Kỳ I: Đánh thức một vùng quê
Kỳ II: Đột phá, sáng tạo trong huy động nguồn lực
Không đầu tư dàn trải tránh để nguồn lực ít lại bị phân tán; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương của tỉnh trong điều kiện ngân sách còn khó khăn mà mục tiêu đặt ra lớn. Chú trọng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN); phát triển giao thông huyết mạch, kết nối liên thông đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, của quốc gia… để khắc phục điểm nghẽn, tạo ra lợi thế mới trong thu hút đầu tư.
Hạ tầng giao thông trước đây vốn là một trong những "điểm nghẽn" cơ bản hạn chế sự phát triển của tỉnh. Với vị trí địa lý sẵn có, nếu giao thông không được đầu tư đủ năng lực kết nối liên hoàn với hệ thống đường quốc gia, khu vực thì mọi tiềm năng lợi thế sẽ "ngủ yên". Mấy năm trước, Phó Chủ tịch UBND huyện ven biển Giao Thủy Cao Thành Nam từng bộc bạch trăn trở với các phóng viên: Huyện có Vườn quốc gia Xuân Thủy được đánh giá đầy tiềm năng khai thác, phát triển kinh tế, từ du lịch trải nghiệm, sinh thái đến kinh tế thủy sản… Chúng tôi biết một số nơi có rừng ngập mặn như thế này họ khai thác làm kinh tế rất tốt. Nhưng ở đây "lực bất tòng tâm" bởi hạ tầng trong khu Vườn quốc gia nói riêng, các điều kiện hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là giao thông còn nhiều bất cập.
Không khơi thông được về giao thông, chi phí của nhà đầu tư sẽ đội lên rất lớn bởi thời gian vận chuyển, kho bãi,... nên khó lôi kéo, thu hút đầu tư. Bởi vậy giao thông là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên, chú trọng đầu tư sớm hơn cả hạ tầng các KCN. Giai đoạn 1997-2021, tỉnh đã được đầu tư, hoàn thành các công trình giao thông lớn, đảm bảo tính thông suốt. Từ những công trình ban đầu như Quốc lộ 10, 21, cầu Tân Đệ, đường tỉnh 490C đến cầu Tân Phong vượt qua sông Đào, cầu Thịnh Long, đường 51B Lạc Quần - Quất Lâm, tuyến đường bộ mới đoạn Mỹ Lộc - Phủ Lý, tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21, các tỉnh lộ 490C, 488, 486B, 487, 489C... Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở các vùng nông thôn của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ, đảm bảo kết nối liên hoàn với giao thông của tỉnh và khu vực; khắc phục tình trạng "thắt cổ chai" khi từ đường nông thôn ra đường chính. Nhờ đó, năng lực vận tải nâng lên, số lượng phương tiện và tải trọng đều tăng. Tuy nhiên chỉ phát triển giao thông nội tỉnh thôi chưa đủ. Nam Định cần quan tâm đầu tư vào các công trình giao thông mang tính liên kết vùng (giao thông đối ngoại) để mở ra không gian phát triển mới. Đó là ý kiến chỉ đạo mang tính định hướng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần về làm việc với tỉnh Nam Định gần đây.
Được các cấp chính quyền hỗ trợ tối đa các điều kiện thuận lợi, Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SVT yên tầm đầu tư, phát triển sản xuất tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Thanh Thúy |
Theo đó từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và triển khai đầu tư hàng loạt các tuyến đường giao thông chiến lược đảm bảo kết nối liên thông đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, có khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp. Trong đó, đường bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I), các tỉnh lộ 487B, 488C, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; các tỉnh lộ 488B, 485B; khởi công và triển khai thi công giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu lớn thứ 4 vượt sông Đào, nối nội thành Nam Định với vùng kinh tế động lực ven biển. Ngay trong cuối tháng 9-2023, thêm một cây cầu lớn vượt sông Đáy, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định được triển khai thi công.
Hạ tầng giao thông phát triển giúp các địa phương trong tỉnh đều gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Tháng 9-2020, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh dài 65,58km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng được khởi công tại khu vực xã Giao An. Trục giao thông này khi hoàn thành sẽ kết nối thuận tiện với các địa phương trong và ngoài tỉnh bằng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy phấn khởi chia sẻ: "Dự án này giúp Giao Thủy lập tức thay đổi về vị thế địa kinh tế, từ vị trí đường “cụt” trước kia huyện lập tức được xoay chuyển vị trí trở thành điểm đầu nhập tuyến đường bộ ven biển kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động như Quảng Ninh, Hải Phòng”. Từ địa bàn "đuối" trong thu hút đầu tư, công nghiệp chậm phát triển do “điểm nghẽn” về giao thông, huyện trở thành địa phương có sức hút nhất của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư, bao gồm các tập đoàn lớn như Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), SunGroup, VinGroup... đã xúc tiến tìm hiểu, dự định phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Giao Thuỷ. “Trong đó, nhà đầu tư VSIP chỉ quyết định ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các KCN và dự án phát triển đô thị - dịch vụ tại đây sau khi xác nhận tỉnh có được đầu tư tuyến đường bộ ven biển này" - Chủ tịch UBND huyện Doãn Quang Hùng cho biết thêm.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ giúp gia tăng tính liên thông, kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế biển của tỉnh. Ảnh: Thanh Thúy |
Cùng với đường bộ, cuối tháng 7-2023 dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng có giá trị 2.300 tỷ đồng cũng đã được đưa vào vận hành, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (Hải Hậu) đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Công trình chính của dự án là âu tàu vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng thế giới Panama, có quy mô lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Công trình đã kết nối tuyến vận tải thủy ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang; tàu chở container tải trọng 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi qua, thay vì phải đi vòng ra cảng Hải Phòng và di chuyển tiếp bằng đường bộ như trước kia; giúp rút ngắn về thời gian 5 tiếng trong hành trình di chuyển từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại so với trước kia. Luồng đường thủy này có vai trò "cú huých" lớn với kinh tế biển, trong đó có vận tải biển tại khu vực Nam Định nói riêng và vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ khởi sắc với dự báo sản lượng hàng hoá vận chuyển sắp tới sẽ tăng nhanh khi tỉnh đang đón làn sóng đầu tư lớn với loạt doanh nghiệp, dự án FDI.
Giai đoạn trước đây, Nam Định đã để "tuột" mất nhiều nhà đầu tư do không có sẵn mặt bằng đủ lớn theo nhu cầu của dự án, hoặc mặt bằng còn “xôi đỗ” khiến nhà đầu tư e ngại lựa chọn dừng chân. Quyết tâm không để “mất điểm” cạnh tranh vì những lý do đó, việc đầu tư các KCN lớn, sẵn mặt bằng sạch cho nhà đầu tư lựa chọn là một nhiệm vụ được tỉnh quyết liệt chỉ đạo.
Bảo Minh (Vụ Bản) không phải là KCN đầu tiên của tỉnh nhưng là KCN đầu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, do doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định số 1107 ngày 21-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, quá trình triển khai dự án ban đầu, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khá phức tạp. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhớ lại: “Xác định được tầm quan trọng của dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên tỉnh kiên trì tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa linh hoạt, mềm dẻo, vừa kiên quyết, trong đó đặc biệt chú ý bảo đảm lợi ích cho người dân nên đã hoàn thành công tác GPMB, xây dựng thành công KCN Bảo Minh đưa vào khai thác đúng tiến độ”.
Khu Công nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Bùi Luận |
Sau khi có mặt bằng, KCN Bảo Minh đã được xây dựng trở thành một KCN sinh thái kiểu mẫu, xếp trong top đầu các KCN phía Bắc; được tổ chức quốc tế TUV Nord cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý hạ tầng và bảo vệ môi trường ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015; được chứng nhận là “KCN tiêu biểu năm 2022”. Bởi vậy, sớm thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy 100% diện tích (giai đoạn một) ngay sau khi đưa vào khai thác. KCN đã mang đến hàng vạn việc làm, thu nhập ổn định và cơ hội phát triển cho người dân nông thôn ở địa bàn sở tại, góp phần giải quyết các tiêu chí về cơ cấu lao động, việc làm, thu nhập trong xây dựng NTM.
"Đầu xuôi, đuôi lọt". Từ thành công trong phương thức đầu tư KCN Bảo Minh, tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục thực hiện chủ trương, quyết sách lớn “soi đường, chỉ hướng” cho công tác GPMB, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ ở huyện Vụ Bản mà việc GPMB để đầu tư các khu, cụm công nghiệp (CCN) cũng như các dự án phát triển ở các địa phương khác cũng có được hiệu ứng tích cực, gần đây nhất là KCN Mỹ Thuận. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị phấn khởi đánh giá: "Trong công tác GPMB cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh, chưa có dự án nào lại thuận lợi trong GPMB như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận". Dự án này mới được khởi công xây dựng hạ tầng cuối năm 2021 với diện tích 158,48ha với định hướng trở thành KCN đa ngành sử dụng công nghệ cao, hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường. Nhờ có sẵn mặt bằng sạch, KCN Mỹ Thuận nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu, quy mô lớn, công nghệ cao quyết định lựa chọn là địa điểm đầu tư dự án sản xuất như là: Tập đoàn Quanta Computer Inc, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan), Công ty Sunrise Material (Singapore). Tại huyện Nghĩa Hưng, Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư loạt dự án sản xuất thép xanh trị giá gần 100 nghìn tỷ đồng; trong đó, đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định giá trị̣ đầu tư 900 tỷ đồng... Cùng với các KCN, giai đoạn 1997-2021 toàn tỉnh có 20 CCN ở các huyện, thành phố Nam Định đã đi vào hoạt động. Các CCN đã góp phần đắc lực thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước về địa bàn nông thôn, tạo những đột phá trong phát triển "tam nông".
Một góc Hồ Vị Hoàng (thành phố Nam Định). Ảnh: Bùi Tuấn |
Mục tiêu thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư các dự án với nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu ngân sách lớn, ổn định lâu dài, có khả năng tạo đột phá về phát triển kinh tế của tỉnh, thực hiện chức năng trung tâm công nghiệp của vùng đang từng bước hiện thực hóa. Những dự án nghìn tỷ đồng được ký kết mang đến kỳ vọng về sự đổi thay trên mảnh đất Thiên Trường, từng bước tạo lập vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
(Còn nữa)
Vân Anh - Thanh Thúy
Xuất bản ngày 3-10-2023