phần vỏ ở gốc, ngâm nước khoảng 12 tiếng sau đó vò sạch rồi đem phơi khô, dùng máy ép thành sợi phẳng. Các sợi cói sau khi được ép phẳng tiếp tục được phơi khô từ 1-2 nắng rồi sấy trong lò điện 48 tiếng để tránh bị nấm mốc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Chế biến” xong khâu nguyên liệu, những thợ nghề làm cói trong xã tiến hành công đoạn quan trọng nhất, đan cói tạo các sản phẩm như: làn, túi xách, bị, ró... Để tạo ra những sản phẩm thủ công sắc nét, ngoài sự tỉ mỉ kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn gửi gắm cả tâm huyết trong từng mối đan để mỗi thành phẩm cói của xã Nghĩa Lâm khi xuất ra thị trường luôn toát lên bản sắc riêng mà không bị pha lẫn, đại trà với các sản phẩm của những địa phương khác. 

Từ một công việc làm thêm trong lúc nông nhàn, nghề đan cói đã trở thành công việc chính, cho thu nhập chủ đạo của xã Nghĩa Lâm. Bà Nguyễn Thị Hà, xóm Hùng Anh cho biết: “Tôi làm nghề đan, dệt các sản phẩm từ cây cói đã gần 30 năm, trước kia chủ yếu đan đệm ngồi và dệt chiếu… Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, những người thợ cói trong xã chuyển sang đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Hàng ngày nếu chăm chỉ và đan nhanh tôi cũng có thu nhập khoảng 200 nghìn đồng. Từ nghề đan cói tôi có điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái học hành, xây cất nhà cửa”. 

Từ nghề đan cói, đời sống của người dân Nghĩa Lâm thay đổi đáng kể, đạt tiêu chí thu nhập đối với xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cây cói, vì vậy trở thành “cứu cánh” cho nhiều gia đình ở xã. “Cái “hay” nữa của nghề cói là ai cũng làm được nghề, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể tranh thủ thời gian đan, kiếm thêm thu nhập”, bà Hải chia sẻ thêm. Hiện Nghĩa Lâm có khoảng 500-600 lao động tham gia đan cói với thu nhập bình quân đầu người đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cói của người dân trong xã hiện đã vượt “biên giới” luỹ tre làng xuất khẩu ra các thị trường “khó tính” như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Về Nghĩa Lâm, dạo một vòng quanh các xóm nhỏ hầu như ở đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh vài ba người ngồi quây quần trong sân, ngoài hè cùng nhau đan lát, nói cười vui vẻ. Nghề xưa không chỉ giúp các hộ gia đình ở đây phát triển kinh tế mà còn là chất xúc tác gắn kết tình làng nghĩa xóm bền chặt. Với những ưu thế và giá trị của nghề, tin rằng nghề truyền thống sẽ tiếp tục được những người dân nơi đây giữ gìn, phát triển./.

 

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh



Xem thêm bình luận